Do chưa nhận thức đúng vai trò của thương hiệu, Việt Nam thường bán rẻ doanh nghiệp cho các nhà đầu tư nước ngoài

09/08/2019 09:31 AM | Kinh doanh

Theo các chuyên gia về M&A trong nước lẫn quốc tế, thì người Việt Nam vẫn chưa coi trọng giá trị của thương hiệu, dẫn đến định giá thấp, kéo theo giá trị của doanh nghiệp không đúng như nó vốn có. Đó là nguyên do khiến thị trường đầu tư Việt Nam rất được lòng các nhà đầu tư ngoại.

Tổng giá trị M&A Việt Nam đạt 7,64 tỷ USD trong năm 2018, bằng 74,9% so với năm 2017. Tuy nhiên, nếu loại trừ thương vụ Sabeco, yếu tố gây đột biến cho hoạt động M&A tại Việt Nam năm 2017, thì giá trị M&A năm 2018 tăng 41,4%.

Trong 6 tháng đầu năm 2019, tổng giá trị các thương vụ M&A được công bố tại Việt Nam chỉ đạt 1,9 tỷ USD. Còn theo một thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, giá trị nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước ở 6 tháng đầu năm đạt 2,64 tỷ USD. Dự báo năm 2019, giá trị M&A có thể đạt 6,7 tỷ USD, bằng 88,16% năm 2018.

Nếu năm 2017 là năm của các nhà đầu tư Thái Lan, thì năm 2018 đánh dấu sự khởi sắc của dòng vốn đến từ Hàn Quốc với nhiều thương vụ đầu tư lớn. Khối ngoại, đặc biệt là các nhà đầu tư đến từ Singapore, Hong Kong, Thái Lan, Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn đóng vai trò quan trọng trong hoạt động M&A tại Việt Nam.

Chia sẻ trong Hội nghị Thay đổi để bứt phá do báo Đầu Tư tổ chức, ông Samir Dixit - Giám đốc điều hành Brand Finance Châu Á – Thái Bình Dương cho rằng, sở dĩ thị trường đầu tư của Việt Nam thu hút các doanh nghiệp nước ngoài nhiều như thế, là bởi Việt Nam đang bán doanh nghiệp của mình quá rẻ.

Do chưa nhận thức đúng vai trò của thương hiệu, Việt Nam thường bán rẻ doanh nghiệp cho các nhà đầu tư nước ngoài - Ảnh 1.

Ông Samir Dixit - Giám đốc điều hành Brand Finance Châu Á – Thái Bình Dương

"Trong 5 năm qua, thị trường Việt Nam có giá trị giao dịch thấp nhất khu vực châu Á, chỉ 4,2%. Đây là một nghịch lý, Việt Nam có tỷ lệ tăng trưởng GDP cao nhất khu vực, nhưng các công ty lại có giá thấp nhất khu vực. Nguyên nhân là bởi nhiều người Việt Nam hiểu nhầm giá trị của thương hiệu. Đây là nguyên do khiến các doanh nghiệp Việt Nam trở thành mục tiêu tranh giành của nhiều nhà đầu tư ngoại.

Trong khi định giá và cả khi đàm phán, các doanh nghiệp Việt Nam không có người am hiểu về M&A, thiếu tài năng quản lý cấp cao trong ngành định giá nên không hiểu được giá trị thực sự của thương hiệu. Nếu Việt Nam không giải quyết rốt ráo vấn đề này, thì trong 5 đến 10 năm tới, các bạn sẽ tiếp tục bán rẻ doanh nghiệp của mình. Hậu quả đầu tiên là không giữ được thương hiệu mình đã gầy dựng trong nhiều năm. Tạo một thương hiệu mới không phải là điều dễ dàng!", ông Samir Dixit cảnh báo.

Khi định giá doanh nghiệp, theo chuyên gia có 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh xây dựng thương hiệu, thì chúng ta cần xét cả tài sản hữu hình lẫn vô hình. Tài sản vô hình gồm nhiều thứ, không chỉ là thương hiệu, mà còn có thương quyền, công nghệ… Thương hiệu không chỉ là một cái tên mà chúng ta phải xét cả quá trình dài mà mình đã tạo nên nó.

Theo khảo sát, 52% các công ty thường nghĩ đến giá trị hữu hình mà quên đi giá trị vô hình. Cụ thể: tại Singapore 38% công ty quan tâm đến giá trị hữu hình, Malaysia dưới 50%, trong khi Việt Nam chỉ có 4,8%.

Trước khi định giá thương hiệu, chúng ta cần biết là đối tác có xem trọng thương hiệu của mình hay không? Nếu không yêu thích thì vì sao họ lại mua? Họ mua doanh nghiệp của chúng ta là muốn chiếm thị phần, khách hàng và họ có quan tâm đến thương hiệu của chúng ta hay không?

Cùng quan điểm, bà Nguyễn Lan Phương – Luật sư Thành viên/Luật sư Hợp danh – Baker Mckenzi HCM, chuyên về lĩnh vực M&A tiết lộ, luôn có sự khác biệt trong cách tiếp cận giữa các doanh nghiệp FDI và trong nước khi tiến hành M&A.

Do chưa nhận thức đúng vai trò của thương hiệu, Việt Nam thường bán rẻ doanh nghiệp cho các nhà đầu tư nước ngoài - Ảnh 2.

Bà Nguyễn Lan Phương – Luật sư Thành viên/Luật sư Hợp danh – Baker Mckenzi HCM

Các nhà đầu tư nước ngoài luôn xem thương hiệu là tài sản quan trọng nhất mà họ phải bảo vệ đầu tiên khi tiến thành M&A, do đó họ thường yêu cầu ký kết và đăng ký nhiều thứ liên quan đến thương hiệu. Sau M&A, thường thì họ chỉ cho đối tác tiếp tục dùng thương hiệu của mình trong 3 đến 12 tháng. Họ không bao giờ bán thương hiệu, nhất là các thương hiệu lớn.

Theo cách tính của các công ty nước ngoài, giá trị thương hiệu chính là giá thị trường – giá các tài sản hữu hình khác. Với các công ty chuyên sử dụng các nhà cung cấp thay vì tự mình đứng ra sản xuất như Apple, thì giá thương hiệu của họ bằng giá thị trường.

Ngược lại, bên bán trong nước có chủ sở hữu là Nhà nước hay tư nhân chỉ muốn được nhận tiền nhiều nhất, ít ai quan tâm đến thương hiệu của mình hoặc tìm hiểu xem đối tác sau khi mua xong sẽ đối xử với thương hiệu của mình như thế nào. Hầu hết chỉ quan tâm đến giá trị hữu hình hoặc là giá của thương vụ.

Trong quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước, người ta chỉ loay hoay định giá đất đai – con người, rất ít khi nói đến thương hiệu. Trong khi, đôi lúc giá trị lớn nhất của một doanh nghiệp chính là thương hiệu. Khi bán doanh nghiệp, tốt nhất nên tìm đến đối tác vừa trả giá cao vừa trân trọng thương hiệu của mình, bà Nguyễn Lan Phương gợi ý.

Quỳnh Như

Cùng chuyên mục
XEM