Điều gì đang chờ đợi "những đứa trẻ nhảy dù" du học trên đất Mỹ?

05/04/2016 13:50 PM | Nghề nghiệp

Có một thế hệ trẻ Trung Quốc vừa nứt mắt ra đã bị “tống” đi du học ở Mỹ, cô đơn và không có ai quản lý để rồi tự đâm đầu vào nhiều rắc rối, thậm chí phải ngồi tù.

Thế nào là “những đứa trẻ nhảy dù”?

Theo hai nhà tâm lý học Yuying Tsong and Yuli Liu, hiện tượng "những đứa trẻ nhảy dù" bắt đầu xuất hiện từ những năm 1980.

Thuật ngữ này dùng để chỉ những "đứa trẻ ngoại quốc bị đưa sang nước ngoài sinh sống và học tập tại Mỹ một mình, không có bố mẹ chăm sóc từ nhỏ…Những đứa trẻ này có thể bị gửi đi du học từ khi mới 8 tuổi nhưng đa số là trong độ tuổi từ 13 đến 17".

Sinh ra và lớn lên ở Trung Quốc đại lục, Hailun “Helen” Zhou luôn mặc định mình sẽ tốt nghiệp trung học ở Mỹ với bất cứ giá nào.

“Ai mà chả vậy. Tất cả bạn bè của bố em đều cho con đi du học nước ngoài vì đó là xu hướng mà”, cô gái 17 tuổi đến từ tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc đã sang California du học được 2 năm và sẽ tốt nghiệp vào mùa xuân này cho biết.

Zhou chỉ là một trong số rất nhiều thanh thiếu niên Trung Quốc đổ xô sang Mỹ học trung học với hi vọng được hưởng sự ưu việt của nền giáo dục phương Tây.

Ngoài ra, việc học trung học ở Mỹ sẽ có lợi thế cạnh tranh hơn trong việc ứng tuyển vào các trường Đại học ở Mỹ nhằm giành được một vị trí tốt khi quay trở về quê hương.

Những đứa trẻ nhảy dù có thể bị gửi đi du học từ khi mới 8 tuổi nhưng đa số là trong độ tuổi từ 13 đến 17.
"Những đứa trẻ nhảy dù" có thể bị gửi đi du học từ khi mới 8 tuổi nhưng đa số là trong độ tuổi từ 13 đến 17.

“Tư vấn du học là một ngành công nghiệp khổng lồ. Theo số liệu cuối cùng mà tôi được biết thì nó đem lại doanh thu là 25 tỷ USD”, Joaquin Lim, giám đốc một công ty tư vấn du học ở Trung Quốc cho biết.

Theo Viện Đào tạo Quốc tế có trụ sở ở Washington, trong số gần 1 triệu du học sinh quốc tế nhập học các trường công và tư ở Mỹ trong năm 2014 đến 2015, có khoảng 304.000 du học sinh (tương đương 31.2%) đến từ Trung Quốc.

Trong đó, ước tính khoảng 30.000 du học sinh sang Mỹ học từ bậc trung học cơ sở. Con số này trước đó một thập kỷ còn chưa đầy 1.000.

Đa số “những đứa trẻ nhảy dù” tuổi từ 14 đến 19 “hạ cánh” xuống miền nam California và phần lớn đều nhập học tại các trường Công giáo bởi chính phủ Mỹ rất khắt khe trong việc nhận du học sinh vào các trường công.

Tại các thành phố nhỏ như Murrieta, cách Los Angeles 130 km về phía Đông Nam, số du học sinh Trung Quốc đã tăng lên một cách chóng mặt trong vài năm trở lại đây, đem lại nguồn thu nhập cho nhiều trường và những gia đình cung cấp dịch vụ "homestay".

“Phụ huynh phải chi khoảng 50.000 USD/năm cho con đu du học. Mặc dù hầu hết phụ huynh chỉ thuộc tầng lớp trung lưu nhưng họ coi việc cho con đi du học nước ngoài như một khoản đầu tư”, Lim cho biết.

Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo “giấc mơ Mỹ” của các bậc phụ huynh có thể nhanh chóng biến thành ác mộng bởi “những đứa trẻ nhảy dù” sống ở một mình không có sự quản lý của cha mẹ có thể tự đưa mình vào rất nhiều rắc rối, thậm chí là phải ngồi tù.

Sự cô đơn của “những đứa trẻ nhảy dù”

Rất nhiều “đứa trẻ nhảy dù” học hành thành công nhưng đồng thời chúng cũng đã phải trải qua giai đoạn trầm cảm hoặc tiếp xúc với rượu và ma túy.

Trong khi đó, các ông bố bà mẹ với tâm lý bù đắp cho con khi phải xa nhà từ nhỏ lại càng cố gắng cung cấp bất cứ thứ gì con muốn, từ đó làm hư con.

Dù là sang ở cùng với người thân, họ hàng, ở trong kí túc xá hay ở "homestay" thì những đứa trẻ này vẫn luôn cảm thấy cô đơn.

Có lẽ điều khiến “những đứa trẻ nhảy dù” chán nản nhất là chúng phải chịu trách nhiệm quản lý thời gian rảnh của mình. “Nhàn cư vi bất thiện” nên đây là một nhiệm vụ “nguy hiểm” đối với trẻ vị thành niên.

"Khoảng thời gian từ 3 giờ chiều tới 10 giờ tối phải ở một mình thật là dài vô tận. Cháu thật sự không thích phải ở một mình như vậy chút nào. Khi chán cháu cũng chỉ biết xem TV, chơi game, ăn vặt...

Thật may là cháu không tụ tập với đám bạn xấu", một đứa trẻ nhảy dù chia sẻ với nhà tâm lý học Min Zhou năm 1998.

Vụ việc ba học sinh Trung Quốc tham gia vào cuộc hành hung tập thể bạn cùng lớp xảy ra tại Rowland Heights, Los Angeles, Mỹ như một hồi chuông cảnh tỉnh đối với các bậc phụ huynh và hội chứng “những đứa trẻ nhảy dù” ở Trung Quốc.

Ba học sinh Trung Quốc gây ra vụ hành hung ở Rowland Heights, Los Angeles, Mỹ.
Ba học sinh Trung Quốc gây ra vụ hành hung ở Rowland Heights, Los Angeles, Mỹ.

Theo đó, Yunyao Zhai, Yuhan Yang, Xinlei Zhang đã bắt cóc một bạn học tới một công viên rồi lột quần áo, đánh đập, nhổ nước bọt, dí thuốc lá lên người nạn nhân, thậm chí còn cắt tóc và bắt nạn nhân tự ăn tóc mình.

Ngày 17/2/2016, ba du học sinh này đã phải trả giá đắt cho hành vi bắt cóc và hành hung bạn cùng lớp dã man của mình với tổng mức án lên tới 29 năm, trong đó Yunyao Zhai lĩnh án 13 năm tù, Yuhan Yang 10 năm và Xinlei Zhang 6 năm.

Yunyao Zhai lĩnh án 13 năm tù.
Yunyao Zhai lĩnh án 13 năm tù.

Xinlei Zhang lĩnh án 6 năm tù.
Xinlei Zhang lĩnh án 6 năm tù.

Yuhan Yang lĩnh án 10 năm tù.
Yuhan Yang lĩnh án 10 năm tù.

Tại phiên tòa, Zhai cho rằng việc sống xa gia đình là một trong những nguyên nhân khiến cô gái đi vào con đường tội lỗi.

"Bố mẹ cho tôi sang Mỹ du học vì một tương lai tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, ở đất nước xa xôi này tôi được tự do hơn, thậm chí là quá tự do. Tôi cảm thấy cô đơn và lạc lõng nhưng không thể nói với bố mẹ vì không muốn họ lo lắng", Zhai cho biết.

“Giấc mơ Mỹ” và tác dụng ngược

Vụ việc xảy ra ở Rowland Heights thu hút sự chú ý của đông đảo người dân Trung Quốc và dẫn tới những tranh luận về việc có nên cho con ra nước ngoài du học mà không có sự quản lý của cha mẹ hay không.

“Những đứa trẻ bị vứt vào một môi trường hoàn toàn xa lạ cách xa gia đình hàng ngàn cây số và thường không hề chuẩn bị tâm lý cho việc từ nay chúng sẽ phải tự lo mọi việc của bản thân”, giám đốc trung tâm tư vấn du học Lim cho hay.

Trong bài xã luận “Những đứa trẻ nhảy dù và những gia đình du hành gia” xuất bản năm 2009, hai nhà tâm lý học Tsong và Liu cũng đã chỉ ra rằng nhiều phụ huynh châu Á gửi con ra nước ngoài du học với hi vọng con cái được hưởng nền giáo dục tiên tiến hơn.

Tuy nhiên, ý định tốt đẹp ban đầu của họ đã phản tác dụng.

"Tôi chắc chắn những đứa trẻ này rất cô đơn. Chính vì vậy, chúng mới kết bè phái với những đứa trẻ nhảy dù khác cũng cùng hoàn cảnh một thân một mình ở đất khách quê người như mình.

Không ai quản lý, không ai khuyên răn nên mọi việc mới đi quá xa như vậy", ông Rayford Fountain, luật sư bào chữa của Yang trả lời phỏng vấn của LA Times cho hay.

Trung sĩ Steven Perez, nói về sự việc xảy ra ở Rowland Heights, cho biết cảnh sát gặp ngày càng nhiều trẻ em vị thành niên lang thang vào ban đêm hoặc sống một mình trong nhà bố mẹ mua cho mà không có bất cứ sự quản lý hay hướng dẫn nào từ các bậc phụ huynh.

Evan Freed, luật sư bào chữa cho Zhai trong vụ hành hung ở Rowland Heights cho biết vụ việc là hồi chuông cảnh tỉnh đối với các bậc phụ huynh.

Thay vì cho con một tương lại tươi sáng hơn thì việc để con một mình nơi đất khách quê người từ quá sớm có thể là một thảm họa.

“Như thân chủ của tôi đã bộc bạch trước tòa, cô bé thấy trống rỗng, thấy cô đơn vì gia đình không ở bên và sự việc xảy ra đơn giản do cô bé quá tự do, không ai quản lý”, luật sư Freed cho hay.

Theo Thu Trang

Cùng chuyên mục
XEM