Điều tạo nên sự phi thường của logistic Trung Quốc: 5,28 triệu km quốc lộ, 1 triệu cây cầu, hàng trăm nghìn km cao tốc, đến Mỹ cũng phải nể phục

08/11/2022 14:08 PM | Xã hội

Hàng nghìn tỷ USD đầu tư của Trung Quốc qua nhiều năm bắt đầu sinh ra trái ngọt.

“Họ có những cây cầu trông thật phi thường”- Đây là những gì mà Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump phải thốt lên năm 2016 khi nói về mảng cơ sở hạ tầng của Trung Quốc.

Theo tờ Wall Street Journal, Trung Quốc đang nổi lên như một nhà xây dựng cơ sở hạ tầng nổi tiếng thế giới với vô số những công trình khổng lồ. Từ những cây cầu vượt biển phi thường cho đến mạng lưới đường tàu cao tốc dày đặc, thế rồi hệ thống Internet 5G cho đến hàng loạt những dự án thoát nước, đường điện cùng nhiều dịch vụ khác.

Đây chính là tiền đề giúp cho nhiều mảng kinh tế, từ bất động sản cho đến logistic của Trung Quốc phát triển mạnh mẽ.

Tổng đầu tư cho cơ sở hạ tầng tại Trung Quốc (nghìn tỷ Nhân dân tệ) và Tổng độ dài đường sắt cao tốc tại Trung Quốc (km)

Dẫn đầu thế giới

Vào tháng 3/2022, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết Trung Quốc chi tiêu nhiều gấp 3 lần Mỹ cho phát triển cơ sở hạ tầng. Số liệu của Hội đồng ngoại giao Mỹ (CFR) cho thấy nền kinh tế số 1 thế giới chỉ chi 2,4% GDP cho xây dựng cơ sở hạ tầng, trong khi con số này là 8% GDP tại Trung Quốc.

Theo giáo sư Martin Haran của trường đại học Ulster University, Trung Quốc đã nâng mức đầu tư cho cơ sở hạ tầng từ 0,62 nghìn tỷ USD năm 2008 lên 2,1 nghìn tỷ USD năm 2015. Hãng tư vấn McKinsey thì dự đoán con số này sẽ lên đến 16 nghìn tỷ USD năm 2030.

Riêng trong năm 2019, Trung Quốc đã chi tới hơn 120 tỷ USD cho 10 dự án cơ sở hạ tầng lớn nhất của mình bất chấp nền kinh tế đang giảm tốc.

Vào tháng 8/2022, hãng tin Bloomberg cho hay chính quyền Bắc Kinh sẽ đổ thêm 1 nghìn tỷ USD cho các dự án xây dựng, trong khi một số ước tính khác cho biết con số này trên thực tế có thể nhiều gấp 3 lần.

Tờ WSJ cho biết Trung Quốc hiện có ít nhất 1 triệu cây cầu, bao gồm cả những cây cầu thuộc hàng kỷ lục thế giới. Trong số 100 tòa nhà cao nhất toàn cầu thì có 49 công trình nằm ở Trung Quốc.

Số liệu của Statista thì cho thấy tính đến năm 2021, Trung Quốc đã có 5,28 triệu km đường quốc lộ, bao gồm 169.100 km đường cao tốc. Trong suốt 13 năm tính từ năm 2009, số đường cao tốc tại Trung Quốc đã tăng 1,6 lần.

Theo đánh giá của Statista, một trong những nguyên nhân chính khiến Trung Quốc đầu tư lớn cho cầu đường là để phát triển logistic. Ngay cả các địa phương cũng hiểu được tầm quan trọng của chiến lược này. 

Ví dụ như tại tỉnh Giang Tô với mục tiêu trở thành trung tâm logistic, vào năm 2020 đã có gần 277 triệu tài xế sử dụng đường cao tốc, qua đó vượt qua tỉnh Quảng Đông để trở thành khu vực đông đúc nhất cả nước.

Trong mảng đường sắt cao tốc, hãng tin Bloomberg cho biết Trung Quốc đang đứng đầu thế giới về hệ thống này với ít nhất 40.000 km đường sắt cao tốc, dài gấp đôi tổng lượng đường sắt cao tốc trên toàn cầu cộng lại. Một nửa trong số này được hoàn thiện trong 5 năm qua và dự kiến đến năm 2035, Trung Quốc sẽ có 70.000km đường sắt cao tốc.

Tính đến năm 2020, khoảng 75% số thành phố trên 500.000 dân của Trung Quốc đã kết nối với hệ thống đường sắt cao tốc.

Rõ ràng, sự đầu tư khổng lồ của Trung Quốc cho cơ sở hạ tầng là tiền đề cực kỳ quan trọng cho mảng logistic, giúp nước này vận chuyển hàng hóa nhanh chóng dù diện tích lãnh thổ lớn và dân số đông.

Hàng loạt những công trình cơ sở hạ tầng nổi tiếng của Trung Quốc khiến ngay cả Mỹ cũng phải thán phục, làm tiền đề phát triển nhiều ngành kinh tế từ bất động sản đến logistic

Đầu tư lớn

Tờ Nikkei Asian Review cho biết Ủy ban cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc (NDRC) đã cấp phép cho 48 dự án đầu tư lớn trong 5 tháng đầu năm 2022 với tổng giá trị lên đến 654,2 tỷ Nhân dân tệ, tương đương hơn 80% tổng giá trị dự án đầu tư của năm 2021.

Tính đến cuối tháng 6/2022, chính quyền các địa phương đã thông qua 3,41 nghìn tỷ Nhân dân tệ các dự án cơ sở hạ tầng.

Số liệu của NBS thì cho thấy các công trình cơ sở hạ tầng như điện năng, khí đốt, nước sạch... tại Trung Quốc đều có tốc độ tăng trưởng đầu tư trong 6 tháng đầu năm 2022 lên đến 15,1%/năm. Trong khi đầu tư cho giao thông, nhà kho, bến cảng cũng được giữ ở mức cao.

Vào năm 2014, tỷ phú Bill Gates cũng đã phải nhấn mạnh rằng lượng xi măng mà Trung Quốc dùng trong 3 năm trước đó lớn hơn cả số lượng mà Mỹ sử dụng trong toàn bộ thế kỷ 20. Trung Quốc cũng là nước sản xuất hơn một nửa số thép trên thế giới, gấp 14 lần sản lượng so với Mỹ.

Hệ thống đường sắt của nước này cũng phủ sóng tới 98% các khu vực thành thị và là biểu tượng của tinh thần vượt khó khăn.

Vào năm 1991, thành phố Thượng Hải mời các chuyên gia của Ngân hàng thế giới (World Bank) đến khảo sát việc xây tàu điện ngầm nhưng lại nhận về những lời đánh giá không tốt khi vùng này gần khu vực sông Dương Tử. Thay vào đó, các chuyên gia World Bank lại đề nghị xây các tuyến xe buýt.

Bất chấp khó khăn, Thượng Hải vẫn xây tàu điện ngầm và chỉ 30 năm sau, hệ thống tàu điện ngầm của họ trở thành một trong những mạng lưới dài và đông nhất thế giới với hơn 10 triệu hành khách mỗi ngày. Kể từ đó hàng loạt các thành phố khác của Trung Quốc cũng học tập theo.

Sự phát triển của hệ thống tàu điện ngầm cho phép Trung Quốc mở rộng nhà ở, chung cư và cả những nhà kho chứa hàng đến các vùng xa hơn, đồng thời thúc đẩy được hệ thống logistic. Đó là chưa kể đến những công nghệ khoan cắt ngầm qua núi, sông cũng như xây dựng công trình ngày càng được hoàn thiện.

Điều tạo nên sự phi thường của logistic Trung Quốc: 5,28 triệu km quốc lộ, 1 triệu cây cầu, hàng trăm nghìn km cao tốc, đến Mỹ cũng phải nể phục - Ảnh 3.

Dự án hệ thống trung tâm dữ liệu lớn của Trung Quốc

Ngay cả trong mảng công nghệ dữ liệu, Trung Quốc cũng dự định xây 8 trung tâm lớn với tổng chi phí khoảng 400 tỷ Nhân dân tệ/năm nhằm đảm bảo dịch vụ tiêu dùng, số liệu, công nghệ số hay các kênh Omnichannel của logistic được thông suốt.

Rõ ràng, không phải ngẫu nhiên mà câu chuyện vận chuyển hàng hóa lại rẻ như vậy ở Trung Quốc nếu không có sự hậu thuẫn lớn của chính phủ cho cơ sở hạ tầng.

“Trung Quốc đang làm được những điều thần kỳ mà người Mỹ đã từng làm”, chuyên gia lịch sử Thomas J.Campanella của trường đại học Cornell cũng phải thừa nhận.

*Nguồn: Bloomberg, WSJ, Nikkei

Băng Băng

Cùng chuyên mục
XEM