Đề xuất hạn mức giao dịch qua ví điện tử không quá 20 triệu đồng/ngày: Muốn đặt cọc xe Vinfast, mua tour đi Hàn, sắm Smart TV sẽ không thể thanh toán qua Momo, Moca, VNPay?
Theo dự thảo thông tư mới, hạn mức giao dịch của một cá nhân sẽ bị giới hạn ở mức 20 triệu đồng/ngày và 100 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, dạo một vòng các kênh thương mại điện tử như A Đây Rồi hay Sendo, các sản phẩm có mức giá hơn 20 triệu đồng không ít, phổ biến nhất là các tour du lịch Châu Á, Châu Âu, đặt cọc xe VinFast, hay các dòng Smart TV QLED… Nhưng những thương vụ giá trị cao này rồi đây sẽ không thể thanh toán qua ví điện tử.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến về Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 39/2014/TT- NHNN hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán, với nội dung chính là sửa đổi, bổ sung các quy định dành cho hoạt động của ví điện tử.
Một trong những vấn đề được quan tâm góp ý là nội dung về hạn mức giao dịch của ví điện tử. Cụ thể, tổng hạn mức giao dịch của một ví điện tử của cá nhân (bao gồm giao dịch chuyển tiền từ ví điện tử sang ví điện tử khác và giao dịch thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ hợp pháp) tối đa là 20 triệu đồng/ngày.
Hạn mức giao dịch một tháng giới hạn ở mức 100 triệu đồng.
Với tổ chức, tổng hạn mức giao dịch của một ví điện tử tối đa là 100 triệu đồng/ngày và 500 triệu đồng/tháng.
Hiện tại có 29 tổ chức không phải ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, trong đó có những cái tên "quen mặt" với người dùng như GrabPay by Moca, Momo, VinID (vừa mua lại People Care sở hữu ví MonPay), ví của FPT (SenPay), VNPT…
Bên cạnh việc thanh toán điện, nước, thanh toán tại cửa hàng, chuyển tiền ví - ví, nhiều ví cũng đã tích hợp với các kênh thương mại điện tử. Khách hàng mua hàng trên A Đây Rồi có thể thanh toán qua Momo; mua trên Shopee, Now có thể thanh toán qua Airpay; Sendo thanh toán qua SenPay…
Ví Momo đã được tích hợp trên phương thức thanh toán của A Đây Rồi.
Đặt cọc VinFast, mua tour đi Hàn, làm sao thanh toán bằng ví điện tử?
Dạo một vòng các kênh thương mại điện tử như A Đây Rồi hay Sendo, các sản phẩm có mức giá hơn 20 triệu đồng không ít, phổ biến nhất là các tour du lịch Châu Á, Châu Âu, đặt cọc xe VinFast, hay các dòng Smart TV QLED…
Tour đi Nhật Bản bán bởi Viettravel trên A Đây Rồi có giá gần 36 triệu đồng. Đặt cọc VinFast Smart Tivi QLED 4K Samsung 55 Inch QA55Q65RAKXXV trên Sendo bán với giá gần 31 triệu đồng. Trên Shopee, Tivi Sony UHD 4K 49 inch KD 49X8500F có giá hơn 25 triệu đồng.
Nếu áp cứng theo quy định của dự thảo, những thương vụ giá trị cao này rồi đây sẽ không thể thanh toán qua ví điện tử. Khách hàng chỉ có thể thanh toán qua thẻ tín dụng, ATM (qua cổng Napas), hoặc thanh toán bằng tiền mặt khi nhận hàng (COD). Tuy nhiên, việc thanh toán tiền mặt với số tiền vài chục triệu đồng khá bất tiện cho cả người mua lẫn shipper.
Thử mua một sản phẩm TV giá hơn 20 triệu đồng trên Shopee, phương thức thanh toán chỉ có một lựa chọn duy nhất là Thẻ Tín dụng/Ghi nợ. Ví AirPay cũng sẽ không thể dùng thanh toán cho những đơn hàng thế này.
Chia sẻ về câu chuyện hạn mức giao dịch này, ông Nguyễn Thanh Hưng - Chủ tịch Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) - cho biết: Theo quan sát của ông, hạn mức 100 triệu đồng/tháng là thỏa đáng trong thời điểm hiện tại. Nhưng hoạt động kinh doanh thay đổi rất nhanh.
"Thực tiễn có khá nhiều công ty du lịch gọi điện cho chúng tôi, một gia đình đi du lịch Hàn Quốc thôi, chưa nói đến Mỹ hay Châu Âu, mua 4 suất du lịch, cũng tầm 100 - 120 triệu đồng là rất bình thường. Giờ dân người ta giàu lắm, giao dịch 100 triệu đồng một lần như không. Nếu đặt hạn mức 100 triệu đồng/tháng, tôi nghĩ 1 năm người ta có thể đi du lịch 1 lần thôi, nhưng trả cho cả gia đình thì hạn mức đó lại là cản trở", Chủ tịch VECOM giãi bày.
Vì sao phải đặt hạn mức 20 triệu đồng/ngày?
Theo bản so sánh dự thảo thông tư sửa đổi với Thông tư 39/2014/TT- NHNN do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố, lý do quy định cụ thể về hạn mức giao dịch đối với Ví điện tử của cá nhân và tổ chức nhằm giảm thiểu rủi ro về lợi dụng Ví điện tử để rửa tiền, thực hiện các hoạt động bất hợp pháp, phù hợp với mục đích sử dụng dịch vụ Ví điện tử là phục vụ thanh toán các giao dịch nhỏ, lẻ.
Liên quan đến tính phù hợp của hạn mức này, vị lãnh đạo cao nhất của Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam đề nghị nếu như có dịp, có thể tổ chức một hội thảo quy mô nhỏ hơn, mời các đơn vị bán hàng trực tuyến đến để họ cho ý kiến hạn mức giao dịch ra sao.
Qua mấy năm, thanh toán của ví điện tử tăng trưởng rất nhanh. Năm 2018, chỉ chiếm khoảng 1%, đến Quý 1/2019 đã tăng lên 23%
"Tôi nghĩ một cách hợp lý hơn, khi mở ví điện tử, mặc định các công ty cung cấp dịch vụ ví điện tử sẽ đặt một ngưỡng thanh toán 100 triệu đồng/tháng, nhưng cá nhân nào có nhu cầu có thể mở hơn. Ngân hàng sẽ quan sát xem động thái này có những yếu tố gì không lành mạnh sẽ có điều chỉnh sau".
"Tôi nghĩ như vậy sẽ rất thông thoáng đảm bảo quyền tự do kinh doanh, mua bán của công dân, doanh nghiệp… Để có độ mở cao hơn trong thanh toán, tôi mong các anh cân nhắc thêm. Ai mở thêm hạn mức thì các công ty ví quản lý chặt lắm. Ông nào chi tiêu 1 tháng trên 100 triệu đồng thì với cơ sở dữ liệu như vậy sẽ kiểm soát rất chặt những ông này. Tôi nghĩ rủi ro không cao", ông Hưng đề xuất.
Đại diện của CTCP Vận tải Đường sắt Hà Nội - đơn vị bán vé tàu hỏa - cũng bày tỏ quan ngại về hạn mức trên. Hiện công ty đã liên kết với 8 đơn vị, trong dó có 4 đơn vị là thanh toán thu hộ, 4 đơn vị là ví điện tử.
"Qua mấy năm, thanh toán của ví điện tử tăng trưởng rất nhanh. Năm 2018, chỉ chiếm khoảng 1%, đến Quý 1/2019 đã tăng lên 23%".
"Nếu áp dụng hạn mức 20 triệu đồng/ngày thì rất hạn chế, bởi khi cá nhân đặt vé và thanh toán cho một nhóm người thì hạn mức này không đủ. Tôi đề xuất hoặc tăng lên, hoặc chỉ khống chế hạn mức trong 1 tháng. Có đại diện cho rằng không thanh toán bằng ví thì thanh toán bằng cách khác, nhưng qua app đã xây dựng đề xuất thanh toán qua ví, khi đặt vé chọn hình thức khác, quay lai lại phức tạp cho khách hàng", đại diện của CTCP Vận tải Đường sắt Hà Nội cho biết.
Đại diện từ Momo cũng cho biết trước đây giao dịch qua ví Momo chưa nhiều nhưng kể từ năm 2018, giao dịch đã tăng mạnh gấp 3 lần. Nếu áp dụng hạn mức 100 triệu đồng/tháng trong vài năm tới có thể sẽ không phù hợp.
Chính sách làm ra cần mang tính phổ thông, không thể đặt vấn đề sau này sẽ mua xe Mercedes qua ví điện tử
Xung quanh các ý kiến về câu chuyện hạn mức sử dụng ví điện tử, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) cho biết sẽ tiếp thu các góp ý, tuy nhiên, ông cho rằng các ý kiến cần dựa trên những vấn đề thực tiễn, chứ "đừng nêu ý kiến là sắp tới chúng tôi mua xe Mercedes bằng ví điện tử".
"Có khi chẳng bao giờ xảy ra giao dịch đấy nhưng chúng ta lại đưa chính sách theo hướng đấy. Chúng ta làm chính sách là làm cho những cái gì phổ cập, phổ thông, phổ biến hàng ngày, còn trường hợp cá biệt, mua hàng tỷ như thế thì chúng ta có tài khoản ngân hàng rồi, có rất nhiều kênh thanh toán".
"Với cá nhân tôi chẳng hạn, chắc nhiều anh chị trong hội thảo hôm nay cũng vậy, 1 tháng không tiêu gì hết 100 triệu đồng đâu. Cho nên chúng ta cũng đừng quá lo lắng… Với ví cá nhân, số liệu của chúng tôi chỉ khoảng 5 triệu đồng, không nhiều. Chúng ta cũng không nên quá lo lắng với mốc 100 triệu đồng đưa ra. Hạn mức này căn cứ trên thực tiễn và tham khảo hạn mức một vài quốc gia đưa ra. Trung Quốc mới đây cũng thiết lập hạn mức này", ông Dũng cho biết.
Nền kinh tế số Việt Nam, theo báo cáo e-Conomy SEA 2018 thực hiện bởi Google và Temasek, đã ở mức 9 tỷ USD vào năm 2018. Hai đơn vị này dự báo đến năm 2025, nền kinh tế số của Việt Nam sẽ tăng lên mức 33 tỷ USD. Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho rằng, con số này đạt được hay không sẽ cần nhiều yếu tố bổ trợ, trong đó có thanh toán trực tuyến.
Sẽ đề xuất nạp tiền vào ví điện tử không qua tài khoản ngân hàng
Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) cho biết, NHNN về quan điểm đã cùng với Bộ Thông tin và Truyền thông ủng hộ báo cáo trình thí điểm Mobile Money.
"Cái này thì chưa quyết định, tôi cũng không đủ thẩm quyền quyết định, nhưng chắc chúng tôi cũng làm báo cáo tương tự đối với ví điện tử về việc nạp tiền không qua tài khoản ngân hàng".
"Còn quyết hay không thì thẩm quyền của tôi không thể quyết định được, nhưng sẽ làm báo cáo đầy đủ về ví điện tử. Nếu được nạp tiền vào ví không qua tài khoản ngân hàng, lúc ấy sẽ có một câu chuyện mới mẻ hoàn toàn", ông Dũng nói.