Đi làm hay không đi làm: Câu hỏi khó thời dịch Covid-19

13/02/2020 15:27 PM | Kinh doanh

Đối với chính phủ Trung Quốc, việc để lao động trở lại làm việc hay không hiện đang là câu hỏi đầy khó khăn. Một mặt, nền kinh tế thứ 2 thế giới cần duy trì hoạt động cũng như tăng trưởng, nhưng họ vẫn phải cẩn trọng để không lây lan thêm Virus Corona.

Hầu hết các tỉnh của Trung Quốc đã quay trở lại hoạt động vào ngày 10/2 sau khi kéo dài đợt nghỉ lễ Tết Nguyên Đán do dịch bệnh. Dẫu vậy, rất nhiều lao động vẫn chưa quay trở lại làm việc bởi lo sợ nhiễm bệnh và điều này đang khiến chính quyền Bắc Kinh phải đau đầu.

Dịch Corona, hay còn gọi là Covid-19 đã làm 1.355 người tử vong cũng như lây lan cho hơn 60.000 người trên thế giới. Điều đáng lo ngại là dù đã vài tuần trôi qua nhưng dịch bệnh này chưa cho thấy dấu hiệu đạt đỉnh, qua đó lan truyền sự sợ hãi về khả năng lây nhiễm trong cộng đồng lao động và nhân viên đang ở quê.

Mặc dù Trung Quốc đã tuyên bố rõ ràng rằng ưu tiên hàng đầu hiện nay của họ là ngăn chặn dịch bệnh, nhưng các chuyên gia, người dân và quan chức đều hiểu rằng họ không thể đóng băng hoạt động sản xuất hoàn toàn cũng như giữ lệnh cách ly quá lâu được. Đặc biệt là trong tình hình tăng trưởng của Trung Quốc đang ở mức thấp nhất trong nhiều thập niên và cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung vẫn chưa thực sự chấm dứt.

Trớ trêu thay, việc để lao động trở về làm việc cũng ẩn chứa rất nhiều rủi ro. Theo dự báo, khoảng 160 triệu lao động sẽ trở về các nhà máy, doanh nghiệp trong tuần này và tạo áp lực cực kỳ lớn cho chính quyền các cấp trong việc ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.


Những lao động nằm trong "danh sách đen"

Chuyên gia kinh tế trưởng Li Xunhei của Zhongtai Securities cho biết những trung tâm kinh tế như Thượng Hải, Tô Châu, Hàng Châu, Thẩm Quyến, Đông Quan là những nơi sẽ chịu áp lực lớn nhất do có số lượng lao động di cư đông nhất.

"Thẩm Quyến là nơi có lượng nhân lực di trú lớn nhất cả nước với vô vàn lao động từ tỉnh ngoài cũng như nhân viên nước ngoài đi lại. Số lượng nhà ở tại đây cũng tăng lên nhanh chóng trong 3 năm qua làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm. Trong khi đó, Thượng Hải là một thành phố lớn với vị thế trung tâm kinh tế, tài chính, giao thương của cả nước nên số lượng lao động sẽ rất đông. Rất nhiều người đến từ các tỉnh Hà Nam và An Huy, vốn là những nơi đang bùng phát dịch", ông Li nói.

Lo sợ dịch bệnh, chính quyền Thượng Hải cho biết họ đã khuyến nghị các lao động tỉnh ngoài tiếp tục ở lại quê nhà thêm một thời gian nữa. Một số lao động có thể làm việc từ xa cũng được khuyến khích chưa nên quay lại thành phố.

Theo các khảo sát của chính phủ, khoảng 70% các nhà máy và hơn 80% các doanh nghiệp công nghệ, tài chính sẽ quay trở lại hoạt động trong tuần này ở Trung Quốc và rất nhiều lao động vẫn làm việc ở nhà do lo sợ dịch bệnh. Phần lớn các tập đoàn Mỹ có khả năng làm việc từ xa đều cho nhân viên ở nhà nhằm tránh lây lan virus.

Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát ở Vũ Hán-Hồ Bắc, chính phủ đã cho cách ly nhiều vùng, hủy bỏ các hoạt động lễ hội, giới hạn giao thông cũng như đề nghị nhiều gia đình ở nhà. Dù biện pháp này nhằm phòng chống dịch nhưng chúng cũng gây chút phiền hà cho người dân cũng như đình trệ nền kinh tế. Tuy nhiên làm thế nào để cân bằng giữa chống dịch và khởi động lại hoạt động sản xuất thông thường vẫn đang là câu hỏi khó với các nhà hoạch định chính sách.

Gần đây, chính quyền Tô Châu của tỉnh Giang Tô, một trung tâm về tơ lụa đã yêu cầu các công nhân từ tỉnh Hồ Bắc và Chiết Giang chưa cần quay lại làm việc ngay. Những lao động lọt vào "danh sách đen" này cũng bị nhiều thành phố, tỉnh thành yêu cầu tạm thời tiếp tục ở quê.

Đi làm hay không đi làm: Câu hỏi khó thời dịch Covid-19 - Ảnh 2.

Một nghịch lí nữa là trong khi chính phủ Trung Quốc yêu cầu các doanh nghiệp, nhà máy trở lại hoạt động trong tuần này, thì nhiều chính quyền địa phương lại khá chậm chạp thi hành do vẫn còn lo ngại dịch bệnh.

Thành phố Trung Sơn và Phật Sơn của tỉnh Quảng Châu đã hoãn hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp trong vùng đến tận ngày 1/3/2020. Tại Hàng Châu, các doanh nghiệp phải xin phép đặc biệt mới được quay trở lại hoạt động và tất cả nhân viên được yêu cầu báo cáo nhiệt độ cơ thể hàng ngày cho chính quyền địa phương.

Dẫu vậy tại Hàng Châu, chính quyền địa phương cũng mới chỉ cho 1.462 trên tổng số gần 30.000 công ty được phép hoạt động trở lại, một tỷ lệ chưa đến 5%.

Tệ hại hơn, những doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Trung Quốc vốn là mảng tuyển dụng nhiều lao động lại là những nạn nhân chịu thiệt hại nặng nhất khi chính phủ cho cách ly quá lâu và hoạt động sản xuất bị đình trệ dài hạn.

Doanh nghiệp lao đao mùa dịch

Một khảo sát gần đây của trường đại học Tsinghua và Peking, 2 trung tâm nghiên cứu hàng đầu Trung Quốc, đã cho thấy 67,1% số doanh nghiệp vừa và nhỏ chỉ đủ tài chính duy trì cho 2 tháng tới nếu tình hình gián đoạn sản xuất hiện nay vẫn tiếp diễn. Khoảng 30% doanh nghiệp vừa và nhỏ cho hay doanh thu năm 2020 của họ sẽ giảm ít nhất 50% so với năm trước.

Trong khi đó, báo cáo của AmCham cho thấy khoảng 24% số doanh nghiệp Mỹ tại Thượng Hải có thể giảm ít nhất 16% doanh thu trong năm nay so với năm 2019.

Đi làm hay không đi làm: Câu hỏi khó thời dịch Covid-19 - Ảnh 4.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc dù muốn trở lại hoạt động cũng khó khăn do chính quyền địa phương ban hành những quy định xử phạt rất nặng khi làm trái nguyên tắc. Tại Thẩm Quyến, 2 công ty điện tử đã bị phạt đình chỉ hoạt động hơn 1 tháng do vi phạm nguyên tắc bảo đảm an toàn vệ sinh thời dịch khi quay trở lại hoạt động. Một công ty công nghệ khác ở Hàng Châu cũng đã bị đình chỉ hoạt động do quản lý không báo cáo với chính quyền rằng anh ta mới quay trở lại từ vùng dịch.

Đối với những công ty đã có thể hoạt động trở lại, họ cũng cần khoảng 1-2 tháng để có thể đạt công suất bình thường do thiếu hụt nguồn cung, ảnh hưởng từ giao thông vận tải cũng như các lệnh cách ly. Trong chuỗi cung ứng, chỉ một khâu hay một nhà máy ngừng hoạt động là toàn bộ hệ thống cũng bị ảnh hưởng, bởi vậy việc khiến nền kinh tế quay trở lại bình thường là điều không dễ dàng trong thời dịch.

Theo chuyên gia kinh tế trưởng Hua Changchun của Guotai Junan Securities, dịch Covid-19 sẽ khiến tăng trưởng GDP của Trung Quốc mất khoảng 1,2 điểm phần trăm trong quý I/2020.

"Nếu tình hình hiện nay tiếp tục tồi tệ, chúng có thể tàn phá chuỗi cung ứng cũng như mảng xuất khẩu, qua đó tổn hại nặng nề đến nền kinh tế trong trung hạn", chuyên gia Hua cảnh báo.

Tỉnh Hồ Bắc, trung tâm của đợt dịch Covid-19, vốn là nơi ở của hàng chục triệu người dân và đóng vai trò quan trọng cho nền kinh tế Trung Quốc trong ngành giao thông vận tải, sản xuất xe hơi, công nghệ thông tin. Nếu việc cách ly quá lâu, tỉnh này sẽ ảnh hưởng nặng đến chuỗi cung ứng và nền kinh tế của cả nước.

Đi làm hay không đi làm: Câu hỏi khó thời dịch Covid-19 - Ảnh 6.

AB

Cùng chuyên mục
XEM