Đi tìm vẻ đẹp tuyệt mỹ của phụ nữ: Chuẩn mực sắc đẹp tại nhiều nước trên thế giới liệu có khác nhau?

24/10/2017 10:52 AM | Sống

Chúng ta vẫn thường nghe câu “Đẹp hay không tùy mắt người nhìn” nhưng chính xác hơn, có thể nói vẻ đẹp còn tùy thuộc vào quan niệm khác nhau của mỗi khu vực địa lí.

Một thân hình đầy đặn

Ở Mauritania, một quốc gia châu Phi với khí hậu sa mạc, thực phẩm là thứ khan hiếm và xa xỉ. Theo truyền thống nơi đây, một người vợ lí tưởng là người phụ nữ khỏe mạnh, có khả năng chống chọi với những mùa đói kém. Từ hạn chế về môi trường này, sự đầy đặn, béo tốt của người phụ nữ được tôn vinh. Ngoại hình đó còn góp phần thể hiện sự giàu có và địa vị xã hội.

Đi tìm vẻ đẹp tuyệt mỹ của phụ nữ: Chuẩn mực sắc đẹp tại nhiều nước trên thế giới liệu có khác nhau? - Ảnh 1.

Phụ nữ đẫy đà được xem là đẹp ở những nơi khan hiếm lương thực

Tiêu chuẩn này kéo theo những xu hướng áp dụng tiêu cực, trong đó có việc đưa các cô gái trẻ vào những "trại vỗ béo". Bạn có thể tưởng tượng đó là những nơi giống như các trang trại nuôi ngỗng của Pháp, nơi những con vật bị ép ăn bằng ống những loại thực phẩm đặc biệt để tạo ra những miếng gan ngỗng khổng lồ. Ngày nay, thực phẩm đã không còn quá khan hiếm và rất nhiều phụ nữ ở Mauritania vẫn đang ở trong tình trạng béo phì.

Khi các phương tiện truyền thông đem làn gió phương Tây thâm nhập vào xã hội Mauritania, sự tôn sùng vẻ đẹp phốp pháp đang dần lụi tắt, thay vào đó là một hình mẫu mảnh dẻ, mong manh hơn.

Mặc dù Mauritania là một ví dụ cực đoan, rất nhiều nơi khác trên thế giới cũng yêu thích những phụ nữ mập mạp, khỏe mạnh, nhất là những vùng thường phải gánh chịu nạn đói như Nigeria và vùng rừng nhiệt đới.

Một làn da mịn màng, không tì vết

Ở các nước Á Đông, một làn da mịn màng không tì vết chính là yếu tố quan trọng hàng đầu. Các loại kem dưỡng da, dưỡng ẩm, thuốc chống tàn nhang, lão hóa có mặt ở khắp nơi. Quy trình chăm sóc da của phụ nữ châu Á so với phụ nữ Mỹ thì phức tạp hơn nhiều. Một quy trình chuẩn bao gồm làm sạch, cân bằng da bằng nước hoa hồng, dùng sữa dưỡng cấp nước, thoa serum tinh chất dưỡng sâu, mát-xa da, trị liệu, dưỡng da vùng mắt, dưỡng tổng hợp và làm ẩm. Nhiều phụ nữ còn đi cạo mặt, không phải để loại bỏ lông mà để tẩy tế bào chết.

Đi tìm vẻ đẹp tuyệt mỹ của phụ nữ: Chuẩn mực sắc đẹp tại nhiều nước trên thế giới liệu có khác nhau? - Ảnh 2.

Đối với các nước châu Á, không gì tuyệt vời hơn một làn da mịn màng

Ngành công nghiệp mỹ phẩm châu Á đang trong giai đoạn bùng nổ. Ở một xã hội mà làn da hoàn hảo còn thể hiện đẳng cấp, nam giới tại Hàn Quốc đầu tư vào các sản phẩm làm đẹp nhiều hơn đàn ông ở bất cứ quốc gia nào. Theo Associated Press, ngành công nghiệp làm đẹp cho nam ở Hàn Quốc năm nay dự kiến sẽ đạt doanh thu hơn 850 triệu USD.

Một nước da trắng sáng

Đối với những đất nước phải hứng chịu ánh nắng mặt trời gay gắt, việc sở hữu một làn da trắng sáng nghĩa là bạn đủ giàu có và an nhàn so với những người phải vất vả làm việc dưới cái nắng như "thiêu như đốt". Một ví dụ cực đoan về tư tưởng làm đẹp này chính là Ấn Độ.

Đi tìm vẻ đẹp tuyệt mỹ của phụ nữ: Chuẩn mực sắc đẹp tại nhiều nước trên thế giới liệu có khác nhau? - Ảnh 3.

Vào một số thời kì ở Ấn Độ, người ta nhìn vào nước da để phân biệt đẳng cấp giàu nghèo

Khu vực phía nam Ấn Độ nằm trong vùng chí tuyến Bắc, gần đường xích đạo, và vì vậy người dân ở đây cũng có nước da ngăm đen đặc trưng. Dựa vào nguồn gốc xuất thân và nghề nghiệp, Ấn Độ đã xếp hầu hết những người da tối màu vào nhóm thấp kém nhất, khiến họ bị khinh thường và xa lánh.

Mặc dù ngày nay, chế độ phân biệt đẳng cấp đã bị xóa bỏ, nhưng nỗi ám ảnh về nước da trắng sáng vẫn không thể mất đi. Ngành công nghiệp sản xuất các loại kem tẩy trắng, làm trắng vẫn đã và đang phát triển mạnh mẽ ở Ấn Độ.

Đôi mắt quyến rũ

Ở các quốc gia Hồi giáo, phụ nữ thường phải mặc những trang phục che kín người theo luật lệ truyền thống. Họ choàng một tấm khăn trùm đầu gọi là hijab, hoặc mang một chiếc áo trùm toàn thân gọi là burka.

Những lớp vải che kín chỉ còn chừa lại khuôn mặt, hay ở những khu vực khắt khe hơn, chỉ còn đôi mắt là lộ diện. Những tiêu chuẩn văn hoá và tôn giáo này đã khiến nhiều quốc gia Hồi giáo coi đôi mắt là chuẩn mực đánh giá vẻ đẹp.

Trong ngôn ngữ Ả Rập, nhiều thành ngữ được dùng để ca ngợi vẻ đẹp của đôi mắt, như lời đáp lại khi được ai đó yêu cầu điều gì: "Vì ánh sáng trong đôi mắt bạn, tôi sẽ làm đều đó."

Đi tìm vẻ đẹp tuyệt mỹ của phụ nữ: Chuẩn mực sắc đẹp tại nhiều nước trên thế giới liệu có khác nhau? - Ảnh 4.

Ở các quốc gia Hồi giáo, người ta không còn gì để đánh giá vẻ đẹp ngoài đôi mắt

Khi đạo Hồi lan rộng khắp Trung Đông và đến các nước Nam Á, châu Phi, nó cũng mang theo tiêu chuẩn vẻ đẹp đến các nền văn hóa này.

Ngoài ra, người ta còn biết đến khol - một loại mỹ phẩm dùng cho mắt từ xa xưa, không chỉ ở Trung Đông mà còn ở châu Phi và Nam Á. Họ nói nó được bôi quanh mắt để bảo vệ mắt khỏi tia nắng mặt trời ở các nước gần đường xích đạo. Thời gian sau đó, khol được xem là tiền thân của mực vẽ mí mắt và mascara, giúp đôi mắt thêm nổi bật.

Không có một chuẩn mực chung nào cho cái đẹp. Có thể ở nơi này, một cô gái được xem là đẹp, nhưng lại bị xem là kì dị ở một nơi khác. Văn hóa và địa lí vì vậy vẫn luôn chứa đựng rất nhiều bí mật độc đáo và thú vị.

Theo Phương Giấy Spiderum

Cùng chuyên mục
XEM