Điều tra các chi phí "ngầm" của doanh nghiệp

28/05/2016 10:07 AM | Kinh doanh

Riêng các khoản thuế, phí đã chiếm tới 40% lợi nhuận của doanh nghiệp, kèm theo đó là rất nhiều khoản chi phí không chính thức khác khiến doanh nghiệp rất khó cạnh tranh. Do vậy, Chính phủ yêu cầu điều tra về các khoản chi phí này...

Đây là một trong những điểm mới nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển được quy định trong Nghị quyết 35/NQ-CP 2006 về hỗ trợ doanh nghiệp vừa được Chính phủ ban hành.

Thông tin tại buổi họp báo, bà Phạm Thị Thu Hằng - Tổng thư ký Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, thống kê cho thấy, hiện nay doanh nghiệp đang phải chịu rất nhiều loại thuế, phí khiến cho khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt bị giảm mạnh, đặc biệt là trong thời buổi mở cửa thị trường, tham gia các hiệp định.

“Có một số loại chi phí chính thức mà doanh nghiệp đang phải gánh chịu như: Thuế; chi phí cho lao động như bảo hiểm xã hội và các khoản đóng góp khác, tính chung cộng với các chi phí như giao thông... thì mức như hiện nay là trên dưới 40%, là mức cao so với khu vực.” - bà Hằng cho biết.

Trước thông tin này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Đặng Huy Đông bày tỏ quan điểm: “Các khoản phí chính thức nếu đúng như thông tin của VCCI là 40% trên lợi nhuận là cao và chúng tôi rất mong VCCI điều tra nghiên cứu. Cái này ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đặc biệt là trong thời kỳ mở cửa. Doanh nghiệp mất lợi thế cạnh tranh từ ngay cả chi phí như thế này.”

Ông Đông cho rằng, quốc gia nào cũng phải cần thu thuế, phí cho ngân sách nhưng phải tính toán và phải minh bạch các yếu tố cấu thành lên chi phí.

Để giảm bớt gánh nặng thuế, phí cho doanh nghiệp, Nghị quyết 35 của Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan rà soát các quy định của pháp luật về đất đai theo hướng điều chỉnh giảm tiền thuê đất, chi phí chuyển đổi mục đích sử dụng đất và các chi phí khác của doanh nghiệp.

Đồng thời, Nghị quyết cũng yêu cầu rà soát, điều chỉnh mức phí đường bộ, phí BOT; đánh giá và đề xuất mức điều chỉnh hợp lý để giúp doanh nghiệp giảm chi phí, đặc biệt là doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải.

“Phí giao thông ảnh hưởng đến từng cân gạo, mớ rau của người dân. Củ đậu ở quê tôi chỉ có 5.000đ mà ra thành phố thành 50.000đ, mà chỉ cách Hà Nội có 120km. Tất nhiên không phải là chỉ do giao thông.” - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Đặng Huy Đông nêu ví dụ.

Một trong những điểm đáng chú là Nghị quyết cũng yêu cầu, trong quý IV năm 2016, Bộ Tài chính phải trình Chính phủ xem xét, sửa đổi Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp theo hướng mở rộng chi phí được giảm trừ cho doanh nghiệp về các hoạt động nâng cao năng lực, tư vấn hỗ trợ thủ tục cho doanh nghiệp, chi phí quảng cáo, tiếp thị…

Nghị quyết cũng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hộp với Bộ Tài chính xem xét sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, bảo đảm công khai minh bạch về giá và phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển bằng đường biển; thực hiện các giải pháp kiểm soát hợp lý, phù hợp với thông lệ quốc tế việc thu của các hãng tàu.

Đặc biệt, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam được yêu cầu tổ chức điều tra, thống kê, tổng hợp các chi phí chính thức, chi phí không chính thức đối với doanh nghiệp, so sánh với các doanh nghiệp trong khu vực, quốc tế và đề xuất giải pháp giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Nói về chi phí không chính thức, ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho rằng, chi phí không chính thức là rất quan trọng. "Cái chúng ta kêu gọi xã hội hóa là một loại phí không chính thức, nhưng doanh nghiệp rất khó từ chối. Trong khi đó, có một số tự nguyện nhưng thực chất lại là nhóm lợi ích, nhóm thân hữu đóng góp tiền để đổi lại lợi ích khác và lợi ích này lại do phía cơ quan có quyền ban phát, làm cho méo mó thị trường." - ông Hà nêu vấn đề.

Đáng chú ý, Nghị quyết yêu cầu mỗi năm lãnh đạo địa phương phải trực tiếp đối thoại với doanh nghiệp ít nhất 2 lần để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp.

Theo Tuệ Khanh

Cùng chuyên mục
XEM