Diễn biến mới trên thị trường dầu: Mỹ để ngỏ khả năng trừng phạt năng lượng Nga, OPEC+ giữ nguyên kế hoạch sản lượng

03/03/2022 09:38 AM | Kinh doanh

Thị trường dầu mỏ nóng lên từng giờ khi xung đột Nga – Ukraine gia tăng giữa lúc nguồn cung vốn đã thiếu hụt, trong khi tồn trữ dầu thô của Mỹ bất ngờ sụt giảm, khiến các nhà nhập khẩu phải chen lấn tìm kiếm nguồn dầu thay thế dầu Nga.

Nhà phân tích Louise Dickson của Rystad Energy cho biết: "Các nhà đầu tư, thương nhân và chính trị gia đều đang xoay xở mọi cách để giải quyết tình trạng căng thẳng đang ngày càng tồi tệ giữa Nga – Ukraine".

Theo ông: "Kịch bản thực tế hiện nay là một phần lớn dầu thô của Nga, cũng như các sản phẩm dầu tinh chế, sẽ không còn được thị trường quan tâm và tạo ra thâm hụt nguồn cung trong suốt thời gian diễn ra xung đột."

Tình trạng thắt chặt đó thể hiện rõ rệt ở dữ liệu về tồn trữ dầu thô hàng tuần của Mỹ, theo đó đã giảm 2,6 triệu thùng trong tuần qua, xuống mức thấp nhất kể từ năm 2018, trái ngược với dự đoán là sẽ tăng, trong khi dầu dự trữ chiến lược của Mỹ cũng giảm xuống mức thấp nhất trong vòng gần 20 năm, khiến thị trường càng thêm lo sợ.

Hoạt động giao dịch dầu của Nga trở nên khó khăn khi các nhà sản xuất hoãn việc bán ra, và các nhà nhập khẩu từ chối các tàu dầu của Nga, giữa bối cảnh khách hàng trên toàn thế giới chuyển hướng tìm kiếm dầu thô của những nơi khác, sau khi các lệnh trừng phạt của phương Tây và sự rút lui khỏi Nga của các công ty tư nhân khiến cho việc giao dịch với Nga trở nên bất khả thi.

Xuất khẩu dầu của Nga chiếm khoảng 8% nguồn cung dầu toàn cầu.

Hãng Exxon Mobil hôm thứ Ba cho biết họ sẽ rút khỏi các hoạt động khai thác dầu khí ở Nga, đồng nghĩa với việc hãng sẽ rút khỏi việc quản lý các cơ sở sản xuất lớn trên đảo Sakhalin ở Viễn Đông của Nga.

Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã ngăn cản nhiều người mua dầu thô của Nga và thậm chí còn gây ra vấn đề đối với xuất khẩu từ nước láng giềng của Nga là Kazakhstan, một thành viên khác của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ cùng một số nước đồng minh trong sản xuất (gọi là OPEC+).

Theo đó, một động thái mới có khả năng làm trầm trọng thêm tình trạng nguồn cung dầu toàn cầu đang khan hiếm, đó là một số người mua dầu bắt đầu tránh sử dụng dầu từ đường ống CPC bắt nguồn từ Kazakhstan – nơi cung cấp khoảng 1,2 triệu thùng dầu mỗi ngày, tương đương khoảng 1,2% nguồn cung của thế giới, do lo ngại về các lệnh trừng phạt. CPC xuất khẩu dầu từ cảng Novorossiisk của Nga và trộn với các loại dầu của Nga.

Niềm hy vọng của thị trường ở OPEC+ cuối cùng đã bị tiêu tan khi tổ chức này kết thúc cuộc họp ngày 2/3 mà không có thay đổi gì trong lộ trình tăng sản lượng. OPEC+ đã tăng sản lượng dầu thêm 400.000 thùng/ngày mỗi tháng kể từ tháng 8/2021.

Theo đó, trong cuộc họp này, các thành viên của OPEC+ đã không bàn đến cuộc khủng hoảng ở Ukraine, chỉ đề cập sơ qua đến "diễn biến địa chính trị" đang gây bất ổn thị trường, và đồng thời cũng phớt lờ lời kêu gọi từ các nước tiêu thụ dầu lớn trong việc tăng cường sản xuất dầu thô, kể cả khi giá đang tăng cao.

"Các nguyên tắc cơ bản của thị trường dầu mỏ hiện tại và sự đồng thuận về triển vọng của mặt hàng này cho thấy một thị trường cân bằng tốt và sự biến động hiện tại không phải do những thay đổi trong các nguyên tắc cơ bản của thị trường mà là do những diễn biến địa chính trị hiện tại", tuyên bố của OPEC + nêu rõ, thậm chí không có từ nào được phát âm về vấn đề Ukraine.

Cuộc họp tháng 3 của OPEC+ chỉ kéo dài chưa đầy 1/4 giờ, là cuộc họp ngắn nhất của nhóm từ trước tới nay.

Sóng gió trên thị trường dầu mỏ càng thêm lớn khi Nhà Trắng ngày 2/3 tuyên bố "rất cởi mở" trong việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với ngành dầu khí của Nga vì họ cũng có "sức mạnh" có khả năng ảnh hưởng đến thị trường.

Trong các cuộc phỏng vấn trên truyền hình, phát ngôn viên Nhà Trắng, Jen Psaki, cho biết trong quá trình Washington xem xét vấn đề trừng phạt lĩnh vực năng lượng rộng lớn của Moscow thì tác động lên thị trường dầu toàn cầu và giá năng lượng của Mỹ là yếu tố chính cần cân nhắc.

Khi được hỏi liệu Washington và các đồng minh phương Tây có áp dụng các biện pháp trừng phạt năng lượng đối với Nga hay không, ông Psaki nói: "We’re very open." "Chúng tôi đang xem xét vấn đề này. Còn rất nhiều thứ phải bàn…". Chính quyền của ông Biden đã từng cảnh báo rằng họ có thể chặn dầu của Nga.

Mặc dù Mỹ chưa đưa xuất khẩu dầu của Nga vào các lệnh trừng phạt, song các thương nhân Mỹ đã chủ động tạm dừng nhập khẩu, làm gián đoạn thị trường năng lượng.

Hôm thứ Ba (2/3), Mỹ và các đồng minh đã đồng ý giải phóng 60 triệu thùng dầu dự trữ để bù đắp cho sự gián đoạn nguồn cung.

Giá dầu ngày 2/3 đã vượt ngưỡng 110 USD/thùng và vẫn tiếp tục biến động theo xu hướng đi lên. Các phân tích kỹ thuật cho thấy đích tiếp theo của giá dầu sẽ là khoảng 120- 130 USD/thùng, thậm chí một số người dự đoán giá sẽ lên mức 150 USD/thùng, tác động nghiêm trọng đến lạm phát – vốn đã căng thẳng trên toàn cầu, và có thể cản trở xu hướng hồi phục kinh tế thế giới.

 Diễn biến mới trên thị trường dầu: Mỹ để ngỏ khả năng trừng phạt năng lượng Nga, OPEC+ giữ nguyên kế hoạch sản lượng  - Ảnh 1.

Giá dầu Brent đã cao nhất kể từ 2014.

Tham khảo: Reuters

Theo Vũ Ngọc Diệp

Cùng chuyên mục
XEM