Điểm tên những dự án quy mô hàng tỷ USD của ngành bán dẫn được rót về Việt Nam
Nổi lên là một trong những quốc gia tăng trưởng nhanh nhất trong ngành công nghiệp bán dẫn, Việt Nam đang thu hút những dự án đầu tư hàng triệu, hàng tỉ đô la từ những doanh nghiệp hàng đầu thế giới.
Việt Nam có thể chiếm từ 8% đến 9% thị phần toàn cầu trong lĩnh vực lắp ráp, kiểm thử và đóng gói chip (ATP) vào năm 2032, tăng đáng kể từ mức 1% hiện tại. Cùng điểm tên những “ông lớn” cùng các dự án rót hàng triệu, hàng tỷ đô la vào phân khúc này tại Việt Nam.
Amkor Technology đầu tư 1,6 tỷ USD
Amkor Technology, một tập đoàn công nghệ có trụ sở tại Hoa Kỳ, đã công bố kế hoạch xây dựng nhà máy rộng 200.000m2 tại Việt Nam, Dự án này có tổng vốn đầu tư tới 1,6 tỷ USD. Dự án Nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu, thiết bị bán dẫn của Amkor tọa lạc tại KCN Yên Phong II-C, Bắc Ninh. Đây sẽ trở thành cơ sở tiên tiến nhất của công ty có khả năng đóng gói các dòng chip thế hệ mới.
Ban đầu, dự án được chia làm 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn I là 520 triệu USD và dự kiến tới năm 2035 sẽ tạo việc làm cho khoảng 10.000 lao động. Tuy nhiên, sau khi khánh thành nhà máy vào tháng 10/2023, công ty này đã quyết định đầu tư sớm hơn 11 năm so với dự kiến.
Hana Micron dự kiến đầu tư 0,9 tỷ đô
Hana Micron là tập đoàn chuyên về sản xuất chất bán dẫn và đóng gói chip Hàn Quốc. Trụ sở công ty tọa lạc tại Khu công nghiệp Vân Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Hana Micron nỗ lực gia tăng đầu tư vào Việt Nam nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Công ty dự kiến đầu tư khoảng 1,3 nghìn tỷ won (hơn 0,9 tỷ USD) vào năm 2026 để mở rộng sản xuất cho các dòng chip bộ nhớ.
Hana Micron được thành lập vào năm 2001 là một trong những nhà cung cấp của Samsung. Doanh nghiệp đặt mục tiêu vươn tới thị trường toàn cầu.
Intel đầu tư 1,5 tỷ USD thu hút nhiều nhà đầu tư ngành bán dẫn vào Việt Nam
Intel bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ năm 2006 với nhà máy sản xuất và kiểm định chip tại Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh. Đầu năm 2021, tập đoàn đầu từ thêm 475 triệu USD, nâng tổng số vốn đầu tư ở Việt Nam lên 1,5 tỷ USD.
Sự có mặt của Intel tại Việt Nam góp phần thu hút nhiều nhà đầu tư trong ngành công nghiệp bán dẫn, thúc đẩy Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng ngành bán dẫn toàn cầu.
Nhà máy sản xuất chip của Intel ở Việt Nam là một trong 10 địa điểm sản xuất của Intel trên toàn cầu. Nhà máy có hơn 2.800 nhân viên và là nhà máy lắp ráp, kiểm định (ATM) có quy mô phòng sạch lớn nhất trong hệ thống Intel toàn cầu.
Những dự án triệu đô ngành công nghiệp Bán dẫn khác
Tháng 7/2024, Đồng Nai đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 3 dự án thuộc ngành công nghiệp bán dẫn của Công ty TNHH Coherent Việt Nam, thuộc Tập đoàn Coherent (Hoa Kỳ) đầu tư vào KCN Nhơn Trạch 1 (huyện Nhơn Trạch), tổng vốn 127 triệu USD.
3 dự án này gồm: Dự án Công ty TNHH Silicon Carbide Việt Nam và Dự án Advanced Optics có vốn đầu tư 83 triệu USD; Dự án Advanced Optics có vốn đầu tư 29 triệu USD; Dự án Engineered Ceramics có vốn đầu tư 15 triệu USD.
Tại TP HCM và Đà Nẵng, tập đoàn Marvell Technology (Hoa Kỳ) tăng tốc tốc mở rộng các trung tâm thiết kế chip tại Việt Nam.. Sau khi đầu tư 2 trung tâm tại TP.HCM, Marvell mở thêm một trung tâm tại Đà Nẵng. Marvell thành lập năm 1995, cùng với Nvidia là những nhà thiết kế chip nổi bật của Mỹ. Sản phẩm của 2 hãng mang tính bổ trợ nhau. Chip của Nvidia là chip thuần túy với kiến trúc xử lý GPU và chip của Marvell giúp kết nối các GPU với nhau. Năm ngoái, hãng thiết kế chip này đạt doanh thu 5,5 tỷ USD. Marvell đến Việt Nam đã được 10 năm với ban đầu chỉ chục kỹ sư, hiện đã đạt quy mô 400 nhân sự chỉ sau 8 tháng, với 97% là kỹ sư.
Tại Bình Dương, tập đoàn Tokyu (nhà đầu tư Nhật Bản đã rót 1,2 tỷ USD vào các dự án bất động sản tại Bình Dương) hồi tháng 4/2024 cũng công bố thành lập các tổ nghiên cứu, khảo sát để mở rộng đầu tư một số lĩnh vực mới như công nghệ cao, công nghệ bán dẫn… tại đây.