Đề xuất Quốc hội dành gói tín dụng 110.000 tỷ đồng cấp cho các ngân hàng thương mại để cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân

22/02/2023 16:33 PM | Kinh tế vĩ mô

Trong dự thảo Nghị quyết về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững, Chính phủ đề xuất dành gói tín dụng khoảng 110.000 tỷ đồng cấp cho các ngân hàng thương mại để cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay theo phương thức tái cấp vốn.

Đề xuất Quốc hội dành gói tín dụng 110.000 tỷ đồng cấp cho các ngân hàng thương mại để cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân - Ảnh 1.

Sau Hội nghị trực tuyến toàn quốc tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững, tổ chức, Chính phủ đưa ra dự thảo Nghị quyết về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững.

Theo đó, mục tiêu của dự thảo Nghị quyết là tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là về thể chế, tổ chức thực hiện và nguồn vốn cho thị trường bất động sản, trong đó tháo gỡ các vướng mắc về quy định pháp luật và trình tự, thủ tục cũng như tổ chức triển khai thực hiện các dự án, nhất là liên quan đến đầu tư, đất đai, xây dựng.

Tập trung tháo gỡ vướng mắc cho các dự án đang triển khai để sớm hoàn thành, tạo nguồn cung cho thị trường; tháo gỡ khó khăn về các nguồn vốn tín dụng, trái phiếu... khơi thông dòng vốn và tạo tính thanh khoản cho thị trường.

Đồng thời, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển, tăng nguồn cung, điều chỉnh cơ cấu sản phẩm thị trường bất động sản, trong đó tập trung phát triển nhà ở xã hội, nhà công nhân.

Đẩy mạnh phê duyệt quy hoạch, chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư và các thủ tục về đất đai, xây dựng các dự án bất động sản để tăng nguồn cung thị trường.

Dự thảo Nghị quyết nêu thúc đẩy thị trường bất động sản thông qua chính sách hỗ trợ nguồn vốn để triển khai thực hiện dự án, ưu tiên các doanh nghiệp có phương án vay vốn khả thi, các dự án bất động sản phục vụ tiêu dùng, có hiệu quả, thanh khoản tốt như nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ, văn phòng cho thuê, bất động sản phục vụ sản xuất, công nghiệp...

Thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, phấn đấu đến năm 2023 hoàn thành ít nhất khoảng 1 triệu căn nhà ở xã hội.

Để thực hiện, giải pháp trọng tâm sẽ là hoàn thiện thể chế. Bao gồm các quy định liên quan tới đầu tư xây dựng, kinh doanh nhà ở gắn với việc sửa các luật Đầu tư, Đất đai, Thuế, Chứng khoán, Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Đấu thầu (sửa đổi), sửa đổi các quy định tháo gỡ quy trình, thủ tục triển khai dự án, đảm bảo tính thống nhất.

Còn để cụ thể hóa mục tiêu thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển và tập trung phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, trong lúc chờ Quốc hội thông qua Luật nhà ở (sửa đổi), Chính phủ cho biết sẽ trình Quốc hội xem xét, ban hành nghị quyết thí điểm một số chính sách đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội.

Một số chính sách mới được đưa vào dự thảo gồm: Giao đất không thu tiền sử dụng đất, chủ đầu tư được chuyển nhượng nhà ở xã hội gắn với chuyển quyền sử dụng đất; địa phương chịu trách nhiệm bố trí và đảm bảo quỹ đất.

Việc chọn chủ đầu tư sẽ thông qua đấu thầu hoặc chấp nhận chủ trương đầu tư nếu có quyền sử dụng đất phù hợp quy hoạch. Chính quyền địa phương, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam được tham gia đầu tư tại khu công nghiệp.

Ngoài ra, chủ đầu tư cũng được sử dụng diện tích sàn làm dịch vụ, thương mại, công cộng và hoạch toán riêng, được hưởng toàn bộ lợi nhuận…

Để đảm bảo nguồn vốn cho phát triển nhà ở xã hội, Chính phủ sẽ đề xuất Quốc hội dành gói tín dụng khoảng 110.000 tỷ đồng cấp cho các ngân hàng thương mại để cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay theo phương thức tái cấp vốn. Trong đó, chủ đầu tư được vay ưu đãi 50% của gói, tương đương với 55.000 tỷ đồng; số còn lại dành cho khách hàng cá nhân là người mua, thuê, mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Theo Linh Phong

Cùng chuyên mục
XEM