Để thúc đẩy cách mạng công nghiệp, Singapore quyết định nâng giá... nước

20/04/2017 23:55 PM | Xã hội

Chính phủ Singapore muốn buộc các doanh nghiệp tăng cường phát triển công nghệ, tự động hóa hoặc tái đào tạo nhân công để theo kịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 của thế giới.

Mới đây, nhiều nhà đầu tư trên thế giới không ngạc nhiên mấy khi Singapore tiếp tục đứng đầu Châu Á về năng lực cạnh tranh nhân lực. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lại cho rằng tăng trưởng hoạt động kinh doanh tại Singapore sẽ chậm lại do giá cả ở đây quá cao.

Nền kinh tế Singapore mới hồi phục lại sau đợt suy giảm mạnh của giá hàng hóa xuất khẩu. Tuy nhiên, hàng loạt quyết định tăng giá của chính phủ như tăng 30% giá nước, tăng giá xăng, đánh thuế môi trường... đã khiến nhiều nhà sản xuất ở đây phải điều chỉnh lại hoạt động để có thể cạnh tranh trên thị trường.

Hơn nữa, chính việc tăng giá nhiều sản phẩm, dịch vụ cơ bản này khiến chính quyền Singapore nâng mức dự báo lạm phát năm 2017 của nước này lên trên 0% lần đầu tiên trong gần 2 năm qua.

Bộ trưởng Tài chính Singapore, ông Heng Swee Keat thậm chí nhận định việc tăng giá nước đã làm dân chúng Singapore hoang mang bởi giá loại dịch vụ này vẫn được giữ ổn định kể từ năm 2000.

Trong khi đó, Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết Singapore đang gặp khó khăn với tài nguyên nước và việc nâng giá nước sẽ buộc người dân có ý thức hơn trong vấn đề sử dụng nước sạch. Hiện chính phủ đang phải trợ giá cho các nhà máy nước để giữ mức giá của loại dịch vụ cơ bản này được ổn định.

Theo hãng sản xuất chất bán dẫn Globalfoundries, việc chính phủ nâng giá nước lên đồng nghĩa với việc doanh nghiệp sẽ phải tốn thêm 3,6 triệu USD/năm cho chi phí sản xuất tại đây.

[A Tùng] Để thúc đẩy cách mạng công nghiệp, Singapore quyết định nâng giá... nước - Ảnh 1.

Lạm phát tại Singapore đã tăng trở lại sau gần 2 năm giảm

Nâng chi phí để thúc đẩy công nghệ cao

Việc Singapore xếp thứ hạng cao trong bảng xếp hạng môi trường cạnh tranh chủ yếu là do thuế doanh nghiệp thấp, cơ sở hạ tầng tốt cũng như dễ khởi nghiệp, trong khi chi phí hoạt động tại đây lại khá đắt đỏ.

Số liệu của IMD năm 2016 cho thấy Singapore đứng thứ 4 thế giới về môi trường cạnh tranh nhưng lại đứng thứ 57/61 cho chi phí sinh hoạt.

Theo CIMB, chính phủ Singapore hiện đã có những chuyển biến trong chính sách khi chấp nhận nâng mức giá sinh hoạt để đảm bảo an ninh năng lượng, nước sạch cũng như thúc đẩy các ngành kinh tế thân thiện với môi trường. Đổi lại, sự ổn định chính trị, mức thuế hấp dẫn sẽ thu hút các nguồn vốn đầu tư, kinh doanh về cho đất nước mà không cần phải hạ giá sinh hoạt.

Trên thực tế, Singapore chưa bao giờ dùng chi phí sinh hoạt thấp để thu hút nhà đầu tư bởi những yếu tố khác đã đủ biến nơi này thành điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, chính phủ Singapore muốn buộc các doanh nghiệp tăng cường phát triển công nghệ, tự động hóa hoặc tái đào tạo nhân công để theo kịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 của thế giới.

Số liệu của UBS cho thấy giá nước cho sản xuất công nghiệp ở Singapore vào khoảng 0.87 USD/mét khối, thuộc hàng cao nhất Châu Á, thậm chí cao gấp vài lần so với Trung Quốc. Chính điều này đã buộc nhiều nhà máy sản xuất điện hoặc nhà máy bia như Tiger phải xem xét lại hoạt động của mình tại đây.

Nhà máy sản xuất điện lớn nhất Singapore, Túa Power tuyên bố sẽ cắt giảm lượng nước sử dụng trong sản xuất. Trong khi đó, hãng Heineken, ông chủ của thương hiệu Tiger Beer cũng tuyên bố giảm 20% lượng nước sử dụng khi chi phí tại Singapore ngày một tăng cao.

BT

Cùng chuyên mục
XEM