Doanh nghiệp bán rượu, bia có thể phải góp quỹ... nâng cao sức khỏe

23/06/2018 08:33 AM | Xã hội

Theo Tiến sĩ Phan Thị Kim, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật An toàn thực phẩm Việt Nam, việc doanh nghiệp sẽ phải đóng góp một khoản bắt buộc từ 0,5% đến 1% vào Quỹ Nâng cao sức khỏe sẽ khiến doanh nghiệp không còn lực để thực hiện các trách nhiệm xã hội.

Tại hội thảo về “Vai trò và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong công tác phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn”, do Hiệp hội các Doanh nghiệp rượu châu Á – Thái Bình Dương (APIWSA) và Công ty Pernod Ricard phối hợp với Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia tổ chức ngày 21/6, đại diện nhiều doanh nghiệp, hiệp hội bày tỏ sự lo ngại sẽ không thể tiếp tục triển khai các chương trình trách nhiệm xã hội nếu dự thảo Luật Phòng Chống tác hại rượu, bia được thông qua.

Theo Luật sư Nguyễn Tiến Vỵ, Chủ tịch Diễn đàn Uống có trách nhiệm Việt Nam (VARD), hiện các doanh nghiệp trong ngành rượu, bia đang phải đối mặt với nhiều vấn đề liên quan đến cơ chế chính sách. Cụ thể, dự thảo Luật phòng chống tác hại của rượu, bia đang qui định các cơ sở sản xuất, nhập khẩu rượu, bia sẽ phải đóng góp một khoản bắt buộc từ 0,5% đến 1% vào Quỹ Nâng cao sức khỏe hay vào ngân sách nhà nước để có ngân sách cho các hoạt động phòng, chống tác hại rượu, bia. Nếu Quốc hội thông qua Dự luật với điều khoản này, các doanh nghiệp sẽ không thể tiếp tục chủ động thực hiện các chương trình về phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu, bia nữa.

Tiến sĩ Phan Thị Kim, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật An toàn thực phẩm Việt Nam cho rằng, việc áp dụng các khoản đóng góp bắt buộc hoặc thu thêm thuế không phải là giải pháp cho vấn nạn về lạm dụng đồ uống có cồn. Thực tế cho thấy, cần phải có những giải pháp kiểm soát về chất lượng, an toàn thực phẩm của các loại rượu sản xuất thủ công hiện đang chiếm đến 75% lượng đồ uống có cồn đang tiêu thụ trên thị trường và có mối liên quan trực tiếp đến các vấn đề về sức khỏe và xã hội. Tiến sĩ Kim cũng cho rằng, cần phải có sự phối hợp giữa nhà nước và doanh nghiệp trong việc tuyên truyền, giáo dục ở cấp cơ sở để làm thay đổi hành vi uống thiếu trách nhiệm.

Chủ tịch Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát (VBA), ông Nguyễn Văn Việt, cho rằng, việc yêu cầu các cơ sở sản xuất kinh, nhập khẩu rượu, bia hợp pháp phải nộp những khoản đóng góp bắt buộc vào một Quỹ Nâng cao sức khỏe hoặc ngân sách nhà nước sẽ không những sẽ không có hiệu quả trong việc giảm tác hại của lạm dụng bia rượu, mà còn khiến các doanh nghiệp không còn ngân sách và sự chủ động để tiếp tục triển khai các chương trình trách nhiệm xã hội đã được thực hiện rất hiệu quả hiện nay.

Liên quan đến dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia, mới đây Hiệp hội Bia, Rượu, Nước giải khát Việt Nam và EuroCham cũng đã có một loạt kiến nghị gửi Chính phủ về việc tăng cường kiểm soát đồ uống có cồn bất hợp pháp, bao gồm các sản phẩm sản xuất thủ công, nhập lậu, giả, chất lượng kém nhằm nâng cao sức khỏe cộng đồng.

Theo VBA, ngành nước giải khát đang phải chịu mức thuế suất cao, bao gồm thuế tiêu thụ đặc biệt là 65% trên giá bán và thuế nhập khẩu từ 45%-55%, ngoài ra còn các loại thuế khác như VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp. Trong hai năm gần đây số thuế phải nộp cho các sản phẩm rượu, bia nhập khẩu tăng đã gấp đôi. Vì vậy, cần xem lại tên gọi của “Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia” khi mặc nhiên coi rượu, bia là thứ độc hại cần phòng chống.

“Việc sử dụng rượu, bia không đúng cách, lạm dụng rượu, bia mới gây ra tác hại chứ không phải cứ tiêu dùng rượu, bia là có tác hại”, Chủ tịch VBA cho hay. Đại diện VBA cũng kiến nghị Chính phủ nên xem xét, có báo cáo đánh giá hiệu quả thực hiện Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá và không thành lập Quỹ nâng cao sức khỏe từ nguồn thu đối với rượu, bia.

Ông Paul Ariol, đại diện Tiểu ban rượu vang và rượu mạnh thuộc Phòng thương mại châu Âu (EuroCham) cho rằng, dự luật phòng chống tác hại của rượu, bia cần tập trung vào ba nhóm giải pháp chính để đạt được những mục tiêu đã đề ra. Theo đó, để chống tác hại với người sử dụng, cơ quan quản lý cần thắt chặt quản lý kiểm soát rượu thủ công, rượu giả, rượu chất lượng kém. Cùng đó, cần tăng cường kiểm tra, giám sát và áp dụng các hình phạt nghiêm khắc đối với những hành vi vi phạm pháp luật do lạm dụng rượu bia như lái xe khi say rượu, bạo lực gia đình, gây rối trật tự.

Đại diện EuroCham cũng kiến nghị Bộ Y tế bỏ quy định về khoảng cách bán kính tối thiểu 500 m giữa các điểm kinh doanh rượu bia vì đây là đề xuất chưa khoa học và có thể tạo độc quyền khi mỗi trung tâm thương mại hay siêu thị chỉ được có một cửa hàng bán lẻ rượu, bia. Việc này cũng không hiệu quả trong việc hạn chế lạm dụng rượu bia vì người tiêu dùng sẵn sàng di chuyển thêm 50 m để mua rượu bia.

Theo Phạm Tuyên

Cùng chuyên mục
XEM