ĐHCĐ TPBank: Dự kiến trả cổ tức hơn 39%, cựu lãnh đạo NHNN, BIDV tham gia HĐQT

26/04/2023 09:53 AM | Kinh doanh

Hôm nay (26/4), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023.

ĐHCĐ TPBank: Dự kiến trả cổ tức hơn 39%, cựu lãnh đạo NHNN, BIDV tham gia HĐQT - Ảnh 1.

Kế hoạch lợi nhuận 8.700 tỷ đồng

Tại đại hội, Ban lãnh đạo TPBank trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2023 với mục tiêu lợi nhuận đạt mức 8.700 tỷ đồng, tăng 11% so với mức thực hiện năm 2022.

Để đạt được con số trên, tổng tài sản dự kiến tăng 7% lên 350.000 tỷ đồng. Nguồn vốn huy động thị trường 1 ước tăng 6% lên 306.960 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu mục tiêu ở mức dưới 2,2% và tỷ lệ an toàn vốn đạt 12,6%.

Ban lãnh đạo TPBank nhận định 2023 là một năm tương đối khó khăn với hoạt động ngân hàng khi điều kiện nền kinh tế và thị trường tài chính ngân hàng có nhiều biến động, room tín dụng tiếp tục bị giới hạn, Ngân hàng sẽ tập trung vào việc cơ cấu lại danh mục tăng thu lãi đồng thời tìm cách giảm giá vốn đầu vào để cải thiện biên lãi thuần, tăng cường bán chéo sản phẩm, gia tăng thu nhập ngoài lãi.

ĐHCĐ TPBank: Dự kiến trả cổ tức hơn 39%, cựu lãnh đạo NHNN, BIDV tham gia HĐQT - Ảnh 2.

Trước đó, ngân hàng ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong năm 2022 với lợi nhuận trước thuế đạt 7.828 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2021. Tổng tài sản của ngân hàng ghi nhận tăng hơn 12% so với cùng kỳ năm trước, cán mốc gần 329 nghìn tỷ đồng. Tổng thu nhập hoạt động của TPBank trong năm nay đạt trên 15.600 tỷ đồng, tăng hơn 15,5% so với năm 2021. Lãi thuần từ dịch vụ đạt khoảng 2.700 tỷ đồng, tăng gần 75% so với cùng kỳ.

Dự kiến trả cổ tức hơn 39%

Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2022, với lợi nhuận sau thuế đạt gần 6.261 tỷ đồng, TPBank dự kiến trích 313 tỷ cho quỹ bổ sung vốn điều lệ, 10% cho quỹ dự phòng tài chính và 5 tỷ cho quỹ khen thưởng.

Ngoài ra, ngân hàng cũng đề xuất trích hơn 2.102 tỷ đồng để chia cổ tức bằng cổ phiếu. Sau khi trích lập các quỹ, lợi nhuận để lại chưa phân phối của năm 2022 là gần 3.215 tỷ đồng.

ĐHCĐ TPBank: Dự kiến trả cổ tức hơn 39%, cựu lãnh đạo NHNN, BIDV tham gia HĐQT - Ảnh 3.

Theo kế hoạch đệ trình cổ đông, ngân hàng này có kế hoạch trích 6.199 tỷ đồng để chia cổ tức theo tỷ lệ 39,19%. Trong đó, ngoài 2.102 tỷ đồng lấy từ lợi nhuận năm 2022 ngân hàng cũng trích 1.536 tỷ đồng từ lợi nhuận chưa phân phối lũy kế đến năm 2021 và 2.561 tỷ đồng từ thặng dư vốn cổ phần.

Tăng vốn lên 22.016 tỷ đồng

Ngân hàng cũng có kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 6.199 tỷ đồng, lên 22.016 tỷ đồng thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu.

Theo đó, TPBank sẽ phát hành gần 619 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông, tương đương tỷ lệ 39,19%. Thời gian phát hành dự kiến là trong năm 2023, tùy thuộc vào quá trình xét duyệt của cơ quan có thẩm quyền.

Cựu lãnh đạo NHNN, BIDV dự kiến tham gia HĐQT, BKS

Tại cuộc họp, ĐHĐCĐ cũng tiến hành bầu Hội đồng quản trị (HĐQT) và Ban Kiểm soát (BKS) nhiệm kỳ mới (2023-2028).

Số lượng thành viên được bầu vào HĐQT là 6 người, trong đó có 1 thành viên độc lập. Danh sách ứng cử viên trình ĐHĐCĐ xem xét có 4 thành viên thuộc HĐQT nhiệm kỳ cũ là ông Đỗ Minh Phú (Chủ tịch HĐQT), ông Đỗ Anh Tú (Phó Chủ tịch HĐQT), ông Lê Quang Tiến (Phó Chủ tịch HĐQT), ông Shuzo Shikata.

Hai ứng cử viên mới là bà Nguyễn Thị Mai Sương và bà Võ Bích Hà (ứng cử thành viên độc lập).

Trong đó, bà Nguyễn Thị Mai Sương (sinh năm 1961) từng có nhiều năm làm việc tại Ngân hàng Nhà nước và Hiệp hội Ngân hàng. Bà Sương từng là Giám đốc NHNN chi nhánh TP. Hà Nội (2009-2016) và Trưởng ban Hiệp Hội Ngân hàng (2016-2022), bà nghỉ hưu theo chế độ từ tháng 7/2022 đến nay.

Bà Võ Bích Hà (sinh năm 1967) có 20 năm làm việc tại BIDV, từng đảm nhiệm vị trí Giám đốc Ban Quản lý đầu tư, Trưởng ban Ban Kiểm soát của ngân hàng. Bà Hà nghỉ hưu theo chế độ từ tháng 12/2022 đến nay.

Danh sách ứng viên bầu vào Ban Kiểm soát có bà Nguyễn Thị Thu Hương (sinh năm 1967), có nhiều năm làm việc tại Ngân hàng Nhà nước và BIDV. Bà Hương từng là Vụ trưởng Vụ Thanh tra, giám sát các TCTD nước ngoài, thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước từ năm 2011-2019. Từ 2019-2022, bà Hương là ủy viên HĐQT, đại diện 30% vốn nhà nước tại BIDV. Sau đó từ 11/2022, bà Hương nghỉ hưu theo chế độ.

Ngoài ra, ông Thái Duy Nghĩa, bà Nguyễn Thị Thu nguyệt, đang là thành viên BKS nhiệm kỳ hiện tại cũng tiếp tục ứng cử tham gia nhiệm kỳ mới.

Dựa trên một số tồn tại, vướng mắc trong vận hành của ngân hàng trong nhiệm kỳ vừa qua, HĐQT đã định hướng hoạt động của TPBank trong nhiệm kỳ 2023 – 2028 với một số nội dung cơ bản sau:

Mục tiêu 1, tiếp tục tập trung xử lý thu hồi nợ xấu, kiểm soát chặt chẽ các khoản cấp tín dụng mới để hạn chế phát sinh nợ xấu; đảm bảo tỷ lệ nợ xấu của TPBank luôn ở mức dưới 2% so với tổng dư nợ cấp tín dụng.

Mục tiêu 2, tiếp tục lành mạnh hóa tinh hình tài chính; hướng tới triển khai các hoạt động, dự án trong khuôn khổ Basel III Reforms; nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh, sự minh bạch và tuân thủ các chuẩn mực, thông lệ quốc tế tốt trong công tác quản trị và trong các hoạt động của TPBank.

Mục tiêu 3, mở rộng quy mô kết hợp với phát triển kinh doanh đa dịch vụ; phát triển hệ thống sản phẩm, dịch vụ hiện đại, đa dạng nhằm nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng của khách hàng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong việc phát triển các loại hình dịch vụ công nghệ tài chính của TPBank; bảo đảm lợi ích chính đáng cho cổ đông sở hữu và người lao động.

Mục tiêu 4, phát triển TPBank trở thành Tập Đoàn Tài Chính tư nhân hiện đại có độ bao phủ ở các lĩnh vực như ngân hàng, công ty tài chính, bảo hiểm, chứng khoán, dịch vụ trung gian thanh toán, có vị thế trong khu vực và thâm nhập thị trường tài chính quốc tế. Theo đó, đến năm 2028, TPBank đặt kế hoạch đưa mức tổng tài sản lên trên 800 nghìn tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt trên 85 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt trên 21 nghìn tỷ đồng và dư nợ cho vay khách hàng đạt trên 423 nghìn tỷ đồng.

Mục tiêu 5, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên ngân hàng có chất lượng cao đáp ứng yêu cầu về chuyên môn và đảm bảo chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp.

Theo Quang Hưng

Cùng chuyên mục
XEM