Đi làm nhưng lại chẳng thể hòa hợp với sếp: Chỉ có kẻ ngốc, EQ cực kém mới nộp đơn xin thôi việc; người khôn ngoan sẽ tỉnh táo để "lật ngược thế cờ"

26/03/2019 11:01 AM | Sống

Sếp với nhân viên không phải là mối quan hệ ngang hàng mà là cấp trên và cấp dưới. Vì thế, việc không thể cân bằng và duy trì sự hài hòa trong mối quan hệ này sẽ là một điều tai hại đối với con đường sự nghiệp của bạn.

Trong cuộc sống và công việc, việc xảy ra xích mích gây mất lòng với những người xung quanh là một điều bình thường và khó có thể tránh khỏi. Thế nhưng, nếu điều này xảy đến trong mối quan hệ của bạn với sếp thì lại là một vấn đề lớn khiến bạn phải đau đầu nghĩ cách giải quyết, và thậm chí sẽ phải chọn cách bỏ việc. Trước tiên, bạn phải thẳng thắn thừa nhận rằng, ở vai trò nhân viên, bạn đang để vấn đề đi quá xa và yếu kém trong việc xử lý mối quan hệ này.

"Đó không phải là một mối quan hệ ngang hàng. Sếp có lợi thế lớn hơn bạn và cũng đang ở vị trí quyền lực hơn bạn," Marie Mclntyre – một huấn luyện viên nghề nghiệp và là tác giả của cuốn sách "Secrets to Winning at Office Politics" cho hay.

Sếp chính là người có ảnh hưởng lớn tới tiền lương, sự thăng tiến trong công việc và cả việc phân công các dự án. Do vậy, nếu bạn không thể duy trì được mối quan hệ tốt đẹp với sếp, đặc biệt là sếp trực tiếp quản lý, sự nghiệp của bạn có thể sẽ gặp nhiều trắc trở ngay cả khi bạn hoàn thành công việc của mình cực xuất sắc.

Để không rơi vào tình huống này, bạn cần phải học được cách khoanh vùng và nhận định vấn đề, cũng như cách quản lý những mối quan hệ ở nơi làm việc. Đó là những điều cần thiết giúp bạn thành công hơn.

 Đi làm nhưng lại chẳng thể hòa hợp với sếp: Chỉ có kẻ ngốc, EQ cực kém mới nộp đơn xin thôi việc; người khôn ngoan sẽ tỉnh táo để lật ngược thế cờ  - Ảnh 1.

Jon Gordon, tác giả của cuốn "The Power of a Positive Team" cũng chia sẻ: "Một nhóm đoàn kết là một nhóm mạnh mẽ. Khi bạn có mâu thuẫn, bạn sẽ không còn duy trì được sự mạnh mẽ ấy nữa. Điều đó sẽ quyết định tới năng suất, hiệu quả công việc và thành công sau cùng của bạn".

Dưới đây chính là những việc bạn cần phải làm ngay khi phát hiện ra có những rạn nứt hay bất hòa trong mối quan hệ của mình với cấp trên.

1. Xác định vấn đề

Bạn không thể giải quyết được một vấn đề mà bạn không nắm rõ cốt lõi và bản chất, nên hãy cố gắng tìm ra nguồn gốc của sự bất hòa giữa bạn và sếp. Sau đó, hãy đưa ra chiến lược tốt nhất để làm dịu tình hình.

Với mỗi phong cách làm việc hay quản lý khác nhau thì sẽ có những cách giải quyết khác nhau. Tuy nhiên, nếu nhiều đồng nghiệp khác của bạn cũng gặp phải vấn đề tương tự với sếp thì có lẽ bạn đang phải làm việc cho một ông sếp tồi.

"Bạn phải tìm cách để làm việc với họ. Ngay cả khi nếu sếp của bạn là một kẻ ngốc thì bạn phải tìm ra cách để làm việc cho một người ngốc, đừng quên, họ là sếp", Mclntyre khuyên. Và trong tình huống này, bạn nên trao đổi với các đồng nghiệp để tìm được cách tương tác phù hợp nhất với sếp.

2. Xác định xem liệu vấn đề có nằm ở bạn hay không

Không phải tất cả các nhà quản lý đều tuyệt vời, tâm lý. Đương nhiên vẫn sẽ có những ông sếp tồi tệ. Thế nhưng đôi khi vấn đề của mâu thuẫn lại nằm ở bản thân nhân viên. Vậy nên, hãy dành thời gian để ngẫm lại mối quan hệ của bạn với những người sếp trước đó, xem rằng liệu bạn có thường xung đột với họ hay không.

Nếu việc này xảy ra với đa số các nhà quản lý trước của bạn, điều đó chứng minh bạn đang có vấn đề. Các dấu hiệu khác bao gồm cảm thấy bực bội khi sếp đưa ra chỉ dẫn, tranh cãi hoặc muốn tranh luận thường xuyên với sếp và cố ý phớt lờ các chỉ thị của họ.

3. Học cách làm việc và quản trị mối quan hệ với cấp trên thật khéo léo và lịch sự

Nếu sự mâu thuẫn giữa bạn với sếp đến từ những phong cách quản lý khác nhau, hãy chủ động và làm rõ các nhu cầu của bạn. Hãy nói cho sếp biết bạn cần điều gì từ họ để có thể hoàn thành tốt nhất công việc của mình.

Ví dụ, bạn là người thích tự chủ nhưng sếp bạn lại là người theo phong cách quản lý vi mô (người luôn quan sát chặt chẽ và kiểm soát công việc của cấp dưới). Vậy thì hãy thiết lập một lịch trình và phương pháp giao tiếp hiệu quả cho cả bạn và sếp.

 Đi làm nhưng lại chẳng thể hòa hợp với sếp: Chỉ có kẻ ngốc, EQ cực kém mới nộp đơn xin thôi việc; người khôn ngoan sẽ tỉnh táo để lật ngược thế cờ  - Ảnh 2.

Nếu bạn là người thích tự chủ nhưng sếp bạn lại là người theo phong cách quản lý vi mô (người luôn quan sát chặt chẽ và kiểm soát công việc của cấp dưới). Vậy thì hãy thiết lập một lịch trình và phương pháp giao tiếp hiệu quả cho cả bạn và sếp.

Bạn nên tạo ra một tài liệu điện tử chi tiết về tiến trình công việc của bạn trong một dự án. Qua đó, sếp bạn có thể truy cập và thiết lập thời gian rõ ràng để cập nhật thông tin hoặc gửi email cập nhật hàng ngày, hàng tuần nhằm giảm bớt sự lo lắng, do dự không đáng có. Nếu bạn cần thêm phản hồi và thông tin chi tiết của công ty thì hãy lên lịch gặp gỡ và trao đổi thường xuyên.

Vicki Salemi, một chuyên gia nghề nghiệp ở Monster.com chia sẻ: "Phác thảo mục tiêu của bạn và yêu cầu gặp mặt hàng quý hoặc hàng tháng để đảm bảo bạn đang đi đúng hướng.

Đây chính là thách thức đối với bạn khi muốn quản trị cấp trên. Về cơ bản, bạn đang cho sếp của mình biết rằng bạn cần họ giúp đỡ để đội nhóm của bạn tốt hơn, sếp bạn cảm thấy dễ chịu hơn và bản thân bạn cũng thấy dễ thở hơn. Đó là một chiến thắng hoàn toàn".

4. Đừng chỉ trích sếp thái quá

Theo Mclntyre , "bạn phải hiểu rằng không có bất cứ nhà quản lý hoàn hảo nào cả, họ cũng là con người và bạn phải tìm ra cách để đối mặt với vấn đề đó".

Đúng như vậy, đã là con người thì ai cũng đều có thể phạm sai lầm, kể cả họ có là ông chủ lớn. Vì thế, trong mọi việc, bạn nên xem xét kỹ lưỡng tình hình và đặt mình vào vị trí của sếp để thông cảm với họ thay vì vội vã buông lời chê trách.

5. Hạn chế gặp mặt riêng với sếp

Việc hạn chế gặp riêng sếp là một cách tốt để giúp cả hai bên tránh xảy ra căng thẳng và mất kiểm soát. "Ở cùng nhiều người hơn có thể là một biện pháp hữu ích khi tính cách của bạn và sếp có sự đụng độ và mâu thuẫn với nhau. Bạn không thể thực sự thay đổi người khác, nhưng bạn có thể thử và làm cho tình hình chuyển biến theo hướng tốt nhất," Salemi nói.

6. Phá vỡ vòng luẩn quẩn tiêu cực

Cách bạn nhìn nhận về sếp của mình là một yếu tố vô cùng quan trọng và sẽ quyết định tới mối quan hệ của hai người.

"Bạn càng nghĩ ông chủ của mình xấu xa, ngu ngốc và ích kỷ bao nhiêu, cách bạn tương tác với họ sẽ càng bị ảnh hưởng bấy nhiêu," Mclntyre cảnh báo.

Do đó, hãy cố gắng xác định một số điểm tích cực ở sếp của bạn và tập trung vào những điều đó thay vì để bản thân bị ám ảnh bởi những yếu tố tiêu cực.

7. Luôn duy trì sự tôn trọng của mình

Có lẽ không ai trong số chúng ta khi đi làm lại muốn mình bị mang tiếng là người không biết tôn trọng cấp trên hay khó quản lý cả. Bởi lẽ điều đó có thể tác động xấu tới con đường thăng tiến trong công việc của chúng ta.

Mclntyre chia sẻ: "Bạn có thể không tôn trọng một người nào đó như một nhà quản lý, nhưng bạn nhất định phải thể hiện sự tôn trọng của mình với vị trí đó nếu bạn muốn mọi việc diễn ra suôn sẻ.

Hãy luôn nhớ, đừng bao giờ gây chiến với ông chủ của mình. Nếu bạn làm vậy, bạn chắc chắn sẽ là người thua cuộc".

Theo Nguyễn Nguyễn

Cùng chuyên mục
XEM