Dịch vụ thuê bố ở Nhật Bản

25/09/2017 08:49 AM | Sống

Dự án Trái Tim của Ryuichi Ichinokawa phục vụ cho những người không có người yêu để về những buổi đoàn tụ gia đình hoặc người thân để đi dự đám cưới.

"Chúng tôi không muốn khách hàng sử dụng dịch vụ như một cái nạng cảm xúc. Chúng tôi sẽ không nhận bất kỳ yêu cầu bất hợp pháp nào", Ichinokawa nói. Giá thuê người thay phụ huynh là đắt nhất: 30.000 Yên (hơn 6 triệu VND). Còn nếu cần người đi dự đám cưới cùng, khách hàng sẽ phải trả 15.000 Yên, nếu phải phát biểu thì thêm 5.000 Yên.

Ichinokawa cho biết khoảng 20 đến 30% dịch vụ là thuê người đi đám cưới cùng. Tiếp theo là tìm người "đóng thế" cha mẹ, chiếm khoảng 30 đến 40%. Khách hàng thường từ 20 đến 40 tuổi. Văn hoá Nhật Bản quan tâm quá mức về thể diện và cách người ngoài đánh giá mình. Công ty từng có một khách hàng nói dối là có bạn gái và phát hoảng khi cha mẹ đòi xem mặt.

Dịch vụ thuê bố ở Nhật Bản - Ảnh 1.

Ichinokawa, 52 tuổi, thường được thuê để làm bố và luôn giấu danh tính vì tính chất công việc

Khi mới bắt đầu, Ichinokawa chỉ định cung cấp dịch vụ cho thuê bố nhằm phục vụ những khách hàng cần, ví dụ như con của mẹ đơn thân. Sau đó khách hàng bắt đầu yêu cầu phụ nữ, thanh niên hay thậm chí là một người đàn ông ở độ tuổi 60. Tất cả những người làm việc ở đây đều là nghiệp dư và số nhân viên hiện đã vượt quá 100.

Ichinokawa đăng tin thuê người trên trang web và không bao giờ phỏng vấn trực tiếp mà chỉ qua email và điện thoại. Ông thu thập thông tin cơ bản về khả năng, kỹ năng và ngoại hình của những người này. "Bạn có thể nhận được yêu cầu thuê 5 phù dâu. Nếu họ đều xinh đẹp thì sẽ rất đáng ngờ, vì vậy bạn phải đảo lên", ông chia sẻ. Đôi khi khách hàng cần từ 30 đến 40 người cho một đám cưới.

Trước khi bắt đầu dịch vụ này, Ichinokawa mở một trang web tư vấn qua email với giá 3.000 Yên/email và có hàng trăm khách hàng. Sau đó một người quen nhờ ông xuất hiện trong đám cưới vì chú rể cần một người phát biểu thay cho phù rể. Mọi việc diễn ra suôn sẻ và Ichinokawa thêm dịch vụ này vào trang web của mình.

"Những người đến với chúng tôi thường không còn ai khác để nhờ vả. Chúng tôi là phương án cuối cùng của họ", Ichinokawa chia sẻ. Đôi khi ông tự hỏi bản thân, "Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi không giúp người này? Có thể họ sẽ xấu hổ trong hoàn cảnh đó nhưng cũng có thể thiệt hại sẽ sâu sắc hơn, trở thành một ký ức tồi tệ trong cuộc sống của họ".

Theo Dương Tống

Cùng chuyên mục
XEM