Đây là lý do vì sao ai cũng khó chịu khi nghe tiếng khóc của trẻ em

03/10/2016 19:18 PM | Sống

Có ai nghe tiếng trẻ em khóc mà không chú ý, "sót ruột"? Khoa học đã chứng minh rằng tất cả chúng ta đều giống nhau và tiếng khóc này rất khó từ chối.

Bạn đã bao giờ đi trên một chuyến bay và ngồi cạnh một đứa trẻ khóc nhè dai đến nỗi bạn tưởng như không thể chịu đựng được “thứ âm thanh này nữa” và thầm nghĩ “nhóc còn khóc đến bao giờ nữa đây?”. Hoặc là một người mẹ, người bà hay người bố, bạn không thể cưỡng lại dù chỉ một giây để chạy đến với đứa con bé bỏng khi nghe thấy tiếng chúng khóc.

Hầu hết chúng ta từng trải qua những tình huống như thế này trong cuộc sống nhưng hiếm khi tự hỏi: "Tại sao chúng ta lại khó lòng làm ngơ trước tiếng khóc con trẻ?".

Khóc là một hành vi “nguyên thủy”

Cần hiểu rằng, rất nhiều loài có thể tạo ra tiếng khóc, nhưng con người là giống loài duy nhất có thể làm rơi những giọt nước mắt với đầy cảm xúc từ tuyến lệ. Trẻ em sơ sinh cất tiếng khóc ngay khi lọt lòng nhưng chỉ trào nước mắt khi được hai đến ba tháng tuổi. Điều đó cho thấy rằng, những tiếng khóc đầu đời có nguồn gốc nguyên thủy, khác với những tiếng khóc đầy cảm xúc trong quá trình phát triển của một cá nhân sau này.

Hành vi khóc có tính nguyên thủy ấy được truyền từ đời này sang đời khác trên động vật có vú, giống loài mà cơ chế chi phối chủ yếu bắt nguồn từ thân não được tiến hóa từ thời cổ xưa – chuột, mèo mới sinh và cả trẻ sơ sinh đều có thể khóc ngay cả khi phần hộp sọ trước trán (thóp) chưa hoàn thiện.

Thực tế, tiếng khóc của trẻ con và nhiều loài động vật có vú sơ sinh rất giống nhau về cả cấu trúc âm thanh lẫn hoàn cảnh thúc đẩy tiếng khóc, ví dụ như: khi chúng đói, khi bị đau và khi phải ở một mình.

Chất hóa học nào được giải phóng khi chúng ta nghe tiếng khóc?

Cũng giống như bất kỳ một tiếng kêu nguyên sơ nào, hành vi khóc đã được tiến hóa để tác động và gửi gắm một thông điệp cụ thể nào đó tới người nghe.

Rất nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng tiếng kêu kích hoạt những vùng não của người trưởng thành, kích thích sự chú ý và đồng cảm, khiến họ có xu hướng mang đến cho đối tượng gây ra tiếng khóc sự an toàn, thức ăn hay sự thoải mái, yên ổn.

Trong giai đoạn đầu, hormone oxytocin- hay còn được biết đến với cái tên “ love hormone” (chất hóa học của Tình yêu)- được cho là yếu tố trung tâm của hóa học thần kinh của hành vi gây chú ý này. Nó cũng đươc cho là yếu tố “tạo nên” tình mẫu tử theo nhiều nghiên cứu khoa học. Khi nghe tiếng trẻ khóc, lượng oxytocin trong não bộ sẽ tăng lên và kích thích người mẹ đáp lại bằng hành vi ấu yếm, vuốt ve và che chở cho con mình. Những điều ít ỏi cho đến nay mà chúng ta biết về tình phụ tử cũng cho thấy vai trò tương tự của hormone oxytocin.

Trên thực tế, hormone oxytocin thậm chí còn có thể khuếch đại phản ứng của não, kích thích chúng ta tìm đến và đáp ứng lại tiếng khóc. Một khi tiếp cận được thiết lập thì ngay lập tức, não trẻ cũng sẽ giải phóng hormone oxytocin khiến hành vi khóc dịu lại hoặc trẻ hết khóc.

Ảnh hưởng của cao độ âm thanh

Cao độ âm thanh là một trong những nhân tố quan trọng thu hút sự chú ý và phản ứng lại của đối tượng nghe. Những loài động vật như hươu nai chỉ chạy đến những tiếng kêu có tần số nằm trong môt phạm vi tiếp cận cụ thể của chúng. Với phạm vi dải tần số rộng một cách đáng ngạc nhiên, hươu nai có thể phản ứng lại với tiếng kêu của hải cẩu sơ sinh, mèo sơ sinh, một em bé sơ sinh và thậm chí với cả dơi và sóc đất nếu tần số tiếng kêu đó nằm trong khu vực “bắt sóng” của chúng.

Các loài động vật có vú đều là hậu duệ của cùng một tổ tiên, do vậy, thanh quản của chúng (bộ phận tạo nên cao độ âm thanh) khá tương đồng với nhau cho đến lứa tuổi dậy thì, khi những áp lực môi trường lên từng loài cụ thế dẫn tới sự khác biệt lớn theo giới tính, giống loài và đặc tính âm thanh.

Rất nhiều tín hiệu cấp cứu (distress call) phát ra trước khi người mẹ có đủ thời gian để nhận dạng ra đó có chính là giọng nói của con mình hay không. Do đó, khi nghe một chuỗi các tín hiệu cấp cứu báo rằng “người thừa kế các chuỗi gien” của mình có thể đang bị đe dọa thì người me, gần như theo bản năng, sẽ phản ứng với bất kỳ tiếng kêu nào giống như âm thanh phát ra từ con ruột của mình. Chính yếu tố này cùng với sự khác nhau đáng kể về cao độ tiếng khóc giữa các thành viên trong cùng loài đã giúp tiếng khóc tạo ra một phạm vi ảnh hưởng rộng lớn đến vây.

Lý thuyết hỗn loạn

Chúng ta có thể phân biệt được tiếng những tiếng khóc hay tiếng kêu khác nhau nhưng lại “không giỏi” xác định được đông cơ cụ thể đằng sau những tiếng khóc mà không đi kèm với một tình huống cụ thể nào đó.

Những gì được biểu hiện rõ ràng nhất là mức độ khẩn cấp của tiếng khóc hay tiếng kêu. Nếu sự nguy cấp càng nghiêm trọng thì cao độ âm thanh càng lớn và khoảng cách ngắt quãng giữa các tiếng kêu càng giảm. Thêm vào đó, sẽ có càng nhiều năng lượng sóng âm thanh tập trung ở tần số cao hơn, hướng tới khu vực nhạy cảm nhất của thính giác người trưởng thành.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, khi trẻ em đang thực sự gặp nguy hiểm, tiếng khóc của chúng bắt đầu bị lạc khỏi chất lượng âm bình thường. Nó giống như trong một trạng thái hỗn loạn mà âm thanh phát ra mang một nguồn năng lưọng với tần số ngẫu nhiên và có tính chất hỗn tạp như tiếng ồn trắng (white noise) chẳng hạn.

Thanh âm này tách biệt khỏi những tín hiệu khác, thường là nhanh hơn và có tính định vị cao để dễ dàng “bắt sóng” với các tín hiệu của não, thúc đẩy não “đánh giá” mức độ nguy hiểm một cách nhanh chóng và chính xác hơn.

Dù đã có không ít những nghiên cứu được thực hiện, song con người vẫn luôn là đối tương nghiên cứu phức tạp nhất trong số các giống loài từng biết đến trên Trái đất. Việc giải thích cơ chế ảnh hưởng của tiếng khóc trẻ nhỏ mà các nhà khoa học đã giúp làm sáng tỏ có thể coi là một trong những thành công đáng trân trong. Tuy nhiên, để có thể lần lượt giải mã những bí ẩn về cơ thể và hành vi khác nữa của con người, chắc chắn chúng ta sẽ còn phải dành thêm rất nhiều, rất nhiều thời gian nữa.

Khánh An

Cùng chuyên mục
XEM