img

Nhắc tới Disney, giờ đây người ta đã không còn nghĩ tới một đại diện cho trẻ em với các bộ phim hoạt hình ăn khách. Với cộng đồng, Disney trở thành dụ ngôn về sự hình thành, phát triển của một đế chế trị giá tới 150 tỉ USD mà chưa có một tổ chức nào có thể sánh được về quy mô và danh tiếng. Mới đây nhất, Nhà Chuột đã nuốt trọn một ông lớn khác là Fox, qua đó gần như thâu tóm và kiểm soát mọi mảng miếng của ngành giải trí toàn cầu. Hành trình của Disney là một trong những ví dụ điển hình nhất về sự thành công của một mô hình kinh doanh, ngay cả khi xuất phát điểm của người cha đẻ Walt Disney gần như là con số 0.

Disney: Từ giấc mơ của chàng hoạ sĩ nghèo đến đế chế tỉ đô độc quyền làng giải trí - Ảnh 1.

Walt Disney sinh ngày 05/12/1901 trong một gia đình trung lưu có 5 người con tại Chicago, Mỹ. Người mà sau này đã tô màu giấc mơ của hàng tỉ trẻ em bằng hoạt hình, sách truyện và công viên giải trí hóa ra lại chẳng có tuổi thơ tươi đẹp là bao. Disney lớn lên bằng những trận đòn roi thô bạo từ người cha nghiện ngập, nghèo đói, cờ bạc. Thế nhưng chính trong hoàn cảnh éo le ấy, tài năng vẫn nảy nở khi cậu bé Walt Disney tìm thấy đam mê trong hội họa, để quên đi những đớn đau tủi nhục mà ông bố thô bạo giáng xuống.

Disney: Từ giấc mơ của chàng hoạ sĩ nghèo đến đế chế tỉ đô độc quyền làng giải trí - Ảnh 2.

Lớn lên với nhiều biến cố, Disney chật vật sống với ước mơ của mình. Tranh của anh không bán được, các nhà xuất bản liên tục lắc đầu. Công ty hoạt hình do chính anh thành lập cũng rơi vào phá sản năm 1923 sau khi bộ phim Alice’s Wonderland không thể cứu nổi tình hình tài chính. Ở thời điểm này, có lẽ nhiều người khác đã nản chí mà tìm tới con đường khác. Ấy thế mà, gã họa sĩ nghèo cứng đầu này nhất quyết không chịu từ bỏ số phận. Bán đi chiếc máy quay duy nhất, vét sạch vốn liếng còn lại, Disney mua được tấm vé một chiều tới Hollywood lập nghiệp.

"Tôi yêu Mickey hơn bất cứ người phụ nữ nào trên cõi đời này" – Walt Disney.

Môi trường cạnh tranh khắc nghiệt không chỉ khiến Disney mất vài năm mới tìm được một đối tác ra hồn, mà đối tác đó còn lật mặt tráo trở ngay sau thành công đầu tiên. Ít ai biết rằng, trước khi chuột Mickey ra đời thì linh vật của tiền thân hãng Disney là chú thỏ may mắn Oswald. Tuy nhiên Oswald lại không được may mắn như thế, khi công ty Mintz giành quyền sở hữu nhân vật mà Disney sáng tạo ra, qua đó cướp trắng thành quả của Disney Brothers Studios, đẩy hai anh em nhà Disney vào tình cảnh khốn quẫn một lần nữa.

Disney: Từ giấc mơ của chàng hoạ sĩ nghèo đến đế chế tỉ đô độc quyền làng giải trí - Ảnh 3.

Sinh thời, ông tổ của Nhà Chuột được coi là một kẻ không biết bỏ cuộc. Thất bại của thỏ Oswald là một bài học kinh doanh và sáng tạo đắt giá mà Disney không được phép phạm sai lầm lần nữa. Năm 1928, Disney tung ra hình tượng chuột Mickey lấy cảm hứng từ người anh em Oswald – nhưng lần này là một chú chuột với đôi tai to tròn và cặp mắt lanh lợi. Ở tuổi 26, nhà hoạt họa này ghi tên mình là người đầu tiên trên thế giới làm được phim hoạt hình có tiếng với tác phẩm Steamboat Willie (Tàu hơi nước Willie). Bộ phim khiến cả thế giới khi đó sững sờ, nhưng đó mới chỉ là khởi đầu của phép màu mang tên chú chuột nhỏ.

Disney: Từ giấc mơ của chàng hoạ sĩ nghèo đến đế chế tỉ đô độc quyền làng giải trí - Ảnh 4.

Năm 1930 tức 7 năm lăn lộn ở Hollywood, cuối cùng Walt Disney và người anh trai Roy đã sở hữu khối tài sản trị giá hàng nghìn đô la, có trong tay các hợp đồng làm ăn béo bở. Mickey trở thành hiện tượng toàn cầu. Người Ý đã gọi chú là Topolino, ở Tây Ban Nha Mickey được gọi trìu mến với cái tên Miguel Ratoncito, ở Thụy Điển là Muse Pigg… Dù cho đề nghị mua lại Mickey của các bên có hấp dẫn tới đâu, hai anh em đều hiểu rằng số tiền đó còn lâu mới xứng đáng với mỏ vàng mà Mickey đã khui ra. Chú Chuột mới đang chỉ đứng ở cửa dẫn tới kho báu của sáng tạo, tiền tài và danh vọng.

Giai đoạn 1934 – 1941 được coi là kỷ nguyên vàng của thể loại hoạt hình được ghi dấu ấn bởi sự ra đời của "cực phẩm" Bạch Tuyết và Bảy Chú Lùn. Ngay cả khi Disney lúc đó đã có chỗ đứng trong ngành công nghiệp thì thời điểm bộ phim vẫn còn đang trong quá trình sản xuất, nhiều người đã dự đoán nó sẽ khiến Disney phá sản và gọi đó là "Sự ngông cuồng của Disney" (Disney’s Folly). Là bộ phim hoạt hình màu, có tiếng chiếu rạp đầu tiên, nàng Bạch Tuyết đã được Disney đã không ngần ngại chi cả núi tiền. Kinh phí 1,5 triệu USD được dành cho việc đào tạo các họa sĩ và kỹ xảo, cao gấp 3 lần dự kiến.

Disney: Từ giấc mơ của chàng hoạ sĩ nghèo đến đế chế tỉ đô độc quyền làng giải trí - Ảnh 5.

Ấy thế mà trái với "kỳ vọng" của đối thủ, năm 1937 đánh dấu việc Bạch Tuyết và Bảy Chú Lùn trở thành phim hoạt hình có doanh thu cao nhất thời điểm đó khi thu về 8 triệu USD, mà sau này đã lên tới con số 418 triệu. Thành công của bộ phim đã thay đổi hoàn toàn bộ mặt của ngành sản xuất phim hoạt hình, dẫn tới sự ra đời của các dự án thành công không kém khác của Disney như Pinocchio, Fantasia và Dumbo. Sau này, nhiều bộ phim hoạt hình nữa đã cho ra đời các nhân vật mang tính biểu tượng như công chúa Disney, vịt Donald, chó Goofy… làm nên tuổi thơ của nhiều thế hệ trẻ em. Disney trở thành "ông Bụt" biến trí tưởng tượng của những đứa trẻ trở thành hiện thực.

Disney: Từ giấc mơ của chàng hoạ sĩ nghèo đến đế chế tỉ đô độc quyền làng giải trí - Ảnh 6.

Disney's princess: Thương hiệu hái ra tiền của Disney từ trước đến nay.

Disney: Từ giấc mơ của chàng hoạ sĩ nghèo đến đế chế tỉ đô độc quyền làng giải trí - Ảnh 7.

Năm 1955, Disneyland ra đời và trở thành địa điểm đáng mơ ước của bất kỳ đứa trẻ nào trên thế giới. Có đứa trẻ nào từng nghe về công viên của các nhân vật hoạt hình nổi tiếng, những trò chơi rực rỡ vui nhộn với độ chân thực và quy mô khổng lồ mà không "phát sốt phát rét" lên cơ chứ? Xuất phát từ mong muốn biến những giấc mơ tươi sáng nhất của lũ trẻ trở thành hiện thực, ngày nay hệ thống công viên Disney World trải dài khắp các châu lục với 12 công viên chủ đề và 2 công viên nước, thu về hàng tỉ đô la doanh thu mỗi năm từ 150 triệu lượt khách. Tuy nhiên đó mới chỉ là một phần làm nên gã khổng lồ này.

Disney: Từ giấc mơ của chàng hoạ sĩ nghèo đến đế chế tỉ đô độc quyền làng giải trí - Ảnh 8.

Disney's Land - Giấc mơ với mọi đứa trẻ trên hành tinh này.

Nói đến Disney người ta phải nói tới các thương vụ sát nhập. Nhà Chuột thâu tóm Marvel vào năm 2009, từ đó là đòn bẩy giúp studios này phát triển vũ trụ điện ảnh siêu anh hùng thành công nhất trong lịch sử. Disney mua lại Lucasfilm vào năm 2011, qua đó sở hữu loạt Star Wars đình đám.

Netflix sẽ phải làm gì trước một "Galactus" – kẻ ăn các hành tinh – như Disney khi mà một lượng phim khổng lồ từ siêu anh hùng cho tới hoạt hình sẽ thuộc về kênh Disney+ sau này? Tin vui đối với các nhà lãnh đạo của Netflix là ít nhất tại thời điểm bây giờ, Disney đã có thể tạm yên lòng với bữa ăn khổng lồ vừa đánh chén được. Sẽ cần khoảng 2 năm để Nhà Chuột có thể hoàn tất các thủ tục và phát triển hệ thống của mình. Đó là khoảng thời gian cho các đối thủ có thể tìm được thị phần và đường hướng riêng trong bối cảnh gã khổng lồ này cứ to mãi ra.

Netflix sẽ phải làm gì trước một "Galactus" – kẻ ăn các hành tinh – như Disney khi mà một lượng phim khổng lồ từ siêu anh hùng cho tới hoạt hình sẽ thuộc về kênh Disney+ sau này? Tin vui đối với các nhà lãnh đạo của Netflix là ít nhất tại thời điểm bây giờ, Disney đã có thể tạm yên lòng với bữa ăn khổng lồ vừa đánh chén được. Sẽ cần khoảng 2 năm để Nhà Chuột có thể hoàn tất các thủ tục và phát triển hệ thống của mình. Đó là khoảng thời gian cho các đối thủ có thể tìm được thị phần và đường hướng riêng trong bối cảnh gã khổng lồ này cứ to mãi ra.

Disney: Từ giấc mơ của chàng hoạ sĩ nghèo đến đế chế tỉ đô độc quyền làng giải trí - Ảnh 9.

Disney mua gì thì kết quả đã hiển thị ngay trên thang đo doanh thu và danh tiếng. Với gần 100 giải Oscar với sự thống trị gần như tuyệt đối ở mảng hoạt hình khi sở hữu "xưởng sản xuất của những giấc mơ" là Pixar, Disney chứng minh mình không có đối thủ ở sân chơi giải thưởng điện ảnh. Nếu tính cả phim của Fox, thì giờ đây 6/10 tác phẩm có doanh thu cao nhất năm 2018 đã là của Disney. Nhắc đến phim của Disney, người ta có thể tưởng tượng ra ngay một dự án được đầu tư bài bản, kỹ xảo đẹp mắt và một nội dung tiêu chuẩn. Trong khi điều này đưa tới khán giả những lựa chọn dễ chịu thì xin nhớ rằng, gã khổng lồ này không phải lúc nào cũng là một kẻ đáng yêu.

Disney: Từ giấc mơ của chàng hoạ sĩ nghèo đến đế chế tỉ đô độc quyền làng giải trí - Ảnh 10.

Walt Disney từng nói "Chúng ta sẽ tiếp tục tiến về phía trước, mở ra những cánh cửa mới, bởi chúng ta tò mò và sự tò mò dẫn chúng ta tới những con đường chưa được khám phá." Chuyện gì sẽ xảy ra, nếu như giấc mơ tìm về những chốn mới mẻ của cha đẻ chuột Mickey chìm lấp trong núi tiền khổng lồ, để rồi những đứa trẻ sau này trở nên hoài nghi về chính phép màu mà Disney đem tới?

Disney: Từ giấc mơ của chàng hoạ sĩ nghèo đến đế chế tỉ đô độc quyền làng giải trí - Ảnh 11.

Disney giờ đã rất khác xưa. Khởi điểm là một studio nhỏ xíu, mà để có tiền sản xuất phim hai anh em phải bán cả ô tô và thế chấp căn nhà. Disney ngày nay được định giá tới trăm tỉ USD, nhân viên được dạy là "nếu như các người không hạnh phúc, các người phải tỏ ra hạnh phúc trong vòng 8 tiếng đồng hồ bởi đó là nhiệm vụ." Đó là cả một bộ máy khổng lồ, tốn kém mà để dành chỗ cho sáng tạo, phải cần tới sự đánh đổi rất lớn.

Khán giả ngày nay không dễ để tìm được một bộ phim gốc thành công đến từ Walt Disney Studios. Gần như tất cả các dự án lớn nhất mà Disney tung ra trong năm nay đều là các phần phim làm lại, phim người đóng, hậu truyện, từ The Lion King, Dumbo, Toy Story 4, Aladdin cho tới Star Wars.

Người xem thẫn thờ, nhớ lại khoảnh khắc bóp nghẹt trái tim của Toy Story 3 và tự hỏi tại sao người ta lại tiếp tục kể tiếp một câu chuyện vốn đã có cái kết hoàn hảo. Những đứa trẻ ngày xưa từng mê mẩn Aladdin hay The Lion King nay đã là phụ huynh, dắt con trẻ tới rạp mà trong lòng nửa háo hức, nửa hồ nghi. Như một ca sĩ thành danh quá bận rộn đi tour biểu diễn với bản hit từ 20 năm trước mà không thể sáng tác thêm ca khúc mới, Disney cố gắng phối lại những tác phẩm kinh điển của mình với phong vị hiện đại. Khán giả, người vui vẻ trông mong, kẻ thở dài nuối tiếc.

Sự bành trướng của Disney một mặt đã sản sinh ra thế lực giải trí lớn chưa từng thấy trên thế giới, mặt khác đã vô tình cướp đi phép màu của nhiều đứa trẻ. Sẽ cần bao lâu nữa trước khi Disney có thể trở lại thời kỳ đỉnh cao sản sinh ra những tác phẩm xuất sắc như họ đã làm vào thập niên 90, khi đem tới những The Little Mermaid, Beauty and the Beast, Aladdin, The Lion King, Pocahontas, Hercules, Mulan và Tarzan... chỉ trong vòng vỏn vẹn 10 năm? Có lẽ chừng nào mô hình chuyển thể, làm lại còn kiếm được tiền, thì chừng đó người ta sẽ vẫn được/ phải chứng kiến tuổi thơ của mình sống lại với kỹ xảo hoành tráng trên màn ảnh.

Disney: Từ giấc mơ của chàng hoạ sĩ nghèo đến đế chế tỉ đô độc quyền làng giải trí - Ảnh 12.

Nhưng cũng xin đừng quá lo lắng. Chuột Mickey và phép màu của trí tưởng tượng trẻ thơ thì vẫn ở đó thôi. Disney đã làm được rất nhiều trong vòng 90 năm phát triển, đế chế này hoàn toàn có đủ tiềm lực để tạo ra những nội dung mới trong bối cảnh khán giả càng ngày càng đòi hỏi sự độc đáo, sáng tạo. Nhờ Disney mà các gia đình trên khắp thế giới có được một thế giới rực rỡ sống động hơn. Hàng trăm triệu con người biết tới Walt Disney, học hỏi từ sự đam mê và táo bạo của ông, trẻ em được khuyến khích nâng cao trí tưởng tượng và theo đuổi ước mơ. Chỉ trong phút giây thôi, xin hãy cứ nhìn Disney như một đứa trẻ, háo hức trông chờ vào những điều kỳ diệu mà chuột Mickey và những người bạn sẽ đem tới để thấy rằng cuộc đời tràn ngập tình yêu như cái cách mà Walt Disney đã trìu mến nhìn ngắm thế giới này cho tới tận khi ông qua đời. "Tiếng cười là bất tử, trí tưởng tượng không tuổi và ước mơ là mãi mãi".

Trí Thức Trẻ