Đổ xô làm thép vì giá điện rẻ, lợi nhuận cao

14/10/2016 15:59 PM | Kinh tế vĩ mô

Trao đổi với chúng tôi chiều 13/10 về việc nhiều doanh nghiệp (DN) đang đổ xô vào đầu tư các dự án thép lớn, ông Phạm Chí Cường, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết việc đầu tư vào làm thép là có lý do, trong đó lợi nhuận từ việc làm thép là có, thậm chí nhiều DN đã có mức lãi lớn trong 9 tháng vừa qua.

Điển hình như việc mới đây thông tin từ Tập đoàn Hòa Phát cho biết, trong quý III/2016, Tập đoàn này có lợi nhuận sau thuế đạt 1.600 tỷ đồng, tăng 55% cùng kỳ năm trước. Nếu tính lũy kế 9 tháng đầu năm, Hòa Phát đã hoàn thành 85% kế hoạch doanh thu và 145% lợi nhuận năm. Đây là kết quả kinh doanh 9 tháng tốt nhất từ trước đến nay của đơn vị này.

Theo ông Cường, vấn đề lớn nhất trong đầu tư thép chính là việc phải đảm bảo môi trường, nhất là sau bài học của Formosa. Tuy nhiên, các DN phải lưu ý đến việc không làm các dự án quá sức, phải vay vốn ngân hàng nhiều. Cùng đó phải chú ý đến vấn đề công nghệ của dự án. Dẫn trường hợp của Thép Vạn Lợi, Dự án mở rộng Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn hai và nhiều dự án thép trong nước thời gian qua chết yểu, ông Cường cho rằng, việc bỏ qua hoặc sử dụng các công nghệ cũ sẽ khiến DN phải trả giá rất lớn.

“Ở trong nước, ngay như Tổng công ty thép năm ngoái gặp nhiều khó khăn với dự án Thép Thái Nguyên nhưng vẫn có lãi hơn 100 tỷ đồng. Các DN khác có lãi cả nghìn tỷ, thậm chí vài nghìn tỷ đồng cho thấy lợi nhuận mang lại rất lớn. Vấn đề là phải thận trọng và biết làm với sức của mình”, ông Cường khẳng định.

Tuy nhiên, TS Lê Đăng Doanh cho rằng, hiện đầu tư thép tại Việt Nam đang lãi lớn nhờ giá điện quá thấp. Nên nhiều nhà đầu tư cả trong và ngoài nước thi nhau đầu tư vào thép, như nhà máy thép do nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư ở Thái Bình tiêu thụ lượng điện bằng cả tỉnh Thái Bình cộng lại. Ngoài ra, cũng phải xem xét tới bối cảnh của Việt Nam, khi cạnh ta,Trung Quốc đang thừa công suất. Trung Quốc có công suất 1.200 triệu tấn thép/năm, nên phải xuất khẩu và hiện đang gây kiện tụng với cả châu Âu và Mỹ về sản phẩm thép.

Giờ Việt Nam đầu tư thép liệu có cạnh tranh mãi về giá điện rẻ được không, giá than và các nguyên liệu khác cũng đang tăng, liệu ta bù lỗ mãi được không? Sản phẩm làm ra có cạnh tranh nổi với thép giá rẻ từ Trung Quốc hay không, sản phẩm dư thừa sẽ bán cho ai?

Ngoài ra cũng phải chú ý tới vấn đề môi trường, chúng ta đã có kinh nghiệm từ Formosa, xi măng lò đứng... trách nhiệm các bên chưa được làm rõ, còn hậu quả thì người dân gánh. Những bài học đó không được phép lặp lại nữa.

Với tất cả các yếu tố đó, với bất kể dự án thép nào mới cũng phải được xem xét thật cẩn trọng, dù dự án to hay nhỏ.

Theo Phạm Tuyên - Lê Hữu Việt

Cùng chuyên mục
XEM