Doanh nghiệp kiếm được 100 đồng, chi 10 đồng phí bôi trơn

17/05/2017 15:43 PM | Kinh tế vĩ mô

Một ngày trước Hội nghị Diên Hồng, VCCI công bố con số giật mình: 10% doanh thu của doanh nghiệp dùng để 'bôi trơn'. Đến hôm nay, khi nghe trực tiếp ý kiến từ các doanh nghiệp, Thủ tướng đã lên tiếng.

Tại Hội nghị Thủ tướng và doanh nghiệp năm 2017 tổ chức sáng nay, tiếng nói của nhiều doanh nghiệp được người đứng đầu Chính phủ đón nhận và từ đó sẽ xây dựng nên các chính sách hỗ trợ tốt nhất cho cộng đồng doanh nghiệp.

Như một cách để thể hiện tiếng nói của doanh nghiệp, Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã hoàn thành một bản báo cáo dài hơn 40 trang về một năm thực hiện Nghị quyết 35 hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ ngay 1 ngày trước hôm nay.

Theo báo cáo này thì dù trong 1 năm vừa qua, những nỗ lực của Chính phủ để lắng nghe, để cố gắng thay đổi là rất đáng ghi nhận thì môi trường kinh doanh vẫn còn gây nhiều sự trở ngại, vẫn là nỗi ám ảnh với doanh nghiệp. Một trong số đó là những chi phí ‘bôi trơn’, chi phí không chính thức.

Cụ thể, theo của VCCI thì tới 66% trong số 11.000 doanh nghiệp được hỏi trong báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2016 đã xác nhận họ phải trả loại chi phí này.

Đã có từ 9-11% doanh nghiệp tham gia điều tra nói rằng từ năm 2014-2016 họ đã phải bỏ ra chi phí không chính thức giá trị tới hơn 10% tổng doanh thu. Điều đó có nghĩa là trong 100 đồng hàng bán được thì đã có 10 đồng doanh nghiệp phải để dành ra để mang đi bôi trơn.

Các chi phí không chính thức này thường ‘phát sinh’ ra khi doanh nghiệp làm các thủ tục xin cấp mặt bằng sản xuất kinh doanh, tiếp đón thanh tra, kiểm tra, thủ tục cấp phép kinh doanh có điều kiện.

Thậm chí, tình trạng mất chi phí bôi trơn này còn không hề có mấy sự cải thiện qua các năm vừa qua. Giải đoạn 5 năm trước, số doanh nghiệp trả lời câu trả lời ‘có phải bôi trơn’ cho câu hỏi trên chỉ là 6-8%.

Chưa hết, báo cáo của VCCI còn chỉ ra rằng tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp vẫn còn phổ biến. Chỉ tiêu này dù đã được cải thiện trong 2 năm qua (giảm từ 65% năm 2013 - 2014 xuống còn 58% năm 2016) nhưng vẫn còn cao so với kết quả điều tra của các năm trước đó.

Chia sẻ ngay tại buổi Hội nghị diễn ra hôm nay 17/5, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ thể hiển sự đồng tình sâu sắc với những kết quả của VCCI. Theo ông Thân, vấn đề chi phí chính là một trong số những vấn đề nổi cộm đối với doanh nghiệp.

“Doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, gian khổ, trong đó, bức xúc nhất chính là chi phí chính thức và không chính thức tăng cao” – ông Thân nói. Nguyên nhân, theo vị này, chính là do sự thờ ơ của những người thừa hành công vụ không hướng dẫn hoặc hướng dẫn không đầy đủ cho doanh nghiệp, tìm cách bắt lỗi doanh nghiệp, quan liêu, chưa coi doanh nghiệp là đối tượng phục vụ.

Theo vị này, chính những vấn đề trên đã khiến dù lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng cao trong năm 2016 nhưng lượng doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, giải thể cũng chiếm một tỷ lệ khiến nhiều người phải suy nghĩ: khoảng 50%.

Từ đó, giải pháp cần đề ra cả từ phía doanh nghiệp và từ phía các cơ quan chức năng. Đó là việc doanh nghiệp cần phải tạo thói quen ý thức tuân thủ pháp luật, đề cao văn hóa kinh doanh, nói không với tiêu cực.

Còn về phía các cơ quan chức năng thì Chính phủ cần tiếp tục có những giải pháp tăng cường kỷ luật nêu cao tinh thần lấy doanh nghiệp làm trọng tâm phục vụ.

Đồng tình với quan điểm này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong bài diễn văn bế mạc đã cam kết năm 2017 sẽ là một năm ‘giảm phí’ cho tất cả cộng đồng doanh nghiệp. Cả khán phòng sau đó đã dành một tràng vỗ tay lớn cho phát biểu đẩy thẳng thắn này.

Vượng Lê

Cùng chuyên mục
XEM