Điều gì đang xảy ra ở "Vua" sữa đậu nành Việt?

12/08/2021 16:55 PM | Kinh doanh

Tổng giám đốc đã 7 lần đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu nhưng chưa lần nào mua đủ, trong lúc đó 1 báo cáo phân tích dự đoán rằng "vua" sữa đậu nành Việt đang ở trong tầm ngắm của 2 ông lớn Masan và Nutifood.

Đầu tháng 8/2021, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc CTCP Đường Quảng Ngãi - ông Võ Thành Đàng đã đăng ký mua thêm 1 triệu cổ phiếu của công ty. Đây là lần thứ 7 trong năm, vị lãnh đạo đăng ký mua cổ phiếu, tuy nhiên không lần nào ông Võ Thành Đàng mua đủ. Nếu thành công mua vào ở lần đăng ký này, TGĐ Võ Thành Đàng sẽ sở hữu lượng cổ phần là hơn 24,37 triệu đơn vị, tương đương với tỷ lệ 6,83% vốn điều lệ.

 Điều gì đang xảy ra ở Vua sữa đậu nành Việt? - Ảnh 1.

Ông Võ Thành Đàng - Phó Chủ tịch Kiêm Tổng giám đốc của Đường Quảng Ngãi

Trong 3 tháng qua, cổ phiếu QNS của công ty ghi nhận đà tăng mạnh, vươn lên mức giá cao nhất 4 năm gần đây (xấp xỉ 47.000 đồng) nhờ sự hỗ trợ của thông tin áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đường Thái Lan.

Bên cạnh đó, theo báo cáo của CTCK Thành Công, "Vua" sữa đậu nành Việt cũng đang lọt vào tầm ngắm của ông lớn ngành tiêu dùng Masan và công ty sữa Nutifood của vợ chồng bầu Hải.

Masan và Nutifood hiện đều là cổ đông của Đường Quảng Ngãi, trong đó Masan nắm 5%, Nutifood và VinaCapital nắm 16%.

 Điều gì đang xảy ra ở Vua sữa đậu nành Việt? - Ảnh 2.
 Điều gì đang xảy ra ở Vua sữa đậu nành Việt? - Ảnh 3.

"Vua" sữa đậu nành Việt cũng đang lọt vào tầm ngắm của Masan và Nutifood?

Được biết đến ban đầu là một trong những doanh nghiệp lớn nhất ngành đường nhưng từ lâu Đường Quảng Ngãi đã trở thành một công ty sản xuất hàng tiêu dùng với cơ cấu sản phẩm khá đa dạng từ đường, sữa đậu nành (Fami, Vinasoy), bia (Dung Quất), nước khoáng (Thạch Bích) cho đến bánh kẹo (Bisca Fun). Trong đó, mảng kinh doanh nổi bật và vẫn duy trì được sức nặng cho đến bây giờ chính là sữa đậu nành.

Công ty sữa đậu nành Việt Nam - Vinasoy, tiền thân là nhà máy sữa Trường Xuân, thuộc Công ty Cổ phần đường Quãng Ngãi chính thức đi vào hoạt động vào năm 2005 và nhanh chóng trở thành "gà đẻ trứng vàng" của doanh nghiệp này. Chỉ 5 năm sau khi rẽ hướng hoạt động, tới năm 2010, Vinasoy đã vươn lên vị thế dẫn đầu, trở thành ông hoàng trên thị trường sữa đậu nành Việt.

Theo báo cáo phân tích của Công ty chứng khoán Thành Công, thứ hạng này chưa hề có dấu hiệu lung lay khi hiện tại, với 86% thị phần, Đường Quảng Ngãi vẫn đang thống lĩnh thị trường sữa đậu nành hộp giấy tại Việt Nam. Trong khi đó, đối với phân khúc này hai ông lớn khác của thị trường sữa là Vinamilk và Nutifood, mỗi bên chỉ giành được cho mình vỏn vẹn 5%.

Xét về giá thành, thương hiệu của Đường Quảng Ngãi với 2 nhãn Fami và Vinasoy rẻ hơn khoảng 10% so với đối thủ đứng thứ hai là Vinamilk. Fami cũng nhiều năm liên tiếp là sản phẩm sữa đậu nành duy nhất lọt vào Top 10 thương hiệu của ngành hàng Sữa và sản phẩm thay thế sữa được chọn mua nhiều nhất ở cả Thành thị và Nông thôn Việt Nam. Mặt khác, Vinamilk hiện tại vẫn đang tập trung vào dòng sữa bò truyền thống, do đó Đường Quảng Ngãi hoàn toàn có thể duy trì lợi thế cạnh tranh và thị phần.

 Điều gì đang xảy ra ở Vua sữa đậu nành Việt? - Ảnh 4.

2 thương hiệu làm nên tên tuổi "vua" sữa đậu nành Việt

Trong giai đoạn 2015-2018, doanh thu của sữa đậu nành vẫn đóng vai trò trụ cột cho Đường Quảng Ngãi, chiếm trung bình 50% doanh thu, và trong 2 năm gần đây là xấp xỉ 60%. Năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch, tổng doanh thu của công ty này là 6.490 tỷ đồng, giảm gần 12% so với năm 2019, tuy vậy doanh thu từ sữa đậu nành đạt mức 3.875 tỷ đồng, chỉ giảm khoảng 4%.

Cho dù không còn tăng mạnh trong những năm gần đây nhưng khi đặt lên bàn cân với các nhánh kinh doanh còn lại, rõ ràng mảng sữa đậu nành đã và đang đem lại hiệu quả sinh lời tốt nhất, cũng như biên lợi nhuận cao nhất (biên lãi gộp 40-45%). Đứng thứ 2 là mảng kinh doanh nước uống, bia & bánh kẹo, tuy nhiên, so với vị trí đầu bảng còn kém xa. Mảng đường lại cho thấy hoạt động kinh doanh không ổn định và kém hiệu quả khi liên tục giảm trong 2 năm gần đây.

Thành Công Securities đưa ra nhận định Đường Quảng Ngãi vẫn sẽ thống trị và có khả năng mở rộng thị phần nhờ việc người tiêu dùng chuyển đổi sử dụng sữa đậu nành tươi sang sữa đậu nành hộp giấy. Đồng thời cũng đưa ra dự đoán về năng lực sản xuất sữa đậu nành của Đường Quảng Ngãi sẽ không ngừng tăng trong các năm tới. Sản lượng năm 2020 là 250 triệu lít và có thể ở mức 310 triệu lít vào năm 2025.

Hiện tại Đường Quảng Ngãi đang sở hữu 3 nhà máy sản xuất sữa tại Quảng Ngãi, Bắc Ninh và Bình Dương, với tổng công suất có thể đạt tới 390 triệu lít/năm, đưa Vinasoy thuộc top 5 Nhà máy sữa đậu nành lớn nhất thế giới. Không những vậy, Fami hiện đang là sản phẩm có mặt tại rất nhiều sàn thương mại điện tử cũng như các siêu thị lớn tại Trung Quốc và Nhật Bản.

Ngoài ra, công ty này cũng có kế hoạch sản xuất rượu vang, chưng cất và pha chế rượu mạnh.

Nguyễn Ánh

Từ khóa:  sữa đậu nành
Cùng chuyên mục
XEM