Đế chế cá ngừ lớn nhất Việt Nam đứng sau “chị đẹp” Ngọc Thanh Tâm sống ở “cung điện”, xách túi 3 tỷ: Doanh thu cỡ 7.000 tỷ/năm
Mẹ của Ngọc Thanh Tâm là bà Trịnh Thị Bích Hằng, hiện đang nắm giữ cổ phần lớn tại hệ sinh thái Hải Vương Group – đơn vị xuất khẩu cá ngừ lớn nhất Việt Nam.
Xuất hiện trong chương trình “Chị đẹp đạp gió rẽ sóng” tập 2, Ngọc Thanh Tâm được chú ý không chỉ bởi cuộc sống sa hoa, những lần “đập hộp” tiền tỷ mà còn bởi cô là con gái duy nhất của đại gia thủy sản Việt Nam.
Ngọc Thanh Tâm được biết sinh năm 1993, hoạt động showbiz với vai trò diễn viên. Cô từng tham gia một số phim như Hiệp sĩ mù, Đảo của dân ngụ cư, Yêu em bất chấp... và đầu tư sản xuất những web drama nổi tiếng như Tâm sắc Tấm, Thạch Sanh - Lý Thanh...
Bên cạnh đó, Ngọc Thanh Tâm còn được biết đến với vai trò Youtuber, người sáng tạo nội dung trên mạng xã hội và nhân vật nổi bật trong giới "rich kid" Việt Nam, có mối quan hệ thân thiết với nhiều ngôi sao hạng A của Vbiz.
Mẹ của Ngọc Thanh Tâm là Chủ tịch một tập đoàn kinh doanh thủy hải sản, thuộc top doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ hàng đầu Việt Nam. Trong những vlog của mình, Ngọc Thanh Tâm khá thoải mái chia sẻ về cuộc sống của một "ái nữ hào môn", không ngại bật mí về không gian sống như cung điện, căn phòng chứa đầy hàng hiệu, chi hàng trăm triệu đồng tổ chức tiệc thân mật với bạn bè...
Được biết, mẹ của Ngọc Thanh Tâm là bà Trịnh Thị Bích Hằng, hiện đang nắm giữ cổ phần lớn tại hệ sinh thái Hải Vương Group – đơn vị xuất khẩu cá ngừ lớn nhất Việt Nam.
Hệ sinh thái Hải Vương bao gồm 4 thành viên là: Công ty TNHH Hải Vương (Havuco), Công ty TNHH Thuỷ sản Hải Long Nha Trang (Dragon Waves), CTCP Vịnh Nha Trang (Nha Trang Bay), Công ty TNHH Cá ngừ Việt Nam (Tuna Vietnam) và 1 cơ sở cá giống Hoa Sơn. Trong đó, cụ thể từng thành viên gồm:
+ Công ty TNHH Hải Vương – Havuco : Được coi là doanh nghiệp khởi đầu cho đế chế Hải Vương Group, thành lập năm 1997 tại huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hoà. Đây cũng là nơi đặt trụ sở chính công ty, với ngành nghề kinh doanh chính là chế biến và bảo quản thuỷ sản đông lạnh.
Havuco sở hữu nhà máy diện tích 24.800 m2, với 4 kho lạnh âm 35 độ C công suất 400 tấn và một kho lạnh công suất 9.000 tấn. Công suất chế biến của Havuco vào khoảng 65 tấn nguyên liệu mỗi ngày.
Trải qua nhiều lần thay đổi đăng ký kinh doanh, theo thay đổi đăng ký kinh doanh đến năm 2022: Havuco có vốn điều lệ là 260 tỷ đồng, trong đó Chủ tịch HĐQT Trịnh Thị Bích Hằng chiếm 49,9% cổ phần, tương ứng 129,74 tỷ đồng.
+ Công ty TNHH Thuỷ sản Hải Long Nha Trang (Dragon Waves): Thành lập năm 2004, có khoảng 1.000 nhân viên làm việc (theo thông tin trên website của Hải Vương Group).
Theo thay đổi đăng ký kinh doanh đến năm 2022, Dragon Waves có vốn điều lệ là 130 tỷ đồng, trong đó thành viên góp vốn bao gồm 3 đơn vị là Công ty TNHH Hải Vương, Công ty TNHH MTV Vườn đại dương, Công ty TNHH Hải Thanh.
Trong đó, Công ty TNHH MTV Vườn đại dương có trụ sở tại 271 Lê Thánh Tôn, Phường Bến Thành, Quận 1, Tp.HCM hoạt động trong lĩnh vực môi giới bất động sản, là công ty của bà Trịnh Thị Bích Hằng.
+ Công ty TNHH Cá ngừ Việt Nam (Tuna Vietnam): Vốn điều lệ hàng trăm tỷ đồng, với 2 thành viên góp vốn là Công ty TNHH Hải Thanh và Công ty TNHH MTV Vườn Đại Dương.
Theo thông tin trên trang chủ của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (Vasep) cả 4 doanh nghiệp trong Hải Vương Group đều nằm trong TOP những doanh nghiệp (DN) xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2021.
Ghi nhận trên website của mình, Hải Vương Group cũng tự giới thiệu là đơn vị chế biến và xuất khẩu các sản phẩm cá ngừ và cá pelagic lớn nhất Việt Nam. Trung bình mỗi năm, Hải Vương xuất khẩu hơn 60.000 MT các sản phẩm thuỷ sản thành phẩm, bao gồm 50.000 MT cá ngừ và các sản phẩm cá pelagic đến hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Về công suất, tập đoàn Hải Vương cho biết, họ có thể chế biến hơn 110.000 MT hải sản, bao gồm 85.000 MT cá ngừ và cá pelagic mỗi năm. Doanh thu hàng năm theo Công ty giới thiệu lên tới 310 triệu USD, bao gồm 280 triệu USD cho các sản phẩm cá ngừ và cá pelagic.
Hải Vương nhập 90% nguyên liệu thô từ các tàu đánh cá ở các nước khác nhau trên toàn cầu như Đài Loan, Nhật Bản, Tây Ban Nha, Hàn Quốc,.. sau đó xử lý và chế biến thành phẩm với giá trị gia tăng cao.
Về tình hình kinh doanh, một nguồn thống kê cho thấy doanh thu 4 công ty của Hải Vương Group liên tục tăng từ 2016-2019, tổng doanh thu hơn 6.000 tỷ đồng trong năm 2019.
Bên cạnh tổng giá trị nắm giữ tại Hải Vương Group hơn 200 tỷ, bà Hằng được biết còn vốn góp một số công ty thuỷ sản khác.
Trở lại với “chị đẹp” Ngọc Thanh Tâm, nhiều người cho rằng cô thừa hưởng nhiều ưu điểm từ mẹ. Được biết, bà Bích Hằng bắt đầu đi học Đại học từ năm 17 tuổi, và có đến hai bằng Đại học (ngành Kinh tế và ngành Tiếng Anh) và một bằng Thạc sĩ ngành Tư vấn quản lý quốc tế.
Chia sẻ bí quyết thành công và cũng là nguyên tắc sống, mẹ Ngọc Thanh Tâm từng cho biết: "Tôi luôn cố gắng hết sức bất kể trong công việc hay cuộc sống hàng ngày. Ngay cả lúc đi chơi, tôi cũng phải cố gắng chung với mọi người. Mỗi ngày đi làm là giải quyết vấn đề. Ngày nào không có vấn đề là ngày ấy không ổn".