Đế chế Victoria's Secret: Từ ‘con gà đẻ trứng vàng’ đến khó khăn bủa vây phải ‘bán mình’

21/02/2020 14:03 PM | Kinh doanh

Victoria's Secret là thương hiệu nội y đình đám của Mỹ và từng được coi là “con gà đẻ trứng vàng” của L Brands. Những năm gần đây, tình hình kinh doanh của công ty gặp nhiều khó khăn, cùng với đó là những vụ bê bối liên quan đến quấy rối tình dục người mẫu. L Brands vừa bán lại 55% cổ phần Victoria's Secret cho Sycamore Partners.

Đế chế Victorias Secret: Từ ‘con gà đẻ trứng vàng’ đến khó khăn bủa vây phải ‘bán mình’ - Ảnh 1.

Victoria's Secret được thành lập vào năm 1977 bởi doanh nhân người Mỹ Roy Raymond. Từ trải nghiệm không mấy dễ chịu khi đến một cửa hàng bách hóa để mua đồ lót cho vợ, Raymond muốn tạo ra một nơi mà đàn ông sẽ cảm thấy thoải mái khi mua nội y. Raymond quyết định mở những cửa hàng với sản phẩm dành cho phụ nữ nhưng đối tượng người mua nhắm đến lại là nam giới.

Ông đặt tên thương hiệu theo kỷ nguyên Victoria ở Anh, muốn gợi lên sự tinh tế của thời kỳ này vào sản phẩm của mình. Sau khi thành lập Victoria's Secret, Raymond liên tiếp mở các cửa hàng và ra mắt catalog nổi tiếng của hãng. (Ảnh: Wikimedia Commons)

Đế chế Victorias Secret: Từ ‘con gà đẻ trứng vàng’ đến khó khăn bủa vây phải ‘bán mình’ - Ảnh 2.

Đến năm 1982, Victoria's Secret đạt doanh thu hàng năm khoảng 4 triệu USD. Tuy nhiên theo báo cáo, công ty gần như phá sản vào thời điểm này. Đó cũng là lúc Les Wexner gia nhập công ty.

Wexner, người sáng lập L Brands (trước đây là Limited Brand) là một nhân vật nổi tiếng trong ngành bán lẻ. Tháng 6/1982, Limited niêm yết trên sàn chứng khoán New York. Một tháng sau, dưới sự lãnh đạo của Wexner, công ty mua lại 6 cửa hàng của Victoria's Secret và catalog của hãng với giá 1 triệu USD. (Ảnh: Getty)

Đế chế Victorias Secret: Từ ‘con gà đẻ trứng vàng’ đến khó khăn bủa vây phải ‘bán mình’ - Ảnh 3.

Wexner thay đổi định hướng phát triển công ty so với thời Raymond khi mở các cửa hàng hướng tới khách hàng nữ thay vì nam giới như trước đây. Là người luôn theo dõi thị trường đồ lót châu Âu, Wexner luôn mong muốn mang phong cách của châu lục này vào Mỹ. Vì vậy, ông tạo ra một phiên bản giá rẻ hơn của thương hiệu cao cấp châu Âu "La Perla" – sản phẩm trông sang trọng và đắt tiền nhưng lại có giá cả phải chăng. (Ảnh: Getty)

Đế chế Victorias Secret: Từ ‘con gà đẻ trứng vàng’ đến khó khăn bủa vây phải ‘bán mình’ - Ảnh 4.

Chiến lược của Wexner rất hiệu quả. Đầu những năm 1990, Victoria's Secret trở thành nhà bán lẻ nội y lớn nhất nước Mỹ, với 350 cửa hàng và doanh thu đạt 1 tỷ USD. Thương hiệu này tiếp tục phát triển những năm sau đó. Năm 1995, chương trình thời trang thường niên nổi tiếng của hãng ra đời. 

Chương trình được dẫn dắt bởi Ed Razek (Giám đốc tiếp thị lâu năm của L Brands) và trở thành một trong những biểu tượng của Victoria's Secret. Razek và nhóm của ông chịu trách nhiệm chọn những người mẫu biểu diễn trong chương trình. Do đó, ông trở thành một trong những người quan trọng nhất trong thế giới người mẫu, mở ra cơ hội cho Gisele Bündchen, Tyra Banks và Heidi Klum. (Ảnh: AP)

Đế chế Victorias Secret: Từ ‘con gà đẻ trứng vàng’ đến khó khăn bủa vây phải ‘bán mình’ - Ảnh 5.

Năm 1999, show diễn của Victoria's Secret lần đầu được phát trên mạng. Tờ Time khi đó mô tả chương trình là "khoảnh khắc đột phá trên Internet" của kỷ nguyên khi đạt 1,5 triệu lượt xem khiến trang web bị sập. Thời điểm đó, thương hiệu này cũng bắt đầu ra mắt các sản phẩm nổi tiếng và thành công nhất của mình, bao gồm Miracle Bra và Body by Victoria. Các chương trình thời trang của Victoria's Secret ngày càng trở nên xa xỉ hơn. Năm 2000, người mẫu Gisele Bündchen trình diễn bộ đồ lót “Fantasy Bra” trị giá 15 triệu USD. (Ảnh: AP)

Đế chế Victorias Secret: Từ ‘con gà đẻ trứng vàng’ đến khó khăn bủa vây phải ‘bán mình’ - Ảnh 6.

Cũng trong năm 2000, Sharen Jester Turney trở thành CEO của Victoria's Secret Direct, dẫn dắt mảng kinh doanh catalog của công ty. Turney trở thành CEO của toàn thương hiệu Victoria's Secret vào năm 2006. Trong suốt 9 năm bà điều hành, công ty phát triển vượt bậc, doanh thu tăng 70% lên 7,7 tỷ USD. (Ảnh: Getty Images)

Đế chế Victorias Secret: Từ ‘con gà đẻ trứng vàng’ đến khó khăn bủa vây phải ‘bán mình’ - Ảnh 7.

Turney bất ngờ từ chức vào năm 2016, Wexner tạm thời đảm nhiệm vị trí CEO. Ông nhanh chóng đưa ra hàng loạt thay đổi lớn bao gồm khai tử catalog, đồ bơi và chỉ tập trung vào mảng kinh doanh cốt lõi là nội y. Jan Singer trở thành CEO của Victoria's Secret Lingerie vào tháng 9/2016. Trong khoảng năm 2016 và 2018, thị phần của công ty này tại Mỹ giảm từ 33% xuống 24%.

Nhiều khách hàng bắt đầu phàn nàn về chất lượng sản phẩm. Một trong những sản phẩm chủ chốt của công ty, như thương hiệu Pink nhắm tới thiếu niên, cũng bắt đầu gặp khó khăn. (Ảnh: Spanx)

Đế chế Victorias Secret: Từ ‘con gà đẻ trứng vàng’ đến khó khăn bủa vây phải ‘bán mình’ - Ảnh 8.

Show diễn thường niên của Victoria's Secret bị chê là "lỗi thời", lượng người xem giảm mạnh. Tháng 11/2018, Razek khiến dư luận dậy sóng khi đưa ra những bình luận gây tranh cãi về người chuyển giới và người mẫu ngoại cỡ. Chưa đầy một tuần sau những ồn ào liên quan tới phát ngôn của Razek, Singer từ chức. John Mehas thay thế vị trí của Singer từ đầu năm 2019. 

Victoria’s Secret tiếp tục hứng chịu chỉ trích khi Wexner và công ty này được cho là có liên quan đến “tỷ phú ấu dâm” Jeffrey Epstein. Sau những vụ lùm xùm và doanh thu sụt giảm, Victoria’s Secret tuyên bố hủy bỏ show diễn năm 2019. (Ảnh: AP)

Đế chế Victorias Secret: Từ ‘con gà đẻ trứng vàng’ đến khó khăn bủa vây phải ‘bán mình’ - Ảnh 9.

Đầu tháng 2 năm nay, tờ New York Times đăng bài điều tra "Thiên thần trong địa ngục: Văn hóa coi thường phụ nữ tại Victoria's Secret", phỏng vấn hơn 30 nhân viên và người mẫu từng làm việc cho hãng nội y nổi tiếng. Bài viết cho biết Ed Razek, Giám đốc L Brands bị nhiều người tố cáo có hành vi không đúng mực với nhiều đồng nghiệp nữ. Sau đó, hơn 100 người mẫu Victoria’s Secret cũng ký vào bức thư kêu gọi ông chủ John Mehas hành động để bảo vệ người mẫu khỏi vấn nạn lạm dụng tình dục trong quá trình làm việc. (Ảnh: AP)

Đế chế Victorias Secret: Từ ‘con gà đẻ trứng vàng’ đến khó khăn bủa vây phải ‘bán mình’ - Ảnh 10.

Theo thông tin mới nhất, L Brands vừa đạt được thỏa thuận bán lại 55% cổ phần của Victoria’s Secret cho công ty cổ phần tư nhân Sycamore Partners với giá 525 triệu USD. Wexner, tỷ phú 82 tuổi - người điều hành L Brands trong nhiều thập kỷ, sẽ rời khỏi vị trí CEO và chủ tịch công ty như một phần nội dung của bản thỏa thuận. Ông vẫn giữ vị trí trong hội đồng quản trị của L Brands với tư cách là chủ tịch danh dự. (Ảnh: AP)

Theo Linh Lam

Cùng chuyên mục
XEM