Điều trị tâm linh cho bệnh nhân ung thư - P2: Một chuyến du xuân

17/03/2019 16:46 PM | Sống

Độ vững vàng của lập trường tư tưởng - tức là độ lì lợm của bản lĩnh phụ thuộc nhận thức và đức tin. Người mắc bệnh nan y, nhất là ung thư, rất cần được giúp rèn luyện bản lĩnh.

Tại một số bệnh viện trên thế giới, việc chăm sóc giảm nhẹ cho các bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối bằng các biện pháp tinh thần và tâm linh đã dần được đưa vào song song với điều trị bằng thuốc và hóa-xạ.

Có những bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối chủ động từ chối việc điều trị bằng thuốc, thay vào đó dùng toàn bộ thời gian còn lại để tận hưởng đời sống theo cách mình thích, thậm chí là những cách mà y khoa truyền thống không khuyến khích (như uống bia rượu vừa đủ) và sau đó vui vẻ giã từ cuộc sống với niềm vui.

Một khi đã không thể xoay chuyển số phận từ chết về sống, vậy thì hãy thay đổi nó bằng cách sống vui hết mức có thể.

Chúng tôi xin giới thiệu loạt bài "Điều trị tâm linh cho bệnh nhân ung thư", với những câu chuyện có thật được bác sĩ Phạm Lương Giang kể lại về những ngày đầu ông thực hiện biện pháp chăm sóc giảm nhẹ cho người bệnh bằng tâm linh.

Bác sĩ Phạm Lương Giang từng có 20 năm làm việc tại Trung tâm Ung bướu TP HCM trước khi sang Mỹ, hiện làm việc tại khoa Dược tại một bệnh viện ở Massachusetts, USA.

* Xem lại bài 1: Điều trị tâm linh cho bệnh nhân ung thư: Tổn thương trầm trọng!

--------------

"Cái chết nhẹ tựa lông hồng"

Trong bài trước tôi đã có dịp giới thiệu về lý luận điều trị tâm linh dựa trên nhân sinh quan, thế giới quan của một con người. Trong quá trình thực hành bác sĩ của tôi, tôi nhận thấy những bệnh nhân nào có quá trình lâu năm hoặc tin tưởng hết lòng vào một niềm tin tôn giáo nào đấy, hoặc tin tưởng vào một chân lý nào đấy trong cuộc đời, sẽ có sức mạnh để phối hợp với bác sĩ điều trị tâm linh cho họ rất hiệu quả.

Xin nhắc lại câu chuyện Bảo Nghĩa Vương Trần Bình Trọng. Ông dõng dạc trả lời tướng giặc Nguyên rằng "Ta thà làm quỷ nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc. Ta đã bị bắt thì chỉ có một chết mà thôi!".

Nói xong ngạo nghễ vươn cổ ngẩng cao đầu cho quân thù chém. Phập! Một dòng máu phụt lên nhuốm đỏ cả mặt trời.

Tuyệt vời bản lĩnh của một con người! Đấy! Đấy! Bản lĩnh! Bản lĩnh là cái tôi muốn lưu ý cùng các bạn. Chết còn tỉnh queo huống hồ gì mấy trò đánh đập tra tấn. Thực tế, tôi đã chứng kiến nhiều bệnh nhân ung thư, kể cả bệnh nhân nặng, do có được bản lĩnh vững vàng nên họ dễ dàng vượt qua mọi đau đớn mệt mỏi thân xác do căn bệnh, chẳng buồn bã lo sợ gì vì cái chết cũng đã coi nhẹ như bông.

 Điều trị tâm linh cho bệnh nhân ung thư - P2: Một chuyến du xuân - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.


Lập trường tư tưởng của con người được xây dựng lên từ thế giới quan và nhân sinh quan. Độ vững vàng của lập trường tư tưởng - tức là độ lì lợm của bản lĩnh phụ thuộc nhận thức và đức tin.

Nói gọn rằng, điều trị tâm linh là qua con đường tâm linh cố gắng bồi dưỡng, củng cố nhận thức và đức tin về thế giới quan và nhân sinh quan của người có tôn giáo. Ngược lại, đó là việc cố gắng hoàn thiện hoặc xây dựng thế giới quan và nhân sinh quan tích cực cho người không tôn giáo, giúp họ bình tĩnh trong cuộc sống cũng như đối mặt với căn bệnh ung thư.

Cách đây ít lâu, tôi nhận được tin Ni sư Thích Nữ Như Thủy vừa viên tịch tại thành phố Worcester của tôi. Ni sư mắc bệnh ung thư và đây là giai đoạn cuối. Trước đó, bà xã tôi thông dịch cuộc đối thoại cuối cùng giữa Ni sư và điều dưỡng trong bệnh viện.

Điều dưỡng hỏi: "Bây giờ (giai đoạn cuối tiên liệu sắp mất) bà có suy nghĩ gì?". Bà trả lời: "Tôi muốn nói với các cô rằng hiện tại tôi đang rất phấn khích. Đối với người Phật tử chúng tôi cuộc đời này chỉ là một cõi tạm. Tôi đang chuẩn bị bước sang một cuộc hành trình mới".

Thế đấy! Bản lĩnh của một người có thế giới quan và nhân sinh quan Phật giáo vững vàng là như thế đấy!

Ni sư có bướu lan rộng vùng chậu, nên nếu như là bệnh nhân bình thường thì sẽ đau la làng. Nhưng Ni sư tỉnh khô, không dùng thuốc chống đau gì cả (dù vẫn biết đang đau và đang bị xuất huyết).

Điều trị tâm linh cho bệnh nhân ung thư, là giúp cho bệnh nhân dẫu có phải đối mặt với sự thật nghiệt ngã nhưng vẫn giữ tinh thần vững vàng, không mảy may bị tổn thương.

Câu chuyện của Ni sư Thích Nữ Như Thủy làm tôi nhớ đến Ni sư Thích Nữ Hạnh Đạt bị ung thư vú, người cũng chuẩn bị cho sự ra đi của mình cứ như chuẩn bị cho một chuyến du xuân, cứ tíu ta tíu tít, nhớ lại mà vừa phục vừa thương.

 Điều trị tâm linh cho bệnh nhân ung thư - P2: Một chuyến du xuân - Ảnh 2.

Ảnh minh họa.


Điều trị tâm linh là nâng cao bản lĩnh cho con người yếu đuối

Nhưng bản lĩnh, đạo đức giúp con người đối diện với cái chết không có nghĩa là chỉ có như vậy. Bản lĩnh và đạo đức giúp con người trong tất cả hoạt động sống của mình, từ những hành động nhỏ nhặt nhất trở đi.

Không phải chỉ có những nhà tu hành Phật giáo mới có bản lĩnh. Tôi đã từng gặp rất nhiều người bản lĩnh và đạo đức đáng nể phục nhưng theo tôn giáo khác và cả những người không có tôn giáo. Ai cũng có bản lĩnh, chỉ khác nhau về mức độ và hình thức, mà điều trị tâm linh là giúp nâng cao bản lĩnh cho con người yếu đuối.

Chợt nhớ ra điều cần nhắc mọi người rằng không phải kiến thức đồ sộ mới làm nên thế giới quan và nhân sinh quan đáng nể. Nhiều khi cả đống sách lớn lại bị thiêu rụi thành tàn tro bởi ngọn lửa từ một que diêm. Trái lại, một viên sỏi nhỏ nhưng lại đủ cứng cỏi để nước không tan, đốt không cháy, đập không vỡ.

Người có suy nghĩ đơn giản nhưng đúng đắn nhiều khi lại có bản lĩnh rất vững vàng.

Cũng xin nhắc lần nữa, điều trị tâm linh đụng chạm đến niềm tin, thế giới quan, nhân sinh quan và bản lĩnh của người bệnh và nó khác hoàn toàn với mê tín dị đoan hoặc điều trị tâm lý. Đối với người không tôn giáo, tôi hay dùng thế giới quan và nhân sinh quan Phật giáo một cách nhẹ nhàng mà đa số người nghe không biết đó là lý thuyết Phật giáo.

Nghiền ngẫm kỹ định nghĩa về điều trị tâm linh, chúng ta sẽ hiểu rằng có tượng Phật tượng Chúa, có nhà nguyện và nơi thờ cúng trong bệnh viện chưa chắc đã là điều trị tâm linh. Đó chỉ là phương tiện hay cái nơi để người ta sinh hoạt tôn giáo.

Điều trị tâm linh phải có người chủ sự việc giáo dục hay định hướng thế giới quan và nhân sinh quan cho bệnh nhân, củng cố niềm tin và bản lĩnh cho bệnh nhân. Nhà nguyện giống như một căn-tin, là nơi bệnh nhân và thân nhân kiếm đồ ăn uống để không đói khát hàng ngày chứ không phải là để điều trị dinh dưỡng hay bù nước điện giải cho bệnh nhân.

Điều trị tâm linh mất nhiều công sức và thời gian, trong khi bệnh nhân lại là quá đông, nên trên thực tế tôi chỉ giúp được một số bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt và gần gũi với tôi. Có nhiều bệnh nhân chưa được điều trị tâm linh, hoặc nhiều bệnh nhân được khuyến khích đến các nhà lãnh đạo tôn giáo (như đức Thầy, đức Cha,…) của họ để được điều trị tâm linh.

Hy vọng trong thời đại mới, các phương tiện truyền thông phong phú hơn thì việc điều trị tâm linh sẽ được cải thiện.

Điều trị tâm linh là lĩnh vực mới mẻ. Ở Việt Nam hầu như không có ai biết và ở nước ngoài thì các bác sĩ cũng biết rất sơ sài. Hy vọng bài viết này góp phần gợi mở cho điều trị tâm linh được phát triển một cách khoa học, có tổ chức, trở thành một chuyên khoa chính thức phối hợp tốt với các bác sĩ tâm lý, những nhà tu hành chân chính, những nhà hoạt động xã hội tại Việt Nam.

(Còn tiếp)

Bác sĩ Phạm Lương Giang (Yhoccongdong), từ Massachusetts, Mỹ

Y học cộng đồng là dự án thiện nguyện do nhiều bác sĩ trong và ngoài nước chung tay xây dựng với sự hỗ trợ của nhóm CNTT và hơn 200 cộng tác viên. Website https://yhoccongdong.com/ là nơi tổng hợp và chuyển tải thông tin cơ bản, quan trọng về nhiều loại bệnh, cách điều trị và phòng tránh giúp cộng đồng giữ gìn sức khỏe. Những thông tin này luôn tham khảo tài liệu dành cho bệnh nhân uy tín ở Anh, Nhật, Mỹ để đảm bảo tính xác thực và tính hệ thống.

* Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt

Theo BS Phạm Lương Giang, từ Massachusetts, Mỹ

Cùng chuyên mục
XEM