Đến lượt Mỹ nguy cơ thiếu thịt trầm trọng

27/04/2020 17:28 PM | Xã hội

Vì dịch Dovid-19 bùng phát, các nhà máy chế biến thịt tại Mỹ và trên khắp châu Mỹ buộc phải đóng cửa, đẩy Mỹ vào tình trạng thiếu thịt nghiêm trọng.

Tại Mỹ, công suất chế biến thịt lợn giảm gần 1/3, trong khi nhà máy chế biến gia cầm lớn và lâu đời nhất tại nước này cũng tuyên bố đóng cửa vào cuối tuần trước. Giới chuyên gia cảnh bảo nguồn cung thịt trong nước chỉ còn đủ cho vài tuần tới.

Tại Brazil, nước xuất khẩu thịt gà và bò lớn nhất thế giới, cũng cho tạm ngừng hoạt động nhà máy gia cầm của JBS SA, công ty sản xuất thịt lớn nhất thế giới. Các nhà máy chế biến thịt tại Canada cũng đồng loạt bị đóng cửa, mới nhất là một nhà máy gia cầm ở tỉnh British Columbia.

Hiện vẫn còn hàng trăm nhà máy chế biến thịt khác ở châu Mỹ duy trì hoạt động. Tuy nhiên, việc số lượng nhà máy bị đóng cửa gia tăng đáng kể trong thời gian qua đang dấy lên nghi ngại về nguy cơ thiếu hụt thịt trên toàn cầu, đặc biệt là khi Mỹ, Brazil và Canada chiếm khoảng 65% thương mại thịt thế giới.

 Đến lượt Mỹ nguy cơ thiếu thịt trầm trọng  - Ảnh 1.

Smithfield Foods là một trong số nhiều công ty phải đóng cửa nhà máy chế biến thịt vì dịch Covid-19. Ảnh: Bloomberg.

Tại Mỹ, số lượng nhà máy chế biến thịt bị đóng cửa tăng chóng mặt. Ngày 24/4, Smithfield Foods, nhà sản xuất thịt lợn số một thế giới, thông báo đóng cửa thêm một nhà máy ở Illinois. Chưa tới một giờ trước đó, Hormel Foods cho biết 2 trong số các nhà máy chế biến gà tây Jennie-O ở Minnesota đang trong tình trạng “nhàn rỗi”. Đến ngày 26/4, JBS cho biết sẽ đóng cửa một cơ sở sản xuất thịt bò ở Wisconsin. Đây chỉ là một số trong hàng loạt tin đóng cửa trong ngành chế biến thịt vài tuần gần đây.

“Đây là việc chưa từng xảy ra. Đây là cuộc chơi mà ai cũng đều thua thiệt: các nhà sản xuất có nguy cơ mất tất cả trong khi người tiêu dùng phải đối mặt với giá cả lên cao. Các nhà hàng có thể hết thịt bò tươi trong một tuần tới”, ông Brett Stuart, Chủ tịch của công ty tư vấn Global AgriTrends, chia sẻ.

“Trong đại dịch này, toàn bộ ngành thịt của chúng ta đang phải đối mặt với một sự lựa chọn không hề dễ dàng: tiếp tục hoạt động để duy trì nguồn cung thực phẩm cho đất nước hoặc đóng cửa để bảo vệ người lao động khỏi rủi ro về bệnh dịch. Đây là một sự lựa chọn tệ hại nhưng đó là việc mà chúng tôi không hề mong muốn”, Smithfield nói trong thông báo đóng cửa nhà máy cuối tuần trước.

Trong khi đó, giá cả vẫn đang leo thang. Tuần trước, giá thịt bò bán buôn tại Mỹ lên cao kỷ lục, trong khi giá thịt lợn bán buôn tăng 29%, ghi nhận mức tăng hàng tuần lớn nhất kể từ năm 2012.

 Đến lượt Mỹ nguy cơ thiếu thịt trầm trọng  - Ảnh 2.

Giá thịt bò và lợn tăng mạnh tại Mỹ tăng mạnh do nhiều nhà máy đồng loạt đóng cửa vì Covid-19. Ảnh: Bloomberg.

Jersey Mike’s Franchise Systems, công ty vận hành 1.750 cửa hàng bán sandwich trên khắp nước Mỹ, đang làm việc với nhà cung cấp thịt nguội Clemens Food Group để đảm bảo nguồn cung thịt lợn. “Chúng tôi đang tìm nguồn cung dự phòng vì chúng tôi cảm thấy thời kỳ thiếu hụt sắp tới”, ông Peter Cancro, CEO của Jersey Mike’s Franchise Systems, nói.

Để chắc chắn, một số nhà máy chế biến thịt đã tái khởi động sau khi thực hiện xét nghiệm cho người lao động cũng như điều chỉnh điều kiện làm việc. Tại Brazil, hầu hết nhà máy cũng vẫn duy trì hoạt động. Một điểm khác cần cân nhắc là châu Âu chưa xảy ra làn sóng đóng cửa lớn như ở châu Mỹ. Liên minh châu Âu hiện chiếm khoảng 1/5 xuất khẩu thịt toàn cầu, theo số liệu của chính phủ Mỹ.

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo của Tyson Foods, JBS và Smithfield đều cảnh báo người tiêu dùng có thể nhận thấy tác động của sự gián đoạn nguồn cung thịt ở các cửa hàng thực phẩm.

Giới chuyên gia cho biết thịt có xuất xứ từ một nhà máy có dịch Covid-19 xuất hiện không gây ảnh hưởng đến sức khỏe bởi mọi người đều biết rằng dịch bệnh này không có nguồn gốc từ thực phẩm. Nói cách khác, các sản phẩm xuất ra từ một trang trại hay nhà máy sản xuất có người lao động bị nhiễm Covid-19 vẫn có thể được phân phối ra thị trường. Trong khi đó, dừng sản xuất có nghĩa là sẽ không có nguồn cung thịt mới.

Hơn nữa, việc đóng cửa các nhà máy chế biến được đưa ra đúng vào thời điểm nguồn cung thịt toàn cầu rất hạn hẹp. Trước đó, Trung Quốc, nước sản xuất thịt lợn lớn nhất thế giới, đang chật vật chống lại dịch tả lợn châu Phi, loại dịch khiến hàng triệu con lợn ở nước này bị tiêu hủy. Chưa kể nhu cầu cũng giảm mạnh vì các nhà hàng trên khắp thế giới đều đóng cửa, dẫn tới một số công ty chế biến thịt phải giảm sản lượng.

Đây là lúc hàng tồn kho phát huy tác dụng. Tuy nhiên, số hàng đó có thể không giúp các công ty duy trì được lâu.

Tổng nguồn cung thịt ở Mỹ trong các kho lạnh hiện tương đương gần sản lượng của 2 tuần trước dịch. Trong bối cảnh thời gian đóng cửa của hầu hết nhà máy chế biến thịt kéo dài khoảng 14 ngày, nguy cơ thiếu hụt thịt là rất cao.

Các lò mổ đóng cửa nên nông dân cũng không có chỗ để bán vật nuôi. Cùng với đó, việc thiếu hụt lao động khiến một số nhà sản xuất phải tiêu hủy bớt đàn. Một công ty chế biến thịt gà lớn ở Mỹ được cho là phải giết 2 triệu con gia cầm đầu tháng 4 vì thiếu nhân công. Điều này dẫn tới việc một lượng lớn thực phẩm bị lãng phí trong khi các kệ hàng trong siêu thị lại trống trơn.

 Đến lượt Mỹ nguy cơ thiếu thịt trầm trọng  - Ảnh 3.

Trong khi các nhà sản xuất phải tiêu hủy đàn nuôi vì thiếu hụt lao động thì các kệ hàng thịt ở siêu thị lại trống trơn. Ảnh: Reuters.

Tại các trang trại ở Mỹ, tình trạng trên ngày càng nghiêm trọng, đến mức Cơ quan Giám sát Sức khỏe Động – Thực vật Mỹ phải thành lập trung tâm giúp các nhà sản xuất xác định thị trường thay thế tiềm năng và hỗ trợ về phương pháp giảm và tiêu hủy đàn vật nuôi.

Rất khó để giải thích chính xác nguyên nhân dịch Covid-19 lại lây lan nhanh trong nhóm lao động của các nhà máy chế biến thịt. Một số chuyên gia phân tích cho rằng các nhà máy chế biến thịt trả lương thấp nên lao động thường là người di cư và nhập cư. Họ có thể sống trong các khu nhà chật chội, thậm chí có hơn một gia đình sống chung với nhau.

Hơn nữa, lao động trong các nhà máy chế biến đứng khá gần nhau, thậm chí phải đứng sát nhau ở một số công đoạn. Những nhà máy này có tới hàng nghìn lượt người ra vào mỗi ngày. Vì vậy, nếu một người bị nhiễm bệnh, dịch có thể lây lan nhanh chóng.

Theo Thanh Long

Cùng chuyên mục
XEM