Điều trị tâm linh cho bệnh nhân ung thư - P1: Tổn thương trầm trọng!

13/03/2019 09:11 AM | Sống

Một bên tin Thượng đế, bên kia tin lời Phật... Hóa ra, đạo Chúa và đạo Phật hình thức khác nhau nhưng không có gì mâu thuẫn cả.

Lời giới thiệu: Tại một số bệnh viện trên thế giới, việc chăm sóc giảm nhẹ cho các bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối bằng các biện pháp tinh thần và tâm linh đã dần được đưa vào song song với điều trị bằng thuốc và hóa-xạ.

Có những bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối chủ động từ chối việc điều trị bằng thuốc, thay vào đó dùng toàn bộ thời gian còn lại để tận hưởng đời sống theo cách mình thích, thậm chí là những cách mà y khoa truyền thống không khuyến khích (như uống bia rượu vừa đủ) và sau đó vui vẻ giã từ cuộc sống với niềm vui.

Một khi đã không thể xoay chuyển số phận từ chết về sống, vậy thì hãy thay đổi nó bằng cách sống vui hết mức có thể.

Chúng tôi xin giới thiệu loạt bài "Điều trị tâm linh cho bệnh nhân ung thư", với những câu chuyện có thật được bác sĩ Phạm Lương Giang kể lại về những ngày đầu ông thực hiện biện pháp chăm sóc giảm nhẹ cho người bệnh bằng tâm linh.

Bác sĩ Phạm Lương Giang từng có 20 năm làm việc tại Trung tâm Ung bướu TP HCM trước khi sang Mỹ, hiện làm việc tại khoa Dược tại một bệnh viện ở Massachusetts, USA.

--------------

Tổn thương tinh thần trong bệnh nan y: Rất trầm trọng!

Con người là một thể thống nhất thể xác và tinh thần. Vì vậy, khi mắc bệnh, họ có thể bị tổn thương cả về thể xác lẫn tinh thần.

Người bác sĩ hành nghề lâu năm sẽ thấy nhiều tâm trạng khác nhau xảy ra trên bệnh nhân: Vui, buồn, bình tĩnh, lạc quan, thất vọng, tuyệt vọng…

Từ lâu người ta đã lưu ý đến sự tổn thương tinh thần thể hiện bằng thay đổi tâm trạng, nặng nhất là tâm trạng tuyệt vọng và đau khổ. Mối tương quan tâm trạng (tức là tổn thương tinh thần) với bệnh tật cũng được nhắc đến.

Có trường phái cho rằng bệnh tật gây tổn thương thực thể làm thay đổi tâm trạng, rõ nhất là gây ra tổn thương trên não sẽ gây ra thay đổi tâm trạng. Tuy nhiên, nhiều khi tổn thương thực thể chưa chắc đã gây tổn thương tinh thần, mà ý nghĩa của căn bệnh mới thực sự gây ra điều đó.

Điều trị tâm linh cho bệnh nhân ung thư - P1: Tổn thương trầm trọng! - Ảnh 1.

Nhiều khi tổn thương thực thể chưa chắc đã gây tổn thương tinh thần, mà ý nghĩa của căn bệnh mới thực sự gây ra điều đó. Ảnh minh họa.

Ví dụ, có trường hợp ung thư bướu lớn chưa chẩn đoán ra người ta vẫn tỉnh queo, nhưng ung thư nhỏ xíu chẩn đoán ra người bệnh nghe tin đang bình thường có thể té xỉu. Những bệnh trị được, trị dễ thì ít gây tổn thương tinh thần hơn những bệnh nan y.

Có trường phái khác lại cho rằng mọi tổn thương thực thể của bệnh tật đều xuất phát từ nguyên nhân rối loạn tinh thần - thay đổi tâm trạng. Ở những bệnh nan y như ung thư, ảnh hưởng của tâm trạng người bệnh lên diễn tiến bệnh, kết quả điều trị bệnh là hết sức rõ ràng, hết sức quan trọng.

Nhưng nói gì thì nói, trong khi chưa xác định được tổn thương tinh thần hay tổn thương thực thể trong một căn bệnh, cái nào là nhân, cái nào là quả, thì việc điều trị vẫn phải đối mặt với việc giải quyết đồng thời cả hai khía cạnh tổn thương đó.

Tổn thương tinh thần trong bệnh nan y rất trầm trọng, điều trị cực kỳ khó khăn. Tổn thương tinh thần có thể không vì bệnh tật mà vì những xáo trộn đời sống gia đình xã hội. Nhiều trường hợp tổn thương sinh lý hay thể chất rất ít, nhưng tổn thương tâm lý nặng chẳng có thuốc nào chữa được, nhiều khi làm người ta tự kết thúc cuộc đời.

Giảm nhẹ tổn thương tinh thần

Nguyên thủy nhất, người ta cải thiện tâm trạng người bị tổn thương tinh thần – tức có tâm trạng xấu – bằng những biện pháp mê tín dị đoan. Họ cầu khẩn sự che chở của Trời (Thượng đế), Phật, hồn thiêng tổ tiên sông núi; ếm bùa diệt ma trừ tà để loại hết trong tâm những ám ảnh về tai họa, xui xẻo.

Nhưng trên bệnh nhân ung thư, sự cải thiện tâm trạng bằng con đường mê tín chỉ có tác dụng một thời gian ngắn, vì bệnh sẽ cứ tiến triển làm người ta thấy lễ lạt cầu khẩn, ếm bùa chóng hết linh nghiệm. Người bệnh sẽ nhanh chóng rơi vào thất vọng rồi tuyệt vọng.

Thứ đến, khoa tâm lý học trong y khoa ra đời. Khoa tâm lý học nghiên cứu các yếu tố tác động lên tâm trạng bệnh nhân: Căn bệnh, môi trường (gia đình, xã hội, cảnh quan và điều kiện sống, bác sĩ, điều dưỡng) và tâm trạng ảnh hưởng đến bệnh như thế nào.

Điều trị tâm lý học là cách thức điều chỉnh các yếu tố liên quan tạo nên tâm trạng bệnh nhân: chuẩn mực các giao tiếp của gia đình, xã hội, bác sĩ, điều dưỡng… đối với bệnh nhân, tối ưu ảnh hưởng tâm lý từ những tiện nghi phục vụ bệnh nhân (phòng ốc, giường nệm, chén dĩa, đồ ăn thức uống…), tư vấn giải tỏa những suy nghĩ sai lầm tiêu cực của bệnh nhân, phối hợp với điều trị bệnh lý, để đưa bệnh nhân về tâm trạng bình thường. Tốt hơn nữa là mang đến cho bệnh nhân tâm trạng tích cực.

Tuy nhiên, đối với những bệnh nan y như ung thư, điều trị tâm lý thường có rất ít tác dụng. Đó là do tâm trạng bi quan, chán nản, tuyệt vọng của bệnh nhân ung thư bắt nguồn từ sự đe dọa gây chết người của căn bệnh mà họ đang mang, và nhà tâm lý học không tài nào xóa bỏ được sự ám ảnh bị đe dọa đó.

Cái tâm trạng đó chỉ hết khi người ta có NIỀM TIN chắc chắn chiến thắng căn bệnh, đó là nguyên do điều trị tâm linh ra đời.

Điều trị tâm linh cho bệnh nhân ung thư - P1: Tổn thương trầm trọng! - Ảnh 2.

Mang âm nhạc đến cho bệnh nhân ung thư tại BV K3 Tân Triều, Hà Nội.

Tâm linh là gì?

Tất cả những tác nhân tác động đến tâm trạng của con người mà tâm lý học chỉ ra, đều là yếu tố ngoại lai, có vai trò như điều kiện hay tác nhân kích thích tâm trạng náo loạn.

Người ta nghĩ rằng trong phần tinh thần của con người có phần cốt lõi nhất, tinh túy nhất, cho nên đó là nơi linh thiêng nhất. Từ cái phần cốt lõi linh thiêng này mới đẻ ra suy nghĩ, lý trí, tình cảm, đạo đức, tư tưởng, tâm trạng, niềm tin, bản lĩnh con người. Trong các đạo hữu thần, nó được gọi là linh hồn. Đạo không có thần (Phật học) và khoa học gọi là tâm linh.

Linh hồn và tâm linh là hai khái niệm khác hẳn nhau nhưng cùng một ý nghĩa – là nơi sinh ra tất cả các hiện tượng và biểu hiện của tinh thần.

Tuy nhiên, chúng cũng có nhiều điểm khác nhau.

Trong đạo hữu thần (như Thiên chúa giáo, Hồi giáo) có niềm tin mãnh liệt với quan niệm cho rằng Thượng Đế nặn thân xác con người rồi thổi hơi thở ngài vào đấy, làm cái thân xác sống động và có nhận thức có sáng tạo, hơi thở đó chính là linh hồn. Do vậy linh hồn linh thiêng nhất, là trường tồn. Khi thân xác rã hoại, linh hồn thoát ra, đối diện với sự phán xử của Thiên Chúa. Những linh hồn của con chiên ngoan đạo, tin vâng và làm theo ý Chúa thì được lên thiên đàng, còn tội lỗi thì xuống địa ngục. Trong đạo hữu thần, nói đến tận cùng của tâm linh là nói đến Thượng đế.

Trong đạo Phật, quan niệm cái tâm được trình bày trong kinh Địa Tạng bằng câu chuyện ẩn dụ, rất logic, rất ý nghĩa thâm sâu. Đức Phật ví cái tâm như lớp đất dày (Địa) chứa đủ các yếu tố (Tạng) thuộc lãnh vực tinh thần ví như những hạt giống (chủng tử) về phẩm chất, bản năng, lý trí, trí nhớ, nghiệp lực… con người. Ông bà ta hay nói "Tâm địa" là vì vậy.

Tâm linh là hành trình nội tâm của con người, có nghĩa Tâm linh là một diễn biến trừu tượng chứ không phải một thực thể trừu tượng trong lĩnh vực tinh thần (phần thân trừu tượng của con người). Tất cả mọi sự do tâm tạo ra chứ không do một Thượng đế nào tạo ra cả – hoàn toàn không có Thượng đế, Phật học nói thế.

Theo Phật giáo, để kiểm soát lý trí tình cảm v.v, kiểm soát toàn bộ tinh thần của con người thì dùng kỹ thuật điều tâm. Những người theo Phật giáo có niềm tin sâu sắc vào lời dạy của đức Phật, tin rằng thực hành theo lời Phật dạy sẽ được nhiều ích lợi cho đời mình. Người Phật tử chân chính tin Đức Phật qua sự kiểm chứng chứ không phải tin mù quáng.

Thế đấy! Phức tạp tréo ngoe thế đấy! Một bên tin Thượng đế, bên kia tin lời Phật. Hai khái niệm tâm linh khác hẳn nhau. Điều trị tâm linh về bản chất mà khác nhau thì làm sao cùng đạt một mục đích đưa tâm trạng bị xáo trộn về trạng thái an lành?

Đầu tiên tôi theo đạo Phật. Là một Phật tử mày mò kinh sách, tham luận với các đức Thầy cho nên giáo lý nhà Phật tôi thấy rất khoa học, sáng sủa, dễ hiểu. Nhưng rồi có nhiều bệnh nhân theo Đạo Thiên Chúa, kể cả những bà soeur hay đức Cha cũng có người là bệnh nhân của tôi.

Qua những lần đàm đạo, tham dự lễ nhà thờ, tôi phát hiện ra rằng hai đạo có giáo lý, nghi lễ hành đạo khác nhau nhưng cùng một cái đích là hướng dẫn con người sống đúng đắn trong đời sống hiện tại, giải phóng con người khỏi khổ đau. Thì đấy chính là điều trị tổn thương tinh thần chứ còn gì nữa?

Nếu nghiên cứu sâu thêm những điều Chúa dạy khác, sẽ thấy những nội dung tương đồng với bên giáo huấn của Phật Thích Ca. Hóa ra, đạo Chúa và đạo Phật hình thức khác nhau nhưng không có gì mâu thuẫn cả.

Các tôn giáo lớn khác như Hindu, Islam, Judaism, Confucianism, Shinto… đều có những giáo lý thâm thúy và có ý nghĩa tích cực thiết thực cho con người theo tôn giáo đó. Những người thấm nhuần tôn giáo không bao giờ đứng ở tôn giáo mình chê bai bài xích tôn giáo khác. Mặc dù vậy, trong tất cả các đạo, đều có nhiều người theo đạo mà không hiểu đạo và không sống theo đạo, nhưng họ bảo vệ đạo rất cực đoan và tỏ ra rất nguy hiểm.

Quay trở lại câu chuyện. Rõ ràng khái niệm tâm linh rất gần gũi và có thiên hướng tôn giáo.

Tôi là một bác sĩ y khoa, sát sao với bệnh nhân ung thư, đặc biệt là những bệnh nhân giai đoạn cuối. Tôi cảm nhận được nỗi khổ đau, tổn thương tinh thần của người bệnh, đồng thời hiểu sâu sắc vai trò, kỹ thuật của điều trị tổn thương tinh thần qua con đường tâm linh, gọi tắt là điều trị tâm linh.

(Còn tiếp)

Bác sĩ Phạm Lương Giang (Yhoccongdong), từ Massachusetts, Mỹ

Y học cộng đồng là dự án thiện nguyện do nhiều bác sĩ trong và ngoài nước chung tay xây dựng với sự hỗ trợ của nhóm CNTT và hơn 200 cộng tác viên. Website https://yhoccongdong.com/ là nơi tổng hợp và chuyển tải thông tin cơ bản, quan trọng về nhiều loại bệnh, cách điều trị và phòng tránh giúp cộng đồng giữ gìn sức khỏe. Những thông tin này luôn tham khảo tài liệu dành cho bệnh nhân uy tín ở Anh, Nhật, Mỹ để đảm bảo tính xác thực và tính hệ thống.

* Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt

Theo BS Phạm Lương Giang, từ Massachusetts, Mỹ

Cùng chuyên mục
XEM