Điệu nhảy cộng sinh của ung thư và hệ thần kinh: Y học đang bước chân vào một miền đất hứa mới

12/10/2019 22:13 PM | Khoa học

Đây là một câu chuyện sẽ được viết tiếp bởi nhiều người trong vòng 30 năm tới. Có rất nhiều điều mà chúng ta còn chưa biết

Năm 1998, Gustavo Ayala tìm được bến đỗ cho mình tại Đại học Y Baylor, Houston, Texas. Với nhiệt huyết của một nhà nghiên cứu bệnh học trẻ tuổi, anh ấy đã sẵn sàng tới gặp các bệnh nhân.

Có điều, thủ tục xin giấy phép y tế tại tiểu bang lại đang bị trì hoãn. Bất đắc dĩ không thể làm việc, Ayala đột nhiên lại có bốn tháng tự do. Chính trong khoảng thời gian này, anh bắt đầu linh cảm được một bí ẩn hấp dẫn đằng sau căn bệnh ung thư: Sự tán tỉnh của các tế bào gây bệnh với hệ thống thần kinh của cơ thể.

Thời điểm đó, xu hướng phát triển xung quanh và dọc theo dây thần kinh của tế bào ung thư ít được quan tâm nghiên cứu. Và mặc dù không có ý định dành hết thời gian của mình vào việc này, Ayala vẫn bị thu hút bởi hiện tượng kì lạ đó.

Anh đã quan sát "sự xâm lấn xung quanh thần kinh" ở bệnh nhân ung thư, đồng thời biết nó thường là dấu hiệu cho thấy khối u xâm lấn, một tiên lượng xấu. "Nhưng không ai biết nó đã xảy ra như thế nào", Ayala nói. "Không có cơ sở sinh học nào [giải thích hiệu ứng đó]".

Vậy là để tìm hiểu, anh ấy đã bắt đầu bằng một thí nghiệm: đặt dây thần kinh cột sống của một con chuột vào đĩa petri trong đó chứa sẵn các tế bào ung thư tuyến tiền liệt của con người. Những gì Ayala quan sát thấy sau đó là một "điệu nhảy cộng sinh":

Trước khi ung thư xâm chiếm các dây thần kinh, các dây thần kinh đã tự mình vươn tới chúng. Các sợi thần kinh kéo dài về phía các tế bào ung thư và phát triển vào giữa vùng đĩa thạch căn bệnh chiếm đóng.

Để đáp lại, các tế bào ung thư cũng phồng lên bọc lấy dây thần kinh. Cả hai dường như đang quyến rũ lẫn nhau.

Điệu nhảy cộng sinh của ung thư và hệ thần kinh: Y học đang bước chân vào một miền đất hứa mới - Ảnh 1.

Từ quan sát ban đầu, nhóm của Ayala và các nhà khoa học khác đã phát hiện ra các dây thần kinh ngoại biên - những dây thần kinh phân nhánh qua cơ thể chúng ta, điều hòa các cơ quan của chúng ta - lại chính là đối tác quan trọng của ung thư khi nó phát triển và di căn.

Những dây thần kinh này sinh ra các phân tử, có mặt để hỗ trợ sự phát triển của tế bào ung thư. Và còn hơn thế nữa, hệ thần kinh còn giúp cải tạo các mô xung quanh ung thư, biến chúng thành một môi trường thân thiện hơn hỗ trợ cho sự phát triển của căn bệnh

"Chúng [những dây thần kinh] không phải là những người ngoài cuộc", Paola Vermeer, nhà sinh vật học ung thư tại Sanford Research cho biết. "Chúng là một nhân tố tích cực tham gia vào quá trình tiến triển bệnh".

Đối với một số chuyên gia, những phát hiện sinh học cơ bản này đã giúp giải thích một mối liên hệ gây tranh cãi giữa căng thẳng mạn tính và sự tiến triển của bệnh ung thư. Ngoài ra, những nghiên cứu này cũng đã thúc đẩy một số thử nghiệm lâm sàng để xem, liệu chặn tín hiệu thần kinh có làm chậm sự lan rộng của khối u hay không?

Mặc dù chưa tiến đến được những kết quả đem lại lợi ích lâu dài cho bệnh nhân, nhưng sự lạc quan vào miền đất hứa này là rất lớn. "Tôi cảm thấy lĩnh vực này sắp sửa bùng nổ", Vermeer nói. "Mọi người đang bắt đầu chú ý đến nó".

Điệu nhảy cộng sinh của ung thư và hệ thần kinh: Y học đang bước chân vào một miền đất hứa mới - Ảnh 2.

Không phải quá kỳ lạ khi nghĩ rằng hệ thần kinh có thể đồng lõa với bệnh ung thư trong quá trình phát triển và di căn của chúng. Ung thư rất giỏi trong việc lợi dụng các chức năng bình thường của cơ thể. Chẳng hạn, nó có thể kích thích sự phát triển của các mạch máu mới – nhưng không phải để phục vụ cơ thể - mà là để nuôi dưỡng chính các tế bào ung thư xâm lấn.

Paige Green, người dẫn đầu chương trình nghiên cứu khoa học tâm lý và tâm sinh học cơ bản tại Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ cho biết: Căn bệnh thao túng những chức năng tốt nhất của cơ thể, lợi dụng chúng để tạo ra những điều kiện sinh tồn dành cho mình.

Ung thư thao túng hệ miễn dịch bằng cách kiểm tỏa cơ chế bảo vệ của nó. Nghiên cứu điều này, các nhà khoa học đã phát triển được các loại thuốc mạnh để ngăn chặn, qua đó tạo ra một ngành công nghiệp trị giá hàng tỷ USD với liệu pháp miễn dịch.

Thế nhưng, phải mất nhiều thời gian hơn để các nhà khoa học chú ý đến vai trò của những dây thần kinh trong bệnh ung thư. Trước khi khoa học phát triển được những công cụ nhận diện chính xác tế bào thần kinh, các nhánh thần kinh nhỏ trong và xung quanh các khối u rất dễ bị bỏ qua.

Và ngay cả khi những công cụ đó đã có sẵn, "vẫn không có nhà khoa học nào trong cộng đồng nghiên cứu ung thư đặt mối quan tâm đặc biệt lên việc nghiên cứu sâu các dây thần kinh", nhà sinh học thần kinh ung thư Hubert Peterermarck đến từ Đại học Newcastle, Australia cho biết.

Điệu nhảy cộng sinh của ung thư và hệ thần kinh: Y học đang bước chân vào một miền đất hứa mới - Ảnh 3.

Nhiều phòng thí nghiệm đã mải mê nghiên cứu những đột biến gen trong tế bào ung thư mà bỏ qua các tín hiệu thúc đẩy ung thư trong cơ thể, Ayala nói. Đầu những năm 2000, chỉ vì tập trung nghiên cứu sự giao tiếp chéo giữa tế bào thần kinh và tế bào ung thư mà anh trở thành người ngoài cuộc.

"Tôi được gọi là anh chàng thần kinh", Ayala chia sẻ.

Nhưng sự thật thì anh không hề đơn độc. Có những nhà khoa học khác cũng đang nghiên cứu các dây thần kinh với hy vọng xác định mối liên hệ khó đoán giữa ung thư và tình trạng căng thẳng (stress).

Một trong số đó là Anil Sood, nhà sinh học ung thư tại Trung tâm Ung thư MD Anderson của Đại học Texas ở Houston.

Sood bị thu hút bởi những phát hiện cho thấy khối u ung thư sẽ phát triển lớn hơn và nhanh hơn trên những động vật thí nghiệm gặp căng thẳng - chẳng hạn khi chúng bị hạn chế về mặt thể chất hoặc bị cô lập về mặt xã hội.

Một số nghiên cứu thậm chí còn cho thấy căng thẳng mạn tính ở người bệnh ung thư khiến căn bệnh dễ tiến triển hơn.

Nhưng cơ chế của những mối liên hệ này chưa từng được làm rõ, Sood nói. Trong cộng đồng các nhà nghiên cứu quan tâm đến mối liên hệ giữa căng thẳng và ung thư, "có một cảm giác rằng các nhà khoa học kỳ cựu khác họ sẽ chỉ xem những loại quan sát này là thứ "khoa học mềm" (tương tự như khoa học xã hội và tâm lý học)".

Điệu nhảy cộng sinh của ung thư và hệ thần kinh: Y học đang bước chân vào một miền đất hứa mới - Ảnh 4.

Để chứng minh điều ngược lại, Sood và những nhà nghiên cứu khác đã phải đi săn lùng các cơ chế. Họ tập trung vào hệ thống thần kinh giao cảm, thứ đang điều phối phản ứng "chiến đấu hay chạy trốn" (fight of flight) của chúng ta khi đối mặt với một mối đe dọa nhận thức được.

Các hooc-môn epinephrine và norepinephrine đóng vai trò chính trong phản ứng này, làm tăng nhịp tim và huyết áp. Các dây thần kinh giao cảm - dệt qua các cơ quan của chúng ta và dẫn truyền tín hiệu đến cho chúng - giải phóng các hooc-môn vào mô gần đó. (Các tuyến thượng thận nằm trên thận của chúng ta cũng tiết ra các hooc-môn tương tự vào máu, phát tán chúng rộng ra bên ngoài).

Trong khi đó, nhiều tế bào của cơ thể bao gồm cả các tế bào ung thư được gắn với thụ thể β-adrenergic, thứ mà epinephrine cũng như norepinephrine liên kết với- kích hoạt các thụ thể này trên tế bào ung thư dường như khuyến khích chúng phát triển.

Vào năm 2006, nhóm của Sood báo cáo rằng họ có thể khiến khối u buồng trứng của chuột phát triển lớn hơn bằng một trong hai cách: đưa chúng vào tình trạng căng thẳng mạn tính hoặc cho chúng dùng một loại thuốc kích hoạt thụ thể β-adrenergic.

Cả hai biện pháp can thiệp đã thúc đẩy tế bào ung thư chiếm dụng và nuôi dưỡng các mạch máu gần đó để thúc đẩy sự phát triển của chúng. Chặn các thụ thể lại thì sẽ chặn được sự tăng trưởng này.

Điệu nhảy cộng sinh của ung thư và hệ thần kinh: Y học đang bước chân vào một miền đất hứa mới - Ảnh 5.

Ảnh huỳnh quang chụp một dây thần kinh (màu đỏ) đang vươn về phía các tế bào ung thư (màu xanh)

Nghiên cứu kể trên và một số nghiên cứu khác nữa đã cho thấy tế bào ung thư rất lanh lợi trong việc nắm bắt các tín hiệu từ hệ thống thần kinh.

Nhưng phải đến năm 2013, nhà nghiên cứu ung thư Claire Magnon và các đồng nghiệp trong phòng thí nghiệm của nhà sinh vật học tế bào Paul Frenette tại Đại học Y Albert Einstein, New York mới tiến xa hơn trong một bước.

Họ phát hiện các sợi thần kinh nhỏ gần một khối u, đôi khi, trở thành yếu tố rất cần thiết cho sự phát triển của chúng.

Nhóm nghiên cứu đã cấy các khối u tuyến tiền liệt của người vào bên trong những con chuột. Sau đó, họ cắt đứt các dây thần kinh xung quanh hoặc phá hủy chúng bằng một hóa chất độc hại. Kết quả là khi không có dây thần kinh nào trong khu vực lân cận, khối u không thể phát triển.

Ở người, nhóm nghiên cứu nhận thấy mật độ dây thần kinh trong và xung quanh khối u tuyến tiền liệt càng cao, ung thư càng có xu hướng lan ra ngoài tuyến tiền liệt và tái phát nhanh hơn sau phẫu thuật.

Những nghiên cứu của các nhà khoa học khác cũng cho thấy việc loại bỏ các dây thần kinh có thể ngăn ngừa khối u dạ dày và tuyến tụy hình thành. Và tại nhiều địa điểm khác, bao gồm tuyến vú, đại tràng và phổi, các nhà nghiên cứu tiếp tục tìm thấy mối tương quan giữa mật độ dây thần kinh với sự tiến triển của ung thư.

Các nhà khoa học bắt đầu ghi lại được những cách mà tế bào ung thư và dây thần kinh sử dụng để tiến lại gần nhau hơn. Các dây thần kinh vướng vào mạch máu có thể vô tình bị hút vào khối u, trong khi khối u đang chiếm dụng thêm các mạch máu để cung cấp oxy cho nó.

Các tế bào ung thư cũng tạo ra các tín hiệu phân tử có thể thúc đẩy các dây thần kinh gần đó vươn ra, chui vào bên trong và quấn quanh khối u. Một số bằng chứng cho thấy tín hiệu từ khối u ung thư thậm chí có thể kích thích cơ thể tạo ra các tế bào thần kinh hoàn toàn mới từ tế bào gốc.

Điệu nhảy cộng sinh của ung thư và hệ thần kinh: Y học đang bước chân vào một miền đất hứa mới - Ảnh 6.

Một bài báo khoa học vừa được công bố trên tạp chí Nature vào năm nay cho thấy, ở chuột, các tế bào tiền thân của tế bào thần kinh trong não dường như đã di chuyển đến một khối u tuyến tiền liệt để cung cấp cho nó các tế bào thần kinh.

Nghiên cứu đó của Magnon, hiện đang làm việc tại cơ quan nghiên cứu y sinh học Pháp INSERM ở Paris và các cộng sự, đã chỉ ra một con đường giao tiếp chưa từng được khám phá giữa ung thư và hệ thần kinh trung ương.

Nhưng tại sao tế bào ung thư lại hình thành liên minh với các dây thần kinh ngay từ đầu, nắm bắt tín hiệu của chúng và kéo chúng lại gần phía mình?

Steven Cole, một nhà nghiên cứu bộ gen tại Đại học California, Los Angeles cho biết: Một ý tưởng đơn giản giải thích cho chuyện đó là những khu vực tập trung nhiều dây thần kinh trong cơ thể cũng là những địa điểm ung thư có thể phát triển mạnh.

Bởi vì các dây thần kinh mở rộng và di trú thường xuyên, chúng tạo ra các phân tử khuyến khích sự tăng trưởng và vận động – thứ mà một tế bào ung thư gần đó lúc nào cũng sẵn sàng đớp lấy.

Nhóm của Cole cũng phát hiện tín hiệu từ các dây thần kinh giao cảm thúc đẩy các tế bào miễn dịch được gọi là đại thực bào phân giải các mô gần đó, tiết ra các phân tử thúc đẩy tăng trưởng và tuyển dụng các mạch máu mới. "Những tế bào ung thư rất thích điều đó", Cole nói.

Shamgar Ben-Eliyahu, một nhà thần kinh học đến từ Đại học Tel Aviv ở Israel đưa ra một ý tưởng khác. Ông cho rằng tế bào ung thư lắng nghe các tín hiệu từ dây thần kinh giao cảm để lên kế hoạch cho cuộc xâm lăng của chúng, đúng vào thời điểm mà bệnh nhân gặp nhiều căng thẳng.

Khi ung thư phát triển, nó có nguy cơ kích thích các tế bào T – là những tế bào của hệ miễn dịch đã được cơ thể đào tạo để tấn công và tiêu diệt các tế bào bướng bỉnh. Nhưng khi cơ thể ở trạng thái cảnh giác cao và các dây thần kinh giao cảm hoạt động mạnh nhất, hệ thống miễn dịch lại bị làm dịu xuống.

"Nếu khối u đủ thông minh để phơi các tế bào của nó dưới hệ thống miễn dịch chỉ khi hệ thống miễn dịch bị ức chế, thì đó là một lợi thế dành cho nó", Ben-Eliyahu nói.

Điệu nhảy cộng sinh của ung thư và hệ thần kinh: Y học đang bước chân vào một miền đất hứa mới - Ảnh 7.

Một số nhà nghiên cứu xem bằng chứng về vai trò của các dây thần kinh trong bệnh ung thư chính là thứ cơ chế mà họ đã mòn mỏi chờ đợi, thứ cơ chế có thể giải thích mối liên hệ giữa căng thẳng với ung thư.

Elizabeth Repasky, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Ung thư Toàn diện Roswell Park, cho biết: "Ý tưởng về việc khối u có thể bị kiểm soát bởi những dây thần kinh này đột nhiên mang lại một giải thích rõ ràng về lý do tại sao các loại hình căng thẳng đều rất tồi tệ đối với con người".

Cole lưu ý rằng khi ông và những nhà khoa học khác nói về phản ứng căng thẳng thúc đẩy ung thư, ý ông không phải là những căng thẳng bình thường dạng tâm lý. Bởi trạng thái tinh thần hỗn độn, khó chịu đó không hoàn toàn khớp với hoạt động giải phóng ra các hooc-môn gây căng thẳng vào mô và tĩnh mạch của chúng ta, ông nói.

Tuy nhiên, Cole và những nhà khoa học khác tin rằng tình trạng bị đe dọa liên tục hoặc cảm giác bất an thì có thể biểu hiện qua một đáp ứng vật lý chi phối bệnh ung thư. Đó là khi một người không biết làm cách nào để đáp ứng các nhu cầu cơ bản của bản thân như ăn uống, có chỗ ở và bạn đời.

"Tôi thấy ở đây họ là những bệnh nhân... những người đang chăm sóc con nhỏ hoặc cha mẹ của mình nhưng lại đang phải sống nhờ viện trợ hoặc sự giúp đỡ của người khác, bây giờ lại mắc thêm một số bệnh ác tính", Jennifer Knight, bác sĩ tâm thần chuyên về ung thư tại Đại học Y Wisconsin ở Milwaukee nói.

"Họ đang ở trong một chế độ chiến đấu hoặc chạy trốn mạn tính, vì bị đặt vào một trạng thái đe dọa cao độ không đáp ứng được các nhu cầu cơ bản".

Bây giờ, Knight đang điều tra xem liệu hoạt động thần kinh do căng thẳng có thể giúp giải thích lý do tại sao những người có tình trạng kinh tế xã hội thấp lại tiến triển bệnh nặng hơn sau khi nhận chẩn đoán ung thư hay không, ngay cả khi họ vẫn được chăm sóc?

Điệu nhảy cộng sinh của ung thư và hệ thần kinh: Y học đang bước chân vào một miền đất hứa mới - Ảnh 8.

"Vẫn còn rất nhiều điều chưa biết" về mối liên hệ giữa ung thư và căng thẳng, Sood nói. Hoạt động thần kinh có thể thúc đẩy ung thư bất kể người bệnh có đặc biệt bị căng thẳng hay không, hay các dây thần kinh có thể chỉ là một yếu tố lèo lái trong một số giai đoạn phát triển cụ thể của khối u?

Peterermarck cho biết thêm một khó khăn cơ bản khác, đó là việc đo lường một cách khách quan cường độ căng thẳng hoặc xác định loại trải nghiệm căng thẳng nào có liên quan đến căn bệnh. "Mối quan hệ tiềm năng giữa căng thẳng và ung thư đã được chú ý từ lâu, nhưng nó chưa từng được chứng minh một cách thực sự".

Điệu nhảy cộng sinh của ung thư và hệ thần kinh: Y học đang bước chân vào một miền đất hứa mới - Ảnh 9.

Bất kể vai trò của căng thẳng ảnh hưởng tới ung thư như thế nào, tìm ra các loại thuốc nhắm vào hệ thần kinh có thể giúp ích cho việc điều trị. Cả Knight, Repasky, Frenette và Sood đều đang nghiên cứu một nhóm thuốc phổ biến được gọi là thuốc chẹn β.

Được sử dụng từ những năm 1960 để giảm huyết áp, điều trị bệnh tim mạch và đôi khi còn được kê đơn để kiểm soát chứng lo âu ngắn hạn, thuốc chẹn β hoạt động bằng cách chặn các thụ thể β-adrenergic nhằm giữ tim đập ở nhịp thấp.

Một số nghiên cứu hồi cứu báo cáo những người tình cờ được chẩn đoán và điều trị ung thư trong khi vẫn đang dùng thuốc chẹn β có tiên lượng tốt hơn so với bệnh nhân không dùng thuốc.

Nhưng các nghiên cứu khác lại không tìm thấy lợi ích gì từ đó. Vì vậy, một số nhà khoa học đã thiết kế các thử nghiệm mới để kiểm tra thuốc chẹn β một cách có hệ thống hơn.

Ben-Eliyahu đã tập trung vào tiềm năng của thuốc trong việc ngăn ngừa sự di căn sau phẫu thuật, xảy ra khi các tế bào ung thư bị bỏ sót tái phát triển quanh vị trí phẫu thuật hoặc di căn ra các bộ phận xa của cơ thể.

Ông tự hỏi liệu việc sử dụng thuốc chẹn β, kết hợp với một loại thuốc khác để giảm phản ứng viêm thúc đẩy ung thư xảy ra sau phẫu thuật, có thể giúp giảm tỷ lệ di căn trên những bệnh nhân còn sót tế bào ung thư sau phẫu thuật hay không?

Điệu nhảy cộng sinh của ung thư và hệ thần kinh: Y học đang bước chân vào một miền đất hứa mới - Ảnh 10.

Năm 2017, nhóm của Ben-Eliyahu đã công bố kết quả từ một thử nghiệm lâm sàng, thực hiện dưới sự hợp tác với Cole cùng các cộng sự khác. Trong đó, 38 phụ nữ mắc bệnh ung thư vú dự kiến ​​sẽ được phẫu thuật. Năm ngày trước khi cuộc phẫu thuật diễn ra, một nửa được cho dùng thuốc chẹn β propranolol và thuốc chống viêm etodolac.

Nghiên cứu có quá ít người tham gia để đưa ra kết luận về tỷ lệ sống hoặc tái phát bệnh. Nhưng khối u vú của những phụ nữ nhận được hai loại thuốc kết hợp đã biểu hiện ít gen liên quan đến di căn hơn khối u của những phụ nữ dùng giả dược.

Ben-Eliyahu cho biết nhóm của ông đã lặp lại được kết quả tương tự trên 34 bệnh nhân ung thư đại trực tràng, nhưng kết quả này chưa được công bố.

Các thử nghiệm lớn hơn thì đang được thực hiện. Ben-Eliyahu và các đồng nghiệp đã tới nhiều trung tâm y tế của Israel với mục tiêu tuyển dụng được 210 bệnh nhân ung thư tuyến tụy.

Một số bệnh nhân trong số họ sẽ lại được cho sử dụng propranolol và etodolac vài ngày trước khi phẫu thuật cắt bỏ khối u. Sau đó, các nhà nghiên cứu dự định sẽ theo dõi tỷ lệ sống của họ sau 5 năm.

Nhưng nhóm nghiên cứu đang gặp khó khăn trong việc kêu gọi tài trợ cho thử nghiệm, Ben-Eliyahu chia sẻ. Các nhóm nghiên cứu khác cũng đang vật lộn trong tình trạng tương tự.

"Những thử nghiệm đó thực sự là những thách thức, vì nhiều lý do mà khi bạn thực sự suy nghĩ sẽ thấy rất bức xúc", Cole nói: Các nhà tài trợ trong ngành công nghiệp không thấy được tiềm năng kiếm lời từ các loại thuốc đã hết thời gian bảo hộ sáng chế [như β propranolol].

"Thậm chí việc tuyển dụng bệnh nhân tham gia cũng khó vì tất cả các bác sĩ đều đã đưa họ vào những nghiên cứu sử dụng các liệu pháp hoàn toàn mới nhưng có tiềm năng mang lại lợi nhuận khủng, trái ngược với loại thuốc chẹn β mà từ thời ông nội tôi đã dùng khi bị đau tim hay gì đó", Cole nói.

Nhưng thuốc chẹn β cũng không phải lựa chọn duy nhất để nhắm mục tiêu vào vai trò của hệ thần kinh trong bệnh ung thư. Các nghiên cứu trong tương lai cũng có thể đi theo hướng khám phá tiềm năng của các kháng thể, có khả năng liên kết và vô hiệu hóa protein thúc đẩy sự phát triển thần kinh được tiết ra bởi khối u, Peterermarck cho biết.

Cygnal Therapeutics, một công ty có trụ sở tại Cambridge, Massachusetts, cũng đang theo đuổi các phương pháp điều trị ung thư nhắm vào sự tương tác giữa căn bệnh và dây thần kinh, mặc dù họ vẫn chưa chia sẻ chi tiết về chiến lược của mình.

Điệu nhảy cộng sinh của ung thư và hệ thần kinh: Y học đang bước chân vào một miền đất hứa mới - Ảnh 11.

Nhà bệnh học Gustavo Ayala đến từ Trường Y McGovern thuộc Trung tâm Khoa học Y tế Đại học Texas

Hai thập kỷ sau dự án tò mò đầu tiên của mình, Ayala vẫn đang nghiên cứu mối quan hệ giữa ung thư và hệ thần kinh. Nhà khoa học hiện công tác tại Trường Y McGovern thuộc Trung tâm Khoa học Y tế Đại học Texas ở Houston đã bắt tay theo đuổi các liệu pháp điều trị có tiềm năng phát triển từ đó.

Năm ngoái, nhóm của Ayala đã báo cáo một thử nghiệm trên tạp chí Prostate. Trong đó, bốn người đàn ông có khối u tuyến tiền liệt đã được tiêm chất độc thần kinh botulinum vào một bên của khối u. Kết quả là các tế bào ung thư bên nửa khối u này đã bị giết chết nhiều hơn nửa khối u còn lại.

Ayala đang chuẩn bị thử nghiệm phương pháp tiếp cận này trên một nhóm bệnh nhân lớn hơn. Bây giờ, ông đã cảm thấy được tiếp thêm năng lượng bởi lĩnh vực nghiên cứu này đang ngày càng được quan tâm.

Tốn chút thời gian trong một miền khoa học hoang dã là điều "hết sức bình thường", Ayala nói. Nhưng theo quan điểm của ông, các nghiên cứu tập trung vào dây thần kinh giao cảm lúc này hầu như vẫn chưa làm trầy xước được bề mặt các tương tác giữa ung thư với hệ thần kinh.

Một số nghiên cứu đã đề xuất phải nghiên cứu cả vai trò của các dây thần kinh đối giao cảm, thứ chống lại các tín hiệu giao cảm để đưa cơ thể vào trạng thái nghỉ ngơi, và cho phép các dây thần kinh cảm giác truyền nhiều loại kích thích khác nhau về não.

Ayala đang chuẩn bị công bố một nghiên cứu về ảnh hưởng của hai loại dây thần kinh nữa, được xác định bởi các protein mà chúng thể hiện. Ông hy vọng với hàng chục loại dây thần kinh khác nhau được nghiên cứu, chúng ta có thể vẽ ra mối quan hệ phức tạp trong sự hợp tác của hệ thần kinh với các loại bệnh ung thư.

"Đây là một câu chuyện sẽ được viết tiếp bởi nhiều người trong vòng 30 năm tới", Ayala nói. "Có rất nhiều điều mà chúng ta còn chưa biết".

Theo ZKnight

Cùng chuyên mục
XEM