Dịch vụ cho thuê người yêu, giả làm vợ chồng bùng nổ mạnh dịp Tết Nguyên đán

28/01/2020 16:00 PM | Xã hội

Vào dịp Tết, giá thuê có thể tăng lên đến 6.000 Nhân dân tệ/ngày cho dịch vụ về quê ăn đóng giả người yêu, ăn bữa cơm gia đình và ngủ lại qua đêm với họ hàng.

Anh Chen Gang, một người đàn ông 31 tuổi tại Trung Quốc là một hình mẫu con rể lý tưởng cho nhiều gia đình. Với tính cách hài hước, thông minh, lịch thiệp và quyến rũ, anh Chen dễ dàng lấy lòng được rất nhiều bậc phụ huynh.

Đúng như vậy, cách cư xử tuyệt vời của anh trong lễ cưới của bản thân đã làm rạng danh cho cả họ nhà gái. Chỉ có điều, đám cưới mà anh Chen làm chú rể là đám cưới giả thứ 3 của anh kể từ khi làm dịch vụ này.

Câu chuyện của anh Chen chỉ là một trong số vô vàn những dịch vụ cho thuê người yêu hay làm đám cưới giả nở rộ ở Trung Quốc. Chuyện lập gia đình vẫn là gánh nặng ghê gớm cho những người độc thân mỗi khi về quê dịp tết. Chính sách 1 con nhiều năm của nước này khiến các bạn trẻ ngày nay không có anh chị em để chia sẻ áp lực hôn nhân và những dịch vụ yêu giả, cưới giả mọc lên như nấm trước nhu cầu ngày một cao.

Hầu hết các bậc phụ huynh ngày nay đều mong con mình lập gia đình trước tuổi 30, nhưng lối sống hiện đại cùng những áp lực mưu sinh khiến giới trẻ Trung Quốc khá kén chọn trong hôn nhân.

Dịch vụ cho thuê người yêu, giả làm vợ chồng bùng nổ mạnh dịp Tết Nguyên đán - Ảnh 1.


Thuê người yêu về quê ăn Tết

Trong khi làm những đám cưới giả là trường hợp bất đắc dĩ của những người chịu quá nhiều áp lực thì giới trẻ Trung Quốc ngày nay chuộng dịch vụ thuê người yêu hơn bởi nó đơn giản, rẻ và có thể chia tay dễ dàng.

Trên thực tế dịch vụ cho thuê người yêu đã tồn tại từ lâu ở Trung Quốc không riêng gì những dịp lễ tết. Áp lực mưu sinh và những nỗi lo cuộc sống khiến nhiều người chấp nhận bỏ tiền thuê bạn trai, bạn gái để giữ thể diện. Mức giá có thể dao động từ 500 đến 2.000 Nhân dân tệ/ngày tùy theo đối tượng và dịch vụ, chưa kể những chi phí phát sinh khác.

Vào dịp Tết, giá thuê có thể tăng lên đến 6.000 Nhân dân tệ/ngày cho dịch vụ về quê ăn đóng giả người yêu, ăn bữa cơm gia đình và ngủ lại qua đêm với họ hàng.

Tại Trung Quốc, có rất nhiều website dùng để kết nối những người độc thân cho các dịch vụ thuê người yêu như trên. Phần lớn những phòng chat này chỉ cung cấp không gian cho 2 bên cung cầu liên hệ, nhưng cũng có nhiều website buộc người tham gia phải cung cấp thông tin đầy đủ nhằm cung cấp những dịch vụ giả người yêu chuyên nghiệp.

Nhu cầu và loại hình trên các website này cũng khá đa dạng, từ việc chỉ dùng bữa với gia đình, ngủ lại qua đêm ở quê cho đến tư vấn tình cảm. Nhiều người còn chấp nhận thỉnh thoảng gọi điện hỏi thăm bố mẹ người yêu giả sau Tết, tất nhiên là với chi phí đi kèm.

Thậm chí, những nhà khởi nghiệp cũng tham gia vào thị trường đầy tiềm năng này. Một startup mang tên Zuren77 đã thực hiện dự án "thuê người yêu chỉ với 1 USD" làm xôn xao mạng xã hội. Cụ thể, những người tham gia phải điền đầy đủ thông tin bản thân cũng như nhu cầu người yêu mà mình muốn. Hệ thống sẽ lọc thông tin và cung cấp những ứng cử viên tiềm năng nhất.

Sau đó, họ sẽ bắt đầu đấu giá những ứng cử viên được nhiều người lựa chọn với giá khởi điểm 1 USD cho mỗi giờ thuê. Mức trần của cuộc đấu giá là 188 USD/giờ và nếu không có người thắng cuộc, hệ thống sẽ chọn tự động bất kỳ trong số những người ra giá cao nhất.

Dịch vụ cho thuê người yêu, giả làm vợ chồng bùng nổ mạnh dịp Tết Nguyên đán - Ảnh 2.

Mặc dù dự án này vấp phải rất nhiều tranh cãi về tính đạo đức nhưng chúng cho thấy áp lực kết hôn mà người lớn áp đặt lên giới trẻ Trung Quốc đang tạo nên những hệ lụy dở khóc dở cười.

"Những người lớn tuổi thường đặt việc hôn nhân lên trước mọi thứ, thậm chí một cuộc kết hôn không hạnh phúc vẫn được coi là tốt hơn ở độc thân. Thế những giới trẻ ngày nay đang hướng đến các giá trị của Phương Tây như học vấn, sự nghiệp… Họ cho rằng tình trạng hôn nhân không phải là thước đo duy nhất về hạnh phúc và thành công", chuyên gia yue Qin của trường đại học British Columbia nhận định.


Hôn nhân giả

Quay trở lại câu chuyện của anh Chen, người đàn ông này thực tế bắt đầu bằng dịch vụ cho thuê bạn trai từ năm 2010. Với độ tuổi dần lớn, anh Chan bắt đầu làm cả những dịch vụ cưới giả. Thương vụ đầu tiên bắt đầu vào năm 2014 khi một người phụ nữ Sơn Đông đề nghị làm đám cưới giả với anh.

"Tôi thu phí 1.500 Nhân dân tệ (219 USD)/ngày khi diễn ra tiệc cưới giả và kiếm được đến 15.000 Nhân dân tệ (2.190 USD) cho thương vụ ở Sơn Đông", anh Chen cho biết.

Kể từ đó đến nay, anh Chen đã làm đám cưới giả và ly hôn giả sau đó rất nhiều lần. Thậm chí người đàn ông này còn giữ những chứng nhận ly hôn giả làm kỷ niệm trong ngành tại nhà.

Mặc dù chỉ là đám cưới giả nhưng Chen và đội ngũ của anh cùng khách hàng chuẩn bị kỹ đến nỗi không ai trong gia đình cô dâu nhận ra. Anh Chen cho biết phần lớn những người phụ nữ thuê anh làm chú rể là những người độc thân chịu áp lực kết hôn quá lớn từ gia đình hoặc là những người thuộc giới tính thứ 3.

"Phần lớn giới trẻ hiện nay là con một. Cha mẹ họ thường có suy nghĩ rất truyền thống và muốn con cháu mình tiếp tục sinh sôi để thờ cúng dòng họ", anh Chen cười nói.

Dịch vụ cho thuê người yêu, giả làm vợ chồng bùng nổ mạnh dịp Tết Nguyên đán - Ảnh 3.

Áp lực này trở nên vô cùng lớn với hàng triệu người lao động Trung Quốc trở về quê ăn tết sau cả 1 năm làm việc trên thành phố. Hệ quả là dịch vụ cho thuê người yêu hay cưới xin trở nên vô cùng phổ biến. Khách hàng có thể chỉ cần gọi một cuộc điện thoại, hoặc đơn giản là liên lạc qua Wechat hay những website dịch vụ.

"Giới trẻ ngày nay khá bận rộng và chẳng có thời gian để đi tìm hiểu, nhưng họ lại có tư tưởng thoáng hơn và có khả năng chi trả cho những phí dịch vụ như thuê người yêu", anh Qiu Haibo, nhà sáng lập của ứng dụng thuê người yêu Zuyouwang nói.

Theo anh Qiu, mức giá thuê người yêu dao động tùy tình hình nhưng vào những dịp cao điểm lễ tết, khách hàng sẽ phải trả không dưới 1.000 Nhân dân tệ/ngày.

Ngày nay, những người phụ nữ gần 30 ở Trung Quốc thường bị coi là ế do tư tưởng cổ hủ. Rất nhiều phụ nữ có bằng cấp, trình độ không kiếm được chồng bởi nhiều nam giới muốn cưới vợ có trình độ tương đương hoặc thấp hơn họ.

Trong khi đó, nhiều nam giới Trung Quốc ngày nay ế vợ vì quá nghèo và do chênh lệch giới tính. Tại rất nhiều vùng nông thôn, phụ nữ thường bỏ lên thành phố mưu sinh, để lại miền quê toàn người giả và trẻ em.

Theo chuyên gia Lu Zheng của Viện nghiên cứu hàn lâm xã hội Quảng Đông (GASS), dịch vụ người yêu giả và cưới xin giả đang tạo nên một mô hình méo mó trong xã hội cũng như chẳng giải quyết được triệt để nguồn gốc vấn đề.

Những yếu tố về tư tưởng xã hội, áp lực kinh tế vẫn sẽ khiến hàng triệu người Trung Quốc "ế" mỗi dịp năm mới mà chẳng được giải quyết tận gốc. Trong khi đó, các mối quan hệ giả sẽ chỉ là biện pháp tình thế. Thậm chí rất nhiều rủi ro liên quan đến mại dâm hay vụ án quấy rối tình dục diễn ra từ những mối quan hệ giả này.

Đối với anh Chen, người đã miệt mài làm bạn trai hay chồng hờ suốt nhiều năm qua cũng đang phải chịu áp lực kết hôn từ gia đình sau nhiều năm độc thân. Cuối cùng, chính bản thân anh cũng phải thuê một cô bạn gái "hờ" để làm dịu mối quan hệ gia đình.

"Bố tôi thậm chí chẳng thèm nói chuyện với tôi khi về ăn tết do nhiều năm tôi sống độc thân. Thế nhưng khi thấy tôi mang một cô gái về, ông ấy vui vẻ nở nụ cười và thậm chí chủ động bắt chuyện với tôi", anh Chen ngậm ngùi nói.

Dịch vụ cho thuê người yêu, giả làm vợ chồng bùng nổ mạnh dịp Tết Nguyên đán - Ảnh 4.

AB

Cùng chuyên mục
XEM