Điều không tưởng ở quốc gia vỡ nợ Sri Lanka: Toàn bộ xe ô tô cá nhân bị "vứt xó" chỉ sau 1 đêm

28/06/2022 13:46 PM | Xã hội

Nhà chức trách bất ngờ ban hành lệnh cấm bán nhiên liệu cho ô tô cá nhân khiến số lượng lớn các phương tiện loại này ở Sri Lanka bị vứt xó.

Trong một tuyên bố trên truyền hình hôm 27/6, Bandula Gunawardena, người phát ngôn chính phủ Sri Lanka, cho biết nước này đã thông qua quyết định hạn chế phân phối nhiên liệu cho một loạt các dịch vụ thiết yếu trong giai đoạn từ nay đến 10/7. Ngoài ra, giao thông công cộng liên tỉnh có thể sẽ ngừng hoạt động.

"Cảng, dịch vụ y tế, vận chuyển thực phẩm sẽ tiếp tục được cung cấp nhiên liệu. Tất cả các hoạt động khác tạm thời định trệ hoặc chuyển sang trực tuyến. Người lao động được yêu cầu ở nhà. Đất nước chúng ta đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng tài chính và ngoại hối chưa từng có", ông Gunawardena cho hay.

Việc Sri Lanka đột ngột hạn chế nguồn cung nhiên liệu và yêu cầu người dân tránh ra ngoài làm tăng nguy cơ bất ổn ở đất nước 22 triệu dân. Trong khi đó, chính phủ đang phải vật lộn để cung cấp các mặt hàng thiết yếu do tình trạng vỡ nợ nước ngoài khiến quốc đảo này không thể nhập hàng từ các nhà cung cấp toàn cầu.

Tuần trước, Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe nói với các nhà lập pháp rằng kinh tế nước này đã "hoàn toàn sụp đổ". Quốc đảo không thể mua nhiên liệu khi tình trạng thiếu hụt các nhu yếu phẩm và điện ngày càng trầm trọng.

Chính phủ Sri Lanka đang đàm phán với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng như các chủ nợ song phương như Ấn Độ và Trung Quốc để có được nguồn tiền mới thanh toán hàng nhập khẩu. Đầu năm nay, Sri Lanka đã vỡ nợ trái phiếu bằng đồng USD cùng với dự trữ ngoại hối giảm mạnh.

Chính phủ cũng đã đóng cửa các trường công lập và yêu cầu công chức làm việc tại nhà để hạn chế sử dụng phương tiện giao thông. Chính điều này khiến những con đường ở thủ đô Colombo trở nên vắng vẻ. Trong khi đó, lượng phương tiện xếp hàng đổ xăng kéo dài cả cây số.

Nhằm giải quyết tình trạng này, Sri Lanka đang có kế hoạch cho phép các công ty nước ngoài phân phối nhiên liệu thông qua hệ thống của doanh nghiệp quốc doanh. Chính phủ sẽ cử đặc phái viên tới Qatar và Nga với hy vọng tìm được nguồn cung mới. Họ cũng mong đợi Ấn Độ chấp nhận hạn mức tín dụng 500 triệu USD cho nhập khẩu nhiên liệu của quốc đảo này.

Theo Linh Anh

Cùng chuyên mục
XEM