Để cho âm vốn hơn 18.000 tỷ đồng ở VNCB, vì đâu nên nỗi?

30/07/2016 09:54 AM | Xã hội

Sau khi nhóm cổ đông mới (Phạm Công Danh) vào điều hành ngân hàng còn phải trích lập dự phòng tới 12.000 - 13.000 tỷ đồng cho giai đoạn trước.

Tại phiên tòa xét xử Phạm Công Danh và đồng phạm ngày 29/7, bị cáo Phạm Công Danh và Phan Thành Mai đã khai ra với nhiều tình tiết đáng chú ý liên quan tới hoạt động của Ngân hàng Xây dựng.

Cả Danh và Mai đều khai rằng họ bị sốc sau khi vào tiếp quản ngân hàng vì không nghĩ tình hình xấu tới mức đó. Tại thời điểm mà chỉ cần người gửi tiền rút 1 đến 2 tỷ đồng đã khiến thanh khoản khó khăn như vậy, lãnh đạo ngân hàng phải tìm cách để huy động vốn bằng mọi cách, và việc chi trả lãi suất ngoài là biện pháp được áp dụng để ngân hàng tồn tại. Danh khai rằng đã sử dụng tiền của Thiên Thanh, cả tiền cá nhân Danh từ việc bán xe máy cho đến nhà cửa để đổ vào tái cơ cấu ngân hàng.

Thêm nữa, theo Phạm Công Danh, khi mua lại cổ phần từ phía bà Hứa Thị Phấn, Danh chi ra hơn 4.000 tỷ đồng là để mua các bất động sản mà nhóm này sở hữu và bà Phấn đại diện cho nhóm 30 công ty, với kỳ vọng bất động sản lên giá sẽ bán đi, tính toán của Mai cho thấy có lãi khoảng 700 tỷ đồng.

Tuy nhiên sau khi mua cổ phiếu Danh mới biết bà Phấn không được các công ty kia ủy quyền, họ cũng không chịu chuyển quyền sở hữu cho Danh nên Danh không bán được, thị trường bất động sản lại đi xuống. Bị mất nhiều tền để mua các tài sản này (tiền Danh mượn từ ngân hàng, trong đó có tiền gửi của nhóm Trần Ngọc Bích, cụ thể là ông Trần Quí Thanh) nên Danh lại càng lún sâu vào vòng xoáy.

Khi đề cập đến chuyện ngân hàng thua lỗ và âm vốn nặng nề, theo lời khai của Phạm Công Danh thì ngoài phải xoay tiền trả lãi ngoài, còn do nợ khó đòi vì các nhóm không trả nợ trong nhiều tháng, nhiều năm. Hơn nữa, khác với các ngân hàng khác là 95% tài sản của ngân hàng này là nằm trong nhóm nợ của một nhóm khó đòi ấy, phần còn lại là nợ lẻ tẻ. Ngân hàng lại rơi vào cảnh bị kiểm soát đặc biệt, tín dụng không được tăng và không thu hồi được nợ nên lỗ là tất yếu.

Phan Thành Mai, nguyên Tổng giám đốc VNCB, khai thêm phần nợ nần trước năm 2012 là trách nhiệm của nhóm Phú Mỹ, sang năm 2013 là của nhóm cổ đông mới. Nhưng năm 2013, ngân hàng phải trích lập dự phòng cho các khoản nợ mà năm 2012 chưa trích lập, chủ yếu liên quan nhóm Phú Mỹ và Phương Trang, tổng cộng tới 12.000 – 15.000 tỷ đồng.

Nhưng Danh và Mai cũng thừa nhận, các khoản lỗ gây ra từ đầu năm 2014 cho đến thời điểm bị khởi tố là thuộc về trách nhiệm của nhóm này.

Theo nội dung của cáo trạng, kết luận thanh tra ngày 10/7/2012 của NHNN cho thấy, tại thời điểm thanh tra, vốn chủ sở hữu của ngân hàng bị âm 2.854 tỷ đồng, lỗ lũy kế là 6.061 tỷ đồng. Nhưng đến cuối năm, theo BCTC ngân hàng Xây dựng năm 2012 đã kiểm toán thì kết quả kinh doanh lỗ lũy kế 8.765 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 5.711 tỷ đồng.

Theo BCTC năm 2013 đã kiểm toán, lỗ lũy kế 11.348 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 8.293 tỷ đồng. Vào thời điểm khởi tố vụ án (26/7/2014), vốn chủ sở hữu ngân hàng âm 18.469 tỷ đồng, tổng nợ phải trả là 38.255 tỷ đồng, tổng tài sản là 16.745 tỷ đồng.

Hồi tháng 6 đã rộ lên câu chuyện Ngân hàng Xây dựng đòi nợ nhóm Phương Trang gần 3.000 tỷ đồng.

Theo đó, Ngân hàng Xây dựng cho rằng họ chỉ mới đòi gần 3.000 tỷ dựa trên 10 hồ sơ, còn trên hồ sơ pháp lý tại CB, nhóm Phương Trang đang có nợ gốc hơn 9.400 tỉ đồng (phát sinh từ thời Ngân hàng Đại Tín - Trust Bank), chưa kể khoản lãi phát sinh và đã quá hạn từ năm 2011.

Tuy nhiên phía Phương Trang cho rằng thực tế họ chỉ nhận số tiền nợ hơn 3.436 tỷ đồng của 47 khoản vay và một khoản mua bán trái phiếu của Công ty CP đầu tư Phương Trang chứ không có dư nợ gần 10.000 tỷ như Ngân hàng nói.

Ngay từ năm 2012, nhóm Công ty Phương Trang đã chủ động đưa ra phương án xử lý là hoán đổi tài sản bằng sổ tiết kiệm nhưng phía ngân hàng không chấp nhận với lý do số nợ của nhóm Phương Trang cao hơn.

Theo Tùng Lâm

Cùng chuyên mục
XEM