Đây là nơi duy nhất trên Trái Đất không bị COVID-19 'xâm nhiễm': Virus đang bị thứ gì thách thức?

10/08/2020 19:26 PM | Xã hội

Vẫn còn một nơi trên Trái Đất mà đại dịch Covid-19 không thể lan tới tính cho đến thời điểm hiện tại...

THÁCH THỨC VIRUS


Theo thông tin cập nhật mới nhất tính đến 18 giờ ngày 10/8/2020 của Worldmeter, cả thế giới có hơn 20 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó hơn 730.000 người tử vong. Mỹ vẫn là quốc gia có số ca nhiễm nhiều kỷ lục, với 5.199.524 ca.

Nếu con số người mắc Covid-19 trên thế giới vẫn không ngừng tăng lên thì có một nơi trên Trái Đất, virus Corona chủng mới SARS-CoV-2 vẫn không thể xâm nhập. Đó là nơi nào?

Trong bài viết tựa đề "Antarctica is the last continent without COVID-19. Scientists want to keep it that way" đăng ngày 7/8/2020, National Geographic nhận định: Nam Cực là lục địa duy nhất trên thế giới không có một trường hợp COVID-19 nào được báo cáo.

Giải thích điều này, Dirk Welsford, nhà khoa học trưởng của Chương trình Nam Cực Australia, cho biết: Môi trường Nam Cực khắc nghiệt đến mức có thể so sánh nó với không gian vũ trụ bên ngoài. Quỹ đạo bay của Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) cách Trái Đất 354 km, trong khi đó, cơ sở nghiên cứu khoa học xa xôi nhất tại Nam Cực - là Trạm nghiên cứu Pháp-Ý Concordia - cách trạm hàng xóm gần nhất của nó đến 563 km.

Nằm ở độ cao 3.200 mét so với mực nước biển, Trạm nghiên cứu Concordia là nơi khắc nghiệt hàng đầu trên hành tinh, với nhiệt độ lạnh nhất xuống đến -80 độ C. Lạnh, không khí loãng và ít oxy chính là những thách thức cho con người tại Nam Cực. Virus cũng vậy. Chúng cũng bị thách thức, nhưng là từ ý chí của con người.

Cần phải chú ý một điều rằng, nhiều loại virus có khả năng thích nghi và sống sót trong môi trường còn khắc nghiệt hơn nữa. Do đó, các nhà khoa học làm việc tại Nam Cực LUÔN LUÔN tuân thủ nguyên tắc 'Không để Nam Cực nhiễm bệnh', đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang hoành hành toàn cầu mạnh mẽ năm 2020 này.

Đây là nơi duy nhất trên Trái Đất không bị COVID-19 xâm nhiễm: Virus đang bị thứ gì thách thức? - Ảnh 1.

Các nhà nghiên cứu Tây Ban Nha tại Nam Cực. Ảnh: Antartica-ET

"Một số kỷ lục tại Nam Cực chưa bao giờ bị phá vỡ, vì vậy chúng tôi không muốn trở thành thế hệ làm được điều đó (khiến Nam Cực bị nhiễm Covid-19, từ đó gây ra các thay đổi lớn)" - Nancy Bertler, giám đốc Nền tảng Khoa học Nam Cực ở New Zealand nói.

"Đối với tất cả các quốc gia có nhà khoa học đang làm việc ở Nam Cực, mục tiêu tiên quyết của họ hiện giờ là ngăn chặn virus Corona không 'xâm nhập' đến thế giới băng ở Nam Cực. Nhưng chính xác làm thế nào để hoàn thành mục tiêu đó thì cần sự phổi hợp và hành động triệt để rất lớn từ các trạm nghiên cứu khoa học khắp Nam Cực" - Christine Wesche, điều phối viên hậu cần tại chương trình Nam Cực của Đức cho biết.


BẢO VỆ NAM CỰC

Hội đồng Quản lý các Chương trình Nam Cực Quốc gia (COMNAP) và 30 thành viên của nó đang điều phối việc cắt giảm nhân sự lớn. Tất cả các chương trình sẽ cắt giảm nhân sự theo các cấp độ khác nhau - ví dụ như Australia và Đức là 50%, còn New Zealand là 66% nhân sự.

Bằng cách giảm nhân sự làm việc tại Nam Cực, các chương trình có thể đảm bảo tốt hơn một chế độ kiểm dịch và kiểm tra nghiêm ngặt, vì các cuộc kiểm tra Covid hiện gây tốn kém và cần thời gian để có kết quả.

Việc hạn chế số lượng các nhà nghiên cứu làm việc tại các trạm cũng giúp đảm bảo rằng, nếu có trường hợp nhiễm Covid-19 được báo cáo dù vì lý do gì, sẽ có ít người bị phơi nhiễm hơn.

Sở dĩ, COMNAP buộc phải cắt giảm nhân sự còn có một nguyên nhân nữa đến từ việc các nhà nghiên cứu muốn đến Nam Cực cần phải thực hiện nhiều chặng đường bay. Trong khi đó, một trong những chặng bay phải đi qua các 'điểm nóng Covid'. Lấy ví dụ, nhóm nghiên cứu người Đức thường bay qua Cape Town, Nam Phi - quốc gia đã báo cáo hơn nửa triệu ca nhiễm Covid-19 tính cho đến nay.

Đây là nơi duy nhất trên Trái Đất không bị COVID-19 xâm nhiễm: Virus đang bị thứ gì thách thức? - Ảnh 2.

Nam Phi - quốc gia đã báo cáo hơn nửa triệu ca nhiễm Covid-19 tính cho đến nay. Photo: Billy Mutai - Anadolu Agency

Khi các đội nghiên cứu đặt chân đến Nam Cực, COMNAP tiến hành quá trình kiểm tra rất nghiêm ngặt: Các nhà nghiên cứu phải thực hiện giãn cách xã hội hoặc cách ly nếu có các triệu chứng giống như nhiễm Covid-19. Trường hợp, kết quả dương tính, họ sẽ được đưa ra khỏi lục địa Nam Cực ngay lập tức.

Một đợt bùng phát Covid-19 sẽ còn NGUY HIỂM HƠN việc các nhà khoa học làm việc vào mùa Đông. Bởi, mùa Đông là khi các cơn bão vùng cực khắc nghiệt khiến các chuyến bay qua khu vực gần như không thể thực hiện an toàn.

Hơn nữa, các chương trình Nam Cực dự kiến ​​sẽ bị gián đoạn ở một mức độ nào đó hàng năm do bão, băng biển và các vấn đề máy móc ở những nơi xa xôi...

Tuy nhiên, để ngăn chặn Covid-19 xâm nhập đến Nam Cực, họ chưa bao giờ phải hủy bỏ các dự án trên quy mô nào lớn như trước đây. Hầu hết các hợp tác quốc tế, các thử nghiệm mới và điều tra thực địa như nghiên cứu từng cá thể chim cánh cụt đã bị tạm dừng.

Song, những người quản lý chương trình cho biết họ không thể hủy hoàn toàn các phần của mình.


XA RỜI CHIẾC GIƯỜNG ẤM, TIỆN NGHI...

Nam Cực là lục địa lạnh nhất, khô nhất và gió nhất trên Trái Đất. Nhà thám hiểm địa cực người Australia Sir Douglas Mawson (1882-1958), thủ lĩnh dày dặn của đoàn thám hiểm trong Kỷ nguyên Anh hùng Khám phá Nam Cực gọi Nam Cực là "vùng đất đáng sợ"; Trong khi Robert Falcon Scott (1868-1912), người thứ hai trên thế giới đặt chân lên Nam Cực, từng thốt lên: "Đây là một nơi khủng khiếp."

100 năm sau các cuộc thám hiểm của họ, nơi này vẫn chẳng thay đổi. Khắc nghiệt và đáng sợ.

Đây là nơi duy nhất trên Trái Đất không bị COVID-19 xâm nhiễm: Virus đang bị thứ gì thách thức? - Ảnh 3.

Photo: RONAN DONOVAN / NAT GEO IMAGE COLLECTION

Dẫu vậy, việc đặt các trạm khoa học tại đây đóng một vai trò quan trọng với con người và Trái Đất. Xa rời những chiếc giường ấm áp, những tiện ích mà người thường vẫn có hàng ngày để làm việc tại nơi khắc nghiệt mới có thể mang đến cho các nhà nghiên cứu cơ hội thu thập dữ liệu và những thử nghiệm không giống nơi nào trên Trái Đất.

Các nhà khoa học làm việc tại Nam Cực thường thực hiện các sứ mệnh lớn như: 'Quét' các ngôi sao bằng kính thiên văn, tìm kiếm các hạt cơ bản và nghiên cứu một số loài động vật đáng chú ý nhất trên thế giới. Lục địa xa xôi cũng rất quan trọng để hiểu được những thay đổi trên toàn bộ hành tinh của chúng ta. Các nhà khoa học khí hậu nghiên cứu các bong bóng khí cổ đại bị mắc kẹt trong băng để tìm hiểu lịch sử Trái Đất, và họ đang theo dõi lớp băng tan và ấm lên ở Nam Đại Dương để dự báo tương lai có thể xảy ra của hành tinh.

Nếu như việc nghiên cứu khí hậu ở Nam Cực rất quan trọng đối với sức khỏe của hành tinh, thì sức khỏe của các nhà khoa học và nhân viên tại đây được đặt lên hàng đầu trong mùa đại dịch bùng nổ hiện nay.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ (kéo đến việc cắt giảm nhân sự làm việc tại đây) đã khiến cho các chương trình nghiên cứu khoa học Nam Cực ít nhiều bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, nếu nghiêm chỉnh tuân thủ các biện pháp y tế, đội ngũ các nhà khoa học tại đây có thể đảm bảo sức khỏe, tiếp tục thực hiện các nghiên cứu quy mô hành tinh và bảo vệ cho Nam Cực trở thành lục địa duy nhất trên hành tinh không bị Covid-19 xâm nhiễm.

Bài viết sử dụng nguồn: National Geographic, ESA

Theo Trang Ly

Từ khóa:  covid-19
Cùng chuyên mục
XEM