Dịch đậu mùa khỉ 'nóng' trên thế giới, Bộ Y tế yêu cầu giám sát, phát hiện ca nghi ngờ tại cửa khẩu, cơ sở y tế

25/05/2022 11:29 AM | Xã hội

Bộ Y tế cho biết, Tổ chức Y tế thế giới dự báo dịch bệnh đậu mùa khỉ sẽ tiếp tục gia tăng số trường hợp mắc trong thời gian tới. Bộ Y tế yêu cầu các địa phương giám sát, phát hiện ca nghi ngờ tại cửa khẩu, cơ sở y tế...

GS.TS Nguyễn Thanh Long- Bộ trưởng Bộ Y tế vừa có văn bản gửi Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố cả nước về việc tăng cường giám sát, phòng chống bệnh đậu mùa khỉ .

Văn bản của Bộ Y tế cho biết, bệnh đậu mùa khỉ được phát hiện lần đầu tiên trên khỉ vào năm 1958, ca bệnh đầu tiên được ghi nhận vào năm 1970 tại Congo.

Dịch đậu mùa khỉ nóng trên thế giới, Bộ Y tế yêu cầu giám sát, phát hiện ca nghi ngờ tại cửa khẩu, cơ sở y tế - Ảnh 1.

Bệnh đậu mùa khỉ có thể lây từ người sang người khi tiếp xúc gần gũi, lây qua vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và qua tiếp xúc với các vật dụng bị nhiễm mầm bệnh như chăn, ga gối đệm.

Bệnh thường diễn biến nặng ở trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người bị suy giảm miễn dịch. Thời gian ủ bệnh từ 5 đến 21 ngày (thường từ 6 đến 13 ngày). Bệnh đậu mùa khi có các biểu hiện triệu chứng tương tự như bệnh đậu mùa, tuy nhiên hay gặp tổn thương da toàn thân và có hạch to.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, từ ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên phát hiện tại Anh ngày 13/5/2022, tính đến 21/5/2022 trên thế giới đã ghi nhận 92 trường hợp mắc bệnh, 28 trường hợp nghi ngờ và chưa ghi nhận trường hợp tử vong.

Các ca bệnh được phát hiện đều không có tiền sử đi về từ vùng có dịch và các quốc gia ghi nhận ca bệnh chưa từng lưu hành dịch bệnh đậu mùa khi trước đây.

Các trường hợp mắc bệnh được xác định là bị nhiễm vi rút đậu mùa khỉ chủng Tây Phi và có đặc điểm giống chủng vi rút lây truyền từ Nigeria sang một số quốc gia năm 2018, 2019.

Văn bản của Bộ Y tế cho biết, Tổ chức Y tế thế giới dự báo dịch bệnh đậu mùa khỉ sẽ tiếp tục gia tăng số trường hợp mắc trong thời gian tới.

Để chủ động giám sát các ca bệnh đậu mùa khi và kịp thời triển khai các biện pháp phòng chống dịch, hạn chế tối đa số mắc và tử vong, Bộ Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Y tế và các đơn vị liên quan triển khai các nội dung, cụ thể:

    1.Chủ động giám sát phát hiện các trường hợp nghi ngờ tại cửa khẩu, nhất là các trường hợp đi về từ các quốc gia đang lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ;

    2.Tăng cường giám sát phát hiện trường hợp mắc bệnh tại các cơ sở y tế trên địa bàn; phối hợp với các Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur để chẩn đoán xác định ca bệnh.

    3. Chủ động truyền thông, nâng cao nhận thức cho người dân về bệnh đậu mùa khỉ và các biện pháp phòng, chống dịch theo khuyến cáo của cơ quan y tế.

    Liên quan đến dịch bệnh đậu mùa khỉ, vừa qua, Tổ chức Y tế thế giới đã phải tổ chức một cuộc họp khẩn cấp để thảo luận về sự bùng phát gần đây của bệnh đậu mùa khỉ. Trong đợt bùng phát mới, các ca mắc đã xuất hiện ở Mỹ, Australia và nhiều nước châu Âu như Đức, Anh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Pháp, Italy và Thụy Điển.... Các nhà chuyên môn e ngại còn các ca bệnh trong cộng đồng chưa được phát hiện.

    Riêng ở Anh, số ca mắc tăng từ 10 (ngày 7/5) lên 20 người vào thời điểm hiện tại. Giáo sư về y tế công cộng Jimmy Whitworth tại Trường Y học Nhiệt đới London (Anh) cho biết, đợt bùng phát dịch bệnh đậu mùa khỉ ở Anh là "chưa từng có".

    Chính quyền thủ đô Berlin của Đức ngày 22/5 thông báo ghi nhận thêm 2 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ tại thành phố này, trong khi Viện dịch tễ Robert Koch (RKI) nhận định số ca mắc bệnh này sẽ sớm gia tăng ở Đức.

    Tờ La Libre Belgique, ngày 22/5, đưa tin Chính phủ Bỉ đã quyết định áp dụng biện pháp cách ly 21 ngày đối với bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ. Quyết định này được đưa ra sau khi Bỉ ghi nhận 3 trường hợp nhiễm bệnh...


Theo Thái Bình

Cùng chuyên mục
XEM