Để người Việt không sống mãi "kiếp gia công nô dịch", đây là con đường duy nhất của Việt Nam

22/09/2016 13:31 PM | Kinh tế vĩ mô

Thông qua câu chuyện của Hàn Quốc, Malaysia và Philippines, có thể thấy mức độ vươn lên của các quốc gia này tương ứng với cách họ đánh giá về tầm quan trọng của phát triển công nghệ.

"Đến Paris, du khách thường gửi postcard hình tháp Eiffel . Đến Tây Ban Nha, họ sẽ gửi về hình sân vận động Nou Camp. Và khi đến Hà Nội, một người Pháp đã loay hoay chọn một tấm postcard hình culi để gửi về gia đình…"

Câu chuyện trên được ông Nguyễn Hữu Thái Hòa, nay là Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn chiến lược kiêm Giám đốc chiến lược (CSO) của Tập đoàn VNPT – chia sẻ trong nhiều buổi hội thảo khi nói về giấc mơ Việt Nam.

Culi, theo Wikipedia, là một từ mượn từ tiếng Pháp là coolie (hay cooli, cooly, kuli, quli, koelie,...) chỉ một nô lệ hoặc người lao động chân tay gốc Á không lành nghề trong suốt thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20.

“Hình postcard này từ đầu thế kỷ nhắc tôi là: Trong con mắt của người phương Tây, Việt Nam đứng ở vị trí thấp nhất”, ông Hòa nói.

“Các bạn phải biết xuất phát điểm của mình thế nào để tự hỏi mình rằng: Dân tộc này sẽ làm gia công nô dịch mãi mãi như thế này hay sao?

Dù hơi khó nghe, nhưng những điều ông Thái Hòa nói từ lâu đã được các nhà quản lý quan tâm. Việt Nam đang trong giai đoạn thu hút FDI, tích lũy vốn và công nghệ. Tuy nhiên, quá trình này không kéo dài mãi mãi và nếu chúng ta không thể bứt lên được, việc "mãi ở trong kiếp gia công nô dịch" có thể là thực tế không xa.

TS. Yoichi Sakurada - Viện Nghiên cứu Mitsubishi (Nhật Bản) chia sẻ: Thông thường các quốc gia Châu Á sẽ phát triển từ hình thức tự cung tự cấp và đến nông nghiệp, bước 2 là nhập khẩu, tiếp theo bước 3 là xuất khẩu…

Trong bước 3, chúng ta phải có những chính sách phát triển về công nghiệp và hạn chế nhập khẩu, trong nước cũng phải có những mặt hàng có chất lượng tương đương hàng nhập khẩu, nhằm phát triển kinh tế công nghiệp hướng đến xuất khẩu. Tiếp theo, sẽ xây dựng chuỗi cung ứng để liên kết với các nước Đông Nam Á.

Việt Nam đang ở giai đoạn hạn chế nhập khẩu, nhưng đồng thời lại bước vào giai đoạn hội nhập sâu với hàng loạt mặt hàng có thuế nhập khẩu về 0%.

Nhìn lại sự phát triển của các nước Châu Á, từ năm 1990, Nhật Bản là nước phát triển hàng đầu Châu Á. Năm 2000, Trung Quốc trở thành công xưởng của thế giới, tiếp đó là Đài Loan, Hàn Quốc và Singapore.

Khu vực Đông Nam Á (ASEAN) đang phân khúc thành 2 khu vực lớn: Khu vực 1 là các nước phát triển hơn như Singapore, Thái Lan, Malaysia, Philippines…

Và khu vực còn lại là các nước kém phát triển, gọi tắt là CLMV – viết tắt tên của 4 nước Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam.

Đừng quên giấc mơ Hàn Quốc, vì người Việt có tố chất đáp ứng chất lượng ở mức cao nhất

Câu chuyện từ cuộc thi tay nghề của Adidas dưới đây cho thấy một Việt Nam rất khác.

Theo lời kể của ông Hòa, mỗi năm Adidas có cuộc thi tay nghề, chọn xác suất 3 nhân công và 1 người giám sát tham gia. Rất ngạc nhiên là các nhà máy Adidas Biên Hòa (Đồng Nai), nơi có 3 em công nhân trình độ cấp 2 và 1 người giám sát học lớp 12, không có bằng đại học, luôn đứng nhất và cách rất xa đội đứng thứ 2 về điểm số.

Nội dung thi gồm nhiều hạng mục như nhắm mắt đoán vật liệu, nghĩ về vật liệu mới nhất, đường may mũi chỉ, cách may mới nhất… và các bạn Việt Nam luôn luôn tìm ra giải pháp cực thông minh để làm tốt nhất.

Từ cuộc chuyện trò với chuyên gia phía Adidas, ông Hòa cho rằng chất lượng Việt nằm ở 2 chỉ số: Độ tinh xảoKhả năng linh động để hội nhập.

“Chúng ta đang có tố chất để đáp ứng chất lượng dịch vụ ở mức cao nhất”, ông Hòa nhìn nhận.

Từ đây, ông phác ra 3 kịch bản cho Việt Nam.

1- Hàn Quốc đạt GDP/người ở mức 1.370 USD vào năm 1969, thoát bẫy thu nhập trung bình thấp sau 15 năm vào 1984 và thoát tiếp bẫy thu nhập trung bình (7.214 USD) sau 5 năm nữa vào 1990. 4 năm sau vượt thu nhập trung bình khá (10.699 USD) năm 1994.

Hàn Quốc thoát ra là nhờ dựa vào nền tảng phát triển công nghiệp và công nghệ cao, trong đó công nghệ thông tin đóng vai trò then chốt và nhất quán phần cứng, phần mềm và hạ tầng quốc gia tạo đà phát triển rất nhanh phá bẫy thu nhập trung bình sau thời gian rất ngắn.

2- Malaysia: vượt nghèo cùng năm 1969, phải mất 19 năm mới thoát bẫy thu nhập trung bình thấp (3.811 USD) năm 1988, vượt bẫy thu nhập trung bình năm 1995 và vượt thu nhập trung bình khá sau 8 năm vào 2003.

Malaysia có chủ trương phát triển công nghệ thông tin (IT) sớm nhưng chủ yếu tập trung vào chương trình hành lang đa phương tiện và vẫn lẩn quẩn trong bẫy thu nhập trung bình 26 năm. Họ coi IT chỉ là ngành, không coi là hạ tầng của hạ tầng, một phương thức phát triển có khả năng kết nối các lĩnh vực khác.

Cuộc cách mạng số hóa thực sự nổ ra vào năm 1996, khi đề án Multi-Media Super Coridoor (Siêu hành lang đa phương tiện) được đưa ra để thúc đẩy các hoạt động công nghệ cao nhằm mở rộng ngành công nghiệp công nghệ Internet đang nở rộ, đồng thời phổ cập kiến thức cho tất cả người dân Malaysia (phát triển nền kinh tế tri thức).

3- Philippines: vốn là nước phát triển nhất Đông Nam Á trong thập niên 70 lại mắc trong bẫy thu nhập trung bình thấp đã 29 năm, vừa mới vượt 3.811 USD/người vào năm 2011 và chưa thấy lối thoát.

Về công nghệ thông tin, hoạch định chính sách của Philippines chỉ là “osin”, tập trung làm gia công (BPO) và không có chiến lược quốc gia rõ nét về hạ tầng công nghệ thông tin.

Thông qua câu chuyện của 3 quốc gia này, có thể thấy mức độ thành công của các quốc gia này tương ứng với cách họ đánh giá về vai trò của công nghệ. Hàn Quốc thành công vì coi công nghệ là trọng điểm the chốt, còn Philippines loay hoay trong bẫy thu nhập trung bình vì thiếu đi một chiến lược quốc gia rõ nét.

Việt Nam vẫn còn cơ hội để trở thành Hàn Quốc, nhưng cũng có nhiều rủi ro để trở thành một Philippines. Sự khác biệt ở kết quả thành hay bại, sẽ phụ thuộc rất lớn vào chính sách phát triển của Nhà nước trong thời gian tới.

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM