Doanh nghiệp làm thế nào để tránh cú sốc sa thải, mất việc vì Covid-19?

02/04/2020 11:28 AM | Xã hội

Trong bối cảnh ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp buộc phải cắt giảm lương, thậm chí sa thải nhân sự. Vậy làm thế nào để doanh nghiệp có thể thông báo quyết định này một cách “nhẹ nhàng” nhất?

Doanh nghiệp chỉ có hai lựa chọn: Cắt giảm chi phí hoặc chết sớm

Diến biến phức tạp của dịch COVID-19 đang gây áp lực lên toàn bộ nền kinh tế, ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều lĩnh vực, ngành nghề, trong đó, du lịch và hàng không là hai ngành “ngấm đòn” nặng nề do lượng khách du lịch và hành khách đi máy bay giảm mạnh.

Để doanh nghiệp có thể sống sót qua khủng hoảng, nhiều biện pháp ứng phó đã được người đứng đầu các doanh nghiệp đưa ra từ cắt giảm chi phí, lương thưởng, thậm chí cắt giảm bớt nhân sự.

Thực tế, từ giữa tháng Ba, nhiều doanh nghiệp hàng không nội địa đã chủ động đề xuất cắt giảm lương thưởng để hỗ trợ giảm áp lực lên doanh nghiệp và toàn ngành.

Với ngành du lịch, nhiều doanh nghiệp lữ hành, nhiều chuỗi resort, khách sạn đã phải cắt giảm nhân sự hàng loạt vì không có khách. Doanh nghiệp chỉ giữ lại bộ máy hành chính để vận hành cơ bản, còn những bộ phận như: sales, marketing, vận hành hầu hết đã phải cho nghỉ do doanh số sụt giảm quá nhiều.

Tương tự, nhiều lao động trong các ngành ăn uống, giải trí, bất động sản, thủy sản, dệt may, da giày,... đã bị mất việc hoặc bị cắt giảm lương do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Trao đổi với BizLIVE.vn về thực trạng này, ông Đỗ Hòa, Giám đốc Công ty Tư vấn Tinh hoa quản trị cho rằng, trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch bệnh, doanh nghiệp không có nhiều lựa chọn. “Họ chỉ có hai lựa chọn, cắt giảm chi phí để kéo dài hoạt động hoặc chết sớm”, ông nói.

Doanh nghiệp làm thế nào để tránh cú sốc sa thải, mất việc vì Covid-19?  - Ảnh 1.
Ông Đỗ Hòa, Giám đốc Công ty Tư vấn Tinh hoa quản trị 

“Thường doanh nghiệp sẽ cắt dần các loại chi phí, kể cả chi phí nhân sự. Riêng chi phí nhân sự thì doanh nghiệp cắt từ những người trình độ thấp, vai trò ít quan trọng, dễ tuyển lại sau đó mới cắt dần theo thời gian đến các vị trí chủ chốt và trong trường hợp xấu nhất chỉ còn ông chủ với tờ giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và các giấy nợ”, ông nói thêm.

Thực tế, theo ông doanh nghiệp chỉ bị ràng buộc với người lao động qua những gì cam kết trên hợp đồng tuyển dụng. Khi bị dịch bệnh thế này (và cả khi doanh nghiệp bị phá sản), doanh nghiệp được miễn trừ trách nhiệm.

“Trong trường hợp khủng hoảng này, Chính phủ phải lo, chứ không phải doanh nghiệp. Như các nước khác, chính phủ hỗ trợ tiền trực tiếp cho người dân. Bởi ngoại trừ một số ít doanh nghiệp làm ăn khấm khá, tích lũy nhiều, còn đa phần không doanh nghiệp nào nuôi được lâu dài nhân sự của mình”, ông nói thêm.

Do đó ông đánh giá cao động thái gần đây của Chính phủ như đưa ra các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 hay cho doanh nghiệp vay vốn với lãi suất 0% để trả lương cho người lao động, đặc biệt là chuẩn bị thông qua gói hỗ trợ cho người yếu thế, bị mất việc và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19

Ông cho rằng đây là một quyết định đúng đắn, kịp thời. Là giải pháp tạm thời không chỉ để hỗ trợ giúp giảm gánh nặng cho doanh nghiệp, mà còn giúp duy trì an sinh, trật tự đô thị.

Làm thế nào để tránh cú sốc bị mất việc cho cán bộ, nhân viên ?

Rõ ràng việc phải giảm lương, thậm chí cắt giảm nhân sự là quyết định không hề mong muốn của bất kỳ doanh nghiệp nào và nó còn khó khăn hơn khi phải thông báo điều này với người lao động.

Trong tình huống này, ông Hòa cho rằng, các doanh nghiệp chỉ có cách trình bày và nói thật thực trạng của doanh nghiệp, để cho cán bộ, nhân viên thông cảm mà chấp nhận chia sẻ (nghỉ việc không lương, giảm 50% lương,...) bởi bản thân doanh nghiệp lo cho sự tồn tại của họ còn không xong nên khó mà lo cho người lao động.

Doanh nghiệp làm thế nào để tránh cú sốc sa thải, mất việc vì Covid-19?  - Ảnh 2.
 Ông Lê Quang Vũ, CEO Blue C

Đồng quan điểm, ông Lê Quang Vũ, CEO Blue C, trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch bệnh, các nhà lãnh đạo phải đưa ra các quyết định kỹ lưỡng để công ty sống sót song cách thông báo các quyết định này phải khéo léo để tránh sốc hoặc tổn thương cho nhân viên.

Theo ông, đầu tiên người lãnh đạo phải đặt vị trí của mình vào nhân viên để hiểu rõ một số lo lắng của họ như chế độ lương, thu nhập của họ sẽ bị thu hẹp lại hoặc sẽ bị cắt giảm bao lâu, liệu họ có bị mất việc không?... Và phải có kịch bản trong các trường hợp, sau đó công bố để nhân viên hình dung được tình hình công ty hiện đang như thế nào và số phận của họ sẽ đi về đâu.

Cũng theo ông Vũ, đây là lúc lãnh đạo phải làm gương nhiều nhất. "Những cái mình muốn nhân viên làm thì mình phải làm gương, như vậy lãnh đạo sẽ trở thành sứ giả cho văn hóa mà họ muốn hình thành trong doanh nghiệp", ông nói.

Chẳng hạn, ở giai đoạn khủng hoảng này, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam và thế giới đã quyết định cắt giảm lương thưởng của mình trước khi thông báo quyết định điều chỉnh lương của nhân viên.

Cùng với giải pháp trên, ông Vũ cho rằng, lãnh đạo doanh nghiệp nên lập ra một “đội phản ứng nhanh” để tham gia vào truyền thông, thông báo tất cả những kịch bản, kế hoạch cũng như hỗ trợ nhân viên làm việc từ xa, hay hỗ trợ về công nghệ, máy móc,…

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng phải xây dựng một kênh truyền thông để cung cấp những thông tin chính thống, đáng tin cậy cho nhân viên. Trên kênh thông tin này cũng sẽ đăng tải về những chính sách, chế độ mà công ty sẽ điều chỉnh,… để nhân viên nắm được và thông cảm nếu chẳng may họ nằm trong diện giảm lương hoặc cắt giảm nhân sự.

Cuối cùng, ông Vũ cho rằng, dù phải đưa ra những quyết định khó khăn lúc này nhưng để sống sót chờ cơ hội và đặc biệt là giữ chân được nhân tài “người lãnh đạo phải có tầm nhìn rộng hơn, tạo được niềm tin để nhân viên đi theo, dù khó khăn lúc này nhưng mọi người sẽ đồng cam cộng khổ, mọi người có thể chấp nhận thiệt thòi lúc này để có một tương lai ổn định khi đại dịch đi qua”.

Doanh nghiệp làm thế nào để tránh cú sốc sa thải, mất việc vì Covid-19?  - Ảnh 3.

Theo Hoàng Hà

Cùng chuyên mục
XEM