Đồ chay ế rằm tháng bảy

02/09/2020 08:46 AM | Xã hội

Trước các vụ ngộ độc pate chay Minh Chay, người bán e ngại, người mua bắt đầu lo sợ, cảnh giác.

Cảnh giác với người mua lạ mặt

Theo lời mách bảo của chị Thu, tiểu thương bán hàng phía sau chợ Đồng Xuân (Hoàn Kiếm, Hà Nội), PV tìm tới trung tâm nguyên liệu chay ở khu chợ này. Một hàng dài các kiốt bán đồ chay nằm lọt thỏm ở tầng 1 chợ Đồng Xuân, chủ yếu phục vụ khách sỉ, trong đó, có tiếng nhất là quầy S.T nằm ngay đầu dãy.

Hàng hoá để la liệt, kê kín quây lấy lối đi, không gian chật hẹp tràn ngập mùi hỗn tạp của các nguyên liệu khô. Chỉ rộng chừng 2m2 nhưng kiốt của quầy S.T không thiếu một nguyên liệu, gia vị chay nào. Các loại thực phẩm đóng gói như thịt viên, thịt bò, gà… có thông tin niêm yết rõ ràng trên bao bì, in to dòng chữ “Không chất bảo quản”, nhưng hạn dùng lên tới cả năm.

Do chủ yếu bán cho mối sỉ nên người phụ nữ chủ quầy S.T khá dè chừng với khách lạ hỏi mua. Khi thấy người mua thắc mắc thông tin về sản phẩm, chủ quầy lập tức tỏ thái độ và ra hiệu không bán hàng, đuổi khách. Phần lớn các sản phẩm đóng gói tại đây đều in nơi sản xuất là Cty TNHH SX - KD Thực phẩm chay Âu Lạc, có địa chỉ tại TPHCM.

Tìm hiểu qua website của Cty TNHH Âu Lạc, hiện không có các sản phẩm thịt viên, gia vị gà… có bao bì giống với kiốt tại chợ Đồng Xuân bày bán. Gói thịt viên giá bán lẻ 30.000 đồng ghi thành phần gồm tinh bột khoai sọ, nấm đông cô 10%, dầu đậu nành và muối, không chất bảo quản nhưng có thể để tới 1 năm theo công bố trên bao bì của nhà sản xuất. Tương tự với thịt bò, gà, giò chay đóng gói đều có hạn sử dụng 1 năm. Bao bì sản phẩm in 2 thứ tiếng Việt và Anh, một số loại có kèm tiếng Trung.

Trong số hơn 20 loại gia vị tại quầy S.T, xuất hiện một số chai, lọ bao bì hoàn tiền là tiếng Trung Quốc, Thái Lan, không có nhãn phụ tiếng Việt. Chúng được người bán nói qua là tương, nước chấm, có giá từ 15.000 - 50.000 đồng/chai.

Tại chợ Hôm (Hai Bà Trưng, Hà Nội), PV dễ dàng tìm mua thực phẩm chay đóng gói, đồ ăn chay chế biến sẵn hay các gia vị chế biến đồ chay. Thực phẩm chay có giá bán bằng khoảng 2/3 so với thực phẩm mặn cùng loại.

Năm nay, thị trường có thêm nhiều thực phẩm chay mới như thịt dê, cừu chay, tương đậu Hàn Quốc, mì chay nấm nhiều mẫu mới và các loại cá hồi, ba sa, điêu hồng, tai tượng. Đồ ăn chay đóng gói sẵn vô cùng phong phú, ngoài các thương hiệu Việt Nam uy tín lâu năm, có nhiều sản phẩm ghi xuất xứ Đài Loan (Trung Quốc). Những sản phẩm này có giá rẻ hơn nhưng trên nhãn mác chỉ có một vài thông tin sơ sài, thậm chí nhiều sản phẩm không có hạn sử dụng, địa chỉ nơi sản xuất.

Người mua cỗ chay giảm hẳn

Từ chợ truyền thống tới chợ mạng, ngay từ mồng 1/7 âm lịch đã nhộn nhịp mua bán cỗ chay cúng lễ Vu Lan. Rẻ bằng một nửa so với cỗ mặn, giá một mâm cỗ chay cho 4-6 người ăn trung bình từ 400.000 - 700.000 đồng tuỳ vào số lượng món. Tuy nhiên, thông tin từ vụ ngộ độc pate Minh Chay những ngày qua khiến nhiều người đặt cỗ chay hủy, chuyển sang cỗ mặn.

Tại khu chợ Hàng Bè - Gia Ngư (Hà Nội), không thấy tình trạng các cửa hàng tất bật làm cỗ chay cho khách mua về. Có chăng chỉ là một số đồ chay có sẵn tại quầy như bánh bao, nem hoa quả, canh củ quả bày ngay trên vỉa hè cạnh đường nhựa xe chạy, không có tủ bảo quản và không biết chế biến từ bao giờ. Khi có khách mua, người bán nhanh tay cho thức ăn vào túi nilon hoặc hộp nhựa, thậm chí dùng tay trần bốc đồ cho khách. Các chủ hàng đều khẳng định chất lượng đồ ăn rất đảm bảo, uy tín lâu năm và không dùng hàng chế biến sẵn.

Chị Nguyễn Hoa, chuyên nấu cỗ chay bán hàng online, ngậm ngùi: “Hai hôm nay, khách hàng hủy đơn cỗ chay liên tục. Từ hôm mùng 1 âm, mỗi ngày tôi giao 20 mâm cỗ chay cho khách, nhưng 2 hôm nay giảm chỉ còn một nửa từ khi có thông tin vụ ngộ độc thực phẩm chay. Nguyên liệu tôi đã mua sẵn trong khi vài hôm nữa là rằm rồi khiến tôi đứng ngồi không yên làm sao bán hết chỗ này. Cứ tưởng năm nay bội thu không ngờ thất thu”.

Việt Linh - Ngọc Mai

Từ khóa:  rằm tháng bảy
Cùng chuyên mục
XEM