Để “chuyển đổi số” doanh nghiệp cần “Agile” mức nào?

19/09/2019 10:00 AM | Kinh doanh

Chuyển đổi số đang là xu thế không thể đảo ngược nhưng không phải mọi doanh nghiệp đều có thể thành công. Nhìn lại quá trình tiếp cận và chuyển đổi Agile tại Việt Nam hơn 10 năm qua, có thể thấy những gợi ý giá trị cho quá trình chuyển đổi số hiện nay.

Xu thế và thách thức trong chuyển đổi số

Chuyển đổi số là việc sử dụng công nghệ số để thay đổi mô hình kinh doanh, phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa công ty… để tạo ra cơ hội, doanh thu và giá trị mới.

Theo nghiên cứu của IDC, năm 2018, gần 90% doanh nghiệp bắt đầu chuyển đổi số ở các mức độ khác nhau, hơn 30% lãnh đạo doanh nghiệp xem chuyển đổi số là vấn đề sống còn. Chuyển đổi số mang lại cho GDP năm 2017 khoảng 6%, năm 2019 được dự đoán là 25% và năm 2021 là 60%. Nó cũng làm tăng năng suất lao động 15% trong năm 2017, dự kiến 2020 là 21% (nghiên cứu của Microsoft tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương).

Tại Việt Nam, chuyển đổi số đã bắt đầu nhưng trước mắt có không ít rào cản và thách thức.

Đầu tiên, phải kể đến văn hóa doanh nghiệp chưa sẵn sàng, nhận thức hạn chế về chuyển đổi số nên nhiều doanh nghiệp còn đứng ngoài cuộc chơi.

Thứ hai, rào cản rất lớn đến từ công nghệ khi gần 80% máy móc được doanh nghiệp sử dụng là những công nghệ cũ từ thập niên 1980 - 1990.

Thứ ba, việc thiếu nhân lực có kỹ năng, hiểu biết và tư duy số khiến doanh nghiệp muốn cũng không thể thực hiện chuyển đổi được. Đây là vấn đề khó cải thiện trong ngày một ngày hai.

Suy ngẫm từ quá trình chuyển đổi Agile

Agile là một trong những chìa khóa thành công của các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới. Du nhập vào Việt Nam từ năm 2007 bởi nhóm chuyên gia sau này là Founder của Học viện Agile. Dù thấy rõ cơ hội, nhưng doanh nghiệp Việt tiếp cận Agile khá dè dặt do rào cản từ văn hóa, tổ chức, thiếu nhân lực, hay tâm lý lo sợ thay đổi. Mức độ chuẩn hóa Agile còn ở mức thấp.

Sự chuyển dịch phương thức làm việc kéo theo nhu cầu nhân lực Agile/Scrum lên cao nhưng số đơn vị đào tạo về Agile cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hiện chỉ có duy nhất Học viện Agile là đơn vị thành viên của các tổ chức quốc tế như Agile Alliance, Scrum Alliance.

Số lượng Certified ScrumMaster được cấp bởi Scrum Alliance cho các nhân sự làm Agile chuyên nghiệp trên toàn cầu khoảng 450.000 người. Tuy nhiên, theo ước tính của Học viện Agile, con số này ở Việt Nam chỉ khoảng 300 người.

Doanh nghiệp Agile có lợi thế để thành công trong chuyển đổi số

Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp thành công trong chuyển đổi Agile cũng đi đầu trong chuyển đổi số. Khi Amazon, Apple, Facebook, Google, Microsoft hay Airbnb, Samsung, Spotify, Tesla, Uber vươn lên cùng Agile thì không ít công ty đã tụt dốc vì cồng kềnh và chậm thay đổi.

Kinh nghiệm thế giới cho thấy, việc chuyển đổi phương thức làm việc sang Agile/Scrum đóng vai trò quan trọng trong gia tăng năng suất lao động, hiệu quả dự án và đổi mới sáng tạo. Báo cáo CHAOS của Standish Group năm 2015 chỉ rõ, Agile có thể giúp tỉ lệ thành công của các dự án tăng gấp ba lần so với phương thức hoạt động truyền thống. Hầu hết sản phẩm công nghệ đột phát đã được làm ra từ những nhóm Agile đầy đam mê và sáng tạo.

Tại Việt Nam, nhiều tên tuổi lớn như FPT, Viettel, VNG hay những doanh nghiệp nhỏ mới khởi sự đã sớm bắt kịp xu thế Agile/Scrum. Cộng đồng AgileVietnam cũng ghi nhận hàng trăm công ty đang nỗ lực chuyển đổi sang Agile/Scrum.

Đặc điểm của doanh nghiệp Agile phù hợp với chuyển đổi số:

Thứ nhất, nếu chuyển đổi số đòi hỏi thích ứng với công nghệ mới trong thời gian ngắn, thì nhờ tập trung vào cải tiến liên tục, Agile giúp doanh nghiệp linh hoạt trước công nghệ và thị trường. Nhiều gã "khổng lồ" nhờ Agile mà đạt tốc độ cải tiến công nghệ không khác gì các startup mới khởi sự.

Thứ hai, trong chuyển đổi số, nhân lực chất lượng cao là yếu tố sống còn. Agile giúp doanh nghiệp đạt được điều đó thông qua việc tạo môi trường làm việc thân thiện, lộ trình nghề nghiệp rõ ràng cho người lao động tri thức.

Thứ ba, trong chuyển đổi số, việc kiểm soát rủi ro là vô cùng khó khăn. Với Agile, doanh nghiệp chủ động với rủi ro chứ không chỉ phòng tránh. Agile thừa nhận môi trường kinh doanh là phức tạp, chủ động "va vấp" để nhận được phản hồi sớm nhất từ thị trường, qua đó cải tiến thay vì chờ đợi rủi ro và thất bại.

Cũng giống như chuyển đổi Agile, để chuyển đổi số, đầu tiên doanh nghiệp cần sẵn sàng về nhận thức, từ hiểu mình muốn gì đến chuyển đổi công ty thế nào. Tiếp đến là sự sẵn sàng về tổ chức, văn hóa và phát triển năng lực số cho nhân sự cùng với đầu tư về công nghệ.

Mục đích của Agile không gì hơn là định nghĩa một "văn hóa" làm việc mới, ưu tiên cho cộng tác, tạo lập và duy trì sự linh hoạt nhằm gia tăng lợi thế cạnh tranh trong nền kinh tế số.

Ánh Dương

Từ khóa:  kinh doanh
Cùng chuyên mục
XEM