Đi ăn tiệc lại chẳng động đũa, tôm hùm bào ngư cũng ế: Người TQ phung phí thực phẩm vì quá sĩ diện

09/05/2023 20:01 PM | Sống

Theo Tân Hoa Xã, tình trạng lãng phí thực phẩm hiện nay trong xã hội Trung Quốc - đặc biệt trong tiệc cưới, ma chay và tiệc công sở - ngày càng trở nên phổ biến vì người dân nước này khá sĩ diện.

Theo Tân Hoa Xã, tình trạng lãng phí thực phẩm hiện nay trong xã hội Trung Quốc - đặc biệt trong tiệc cưới, ma chay và tiệc công sở - ngày càng trở nên phổ biến vì người dân nước này khá sĩ diện.

Người Trung Quốc lãng phí thực phẩm

Mới đây, tại nhà ăn của khách sạn JW Marriott ở Thượng Hải, khu vực lấy đồ vẫn còn rất nhiều đồ ăn dù sắp đến giờ đóng cửa.

Hãng thông tấn Trung Quốc Tân Hoa Xã cho hay, trên một số bàn, thực khách để thừa rất nhiều thức ăn. Theo chia sẻ của một nhân viên nhà hàng, tất cả thức ăn thừa trong ngày hôm đó sẽ bị bỏ đi và không được giữ lại cho đến ngày hôm sau.

Hay tại một nhà hàng tiệc cưới ở thành phố Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây, trong sảnh có hơn 30 bàn tròn với khách mời đã chật kín. Khi tiệc cưới kết thúc, những vị khách dần rời đi nhưng hơn 70% lượng thức ăn vẫn còn thừa trên 2/3 số bàn.

Ngoại trừ một số khách gói số ít hải sản như bào ngư về, còn lại hầu hết các món ăn đều bị bỏ qua, nhiều loại nước trái cây đã mở nắp còn hơn nửa lon cũng bị bỏ lại trên bàn.

Nhân viên khách sạn ở Sơn Tây cho biết, giá cỗ cưới của nhà hàng này dao động từ 1.888 tệ (gần 7 triệu VND)  đến 5.888 tệ/bàn (gần 21 triệu VND) hoặc có thể làm cỗ theo yêu cầu, không giới hạn.

Đặc biệt, những bàn tiệc sang trọng có cá mú hoa nâu, cua hoàng đế, vi cá...., mỗi bàn có 8 món nguội và 10 món nóng nhưng thức ăn cũng thường bị thừa.

Đi ăn tiệc lại chẳng động đũa, tôm hùm bào ngư cũng ế: Người TQ phung phí thực phẩm vì quá sĩ diện - Ảnh 1.

Món ăn phong phú được coi là biểu tượng của lòng hiếu khách và vị thế xã hội ở Trung Quốc. Ảnh: Shutterstock

Hay theo Nhật báo Bắc Kinh, trong một tiệc cưới tổ chức resort nọ, mỗi bàn có 23 món nhưng khách mời chỉ cụng ly rồi trò chuyện mà quên chạm đũa. Chẳng mấy chốc, trên bàn chật ních các món ăn và rất nhiều món ăn lên trước đã bị người phục vụ mang đi dù thực khách chưa ăn hết một nửa.

Sau khi khách ra về, hầu hết các bàn đều còn lại hơn một nửa số món ăn, trong đó có những món đắt tiền như hải sâm, tôm hùm, bào ngư. Thậm chí có nhiều món lên sau còn chẳng được ngó đến.

"Nếu khách hàng muốn gói mang về thì chúng tôi cũng sẽ phục vụ nhưng người gói mang về rất ít. Chỗ chúng tôi có quy định, dù là món khách hàng chưa đụng đũa thì chúng tôi cũng không được ăn, chỉ có thể đổ đi", một nhân viên khách sạn chia sẻ.

Đa phần vì sĩ diện

Theo Tân Hoa Xã, tình trạng lãng phí thực phẩm hiện nay trong xã hội Trung Quốc - đặc biệt trong tiệc cưới, ma chay và tiệc công sở - ngày càng trở nên phổ biến vì người dân nước này khá sĩ diện.

"Ngày nay, tiệc cưới đều là tiệc đặt sẵn, chúng tôi chỉ có thể chọn mức giá. Chúng tôi chọn set 4.988 NDT/bàn. Cả đời chúng tôi kết hôn có một lần, tiêu thêm một ít tiền cũng nằm trong khả năng chi trả", chú rể Dương nói với Nhật báo bắc Kinh.

Cũng bởi những người được mời cũng toàn là người thân và bạn bè quan trọng nhất của cặp đối, nếu chất lượng tiệc cưới không cao, khách mời và bạn bè ăn không ngon thì sẽ rất mất mặt.

Thậm chí, nhiều cặp đôi "hào phóng" trong việc chi tiêu cho tiệc cưới, phần lớn chỉ để phô trương, sĩ diện. 

Anh Lý Vĩ, người có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực tổ chức sự kiện, đã quá quen với việc lãng phí thực phẩm này. 

"Giờ đây, đời sống người dân đã nâng cao, ăn tiệc cưới không còn là cách để cải thiện cuộc sống. Nhiều món ăn khách mời cũng chỉ nếm qua loa. Nhưng cô dâu chú rể vẫn yêu cầu phải lên đủ các món cần có trong đám cưới, nếu không sẽ bị cho là đón tiếp không chu đáo, sợ bị trách cứ".

Theo anh Lý, trong các tiệc cưới anh từng tổ chức, chỉ có chưa đầy 10% các cặp đôi chọn gói thức ăn thừa sau bữa tiệc.

Anh Nhậm, một người chuyên tổ chức đám cưới ở Sơn Tây, cũng cho rằng, do lo lắng về những bình luận của khách mời nên gia chủ sẽ theo lệ, thà thừa hơn thiếu.

Lãng phí thực phẩm cũng thể hiện trong các bữa tiệc kinh doanh bởi sự sĩ diện của người Trung Quốc. 

Nhiều người cho biết, sau khi tiệc tàn thực khách thường không gói thức ăn thừa mang về bởi chủ nhà thì sợ khách chê cười keo kiệt, khách thì không bỏ tiền nên cũng ngại gói mang về.

Đáng chú ý, theo Tân Hoa Xã, một bộ phận nhỏ người Trung Quốc coi ăn uống, xa hoa lãng phí là biểu hiện của địa vị và đẳng cấp tiêu dùng cấp cao.

Quản lý Trương, trưởng bộ phận thực phẩm và đồ uống của một khách sạn 5 sao ở Thượng Hải cho biết: "Những người đến đây thường là những người tiêu dùng có thu nhập cao và không quan tâm nhiều đến tiền bạc; nếu bạn liên tục nhắc nhở họ tiết kiệm tiền, một số khách hàng sẽ tỏ thái độ khó chịu và chúng tôi lo ngại sẽ ảnh hưởng đến uy tín của khách sạn".

Lãng phí thực phẩm hiện đang là hiện trạng đáng báo động tại Trung Quốc, đến mức ngày 10/4 vừa qua, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia đã công bố Dự thảo lấy ý kiến về ngăn ngừa và Giảm thiểu Lãng phí Thực phẩm, đề xuất một loạt biện pháp từ các khía cạnh để thúc đẩy việc thực hiện công tác chống lãng phí thực phẩm.

Theo An An

Cùng chuyên mục
XEM