Đây là lý do lý giải vì sao ông lớn co-working lớn nhất thế giới WeWork lại tìm đến TPHCM?

09/11/2018 13:31 PM | Kinh doanh

WeWork, công ty được định giá hơn 20 tỷ USD, startup lớn thứ 3 tại Mỹ đã đến Singapore, Indonesia và bây giờ là Việt Nam. Đâu là lý do công ty này lựa chọn TPHCM là điểm đến, thậm chí trước cả đại đô thị như Bangkok?

Những con số ấn tượng về thị trường Coworking space tại Việt Nam

Theo báo cáo mới nhất về thị trường coworking space (chia sẻ không gian văn phòng) của JLL trong tháng 9 này, tại Đông Nam Á, không gian làm việc linh hoạt đã tăng 40% theo năm trong ba năm qua và chiếm 2% tỷ lệ văn phòng, so với mốc 0,5-1,0% năm 2015.

Tại Việt Nam, nổi lên từ năm 2014, nhiều công ty coworking space nhanh chóng rời thị trường "không kèn không trống". Giờ đây, thị trường này lại dậy sóng khi nhiều cái tên có tiềm lực tham gia.

Theo CBRE, cho đến tháng 4/2018, có tổng cộng 19 Không gian làm việc chung ở Hà Nội và 15 Không gian làm việc chung ở TP.HCM đến từ 23 đơn vị điều hành – trong đó có 2 đơn vị điều hành đến từ nước ngoài. Số lượng Không gian làm việc chung tăng lên 62% và ghi nhận tỷ lệ tăng trưởng trung bình 55% trong vòng 5 năm qua. Cho đến cuối năm 2018, Hà Nội và TP.HCM sẽ chiếm lần lượt 56% và 44% của tổng nguồn cung 45 không gian làm việc chung.

Các đơn vị điều hành trong nước như Toong, UP, Circo và Dreamplex đều đang mở rộng thị phần mạnh mẽ thể hiện qua việc các nhà vận hành này đang chia lẻ thị phần khi so sánh với năm 2017.

Tuy nhiên, khi thị trường đang phát triển cả về các cơ sở và đơn vị điều hành – các đơn vị nhỏ lẻ với chỉ duy nhất 1 cơ sở cũng đang phát triển nhanh chóng, dự kiến tăng lên từ 30% tổng thị phần của năm ngoái lên đến 42% vào cuối năm 2018; các đơn vị vận hành lớn chiếm trung bình khoảng 12% thị phần.

Đây là lý do lý giải vì sao ông lớn co-working lớn nhất thế giới WeWork lại tìm đến TPHCM? - Ảnh 1.

WeWork, công ty được định giá hơn 20 tỷ USD, lớn thứ 3 tại Mỹ, cũng đã ra mắt tại Việt Nam và có địa điểm đầu tiên tại tòa nhà E-Town ở quận 4, TP HCM.

Giám đốc Điều hành khu vực Đông Nam Á của WeWork, ông Turochas Fuad, trong cuộc họp báo mới đây cho biết: WeWork đã đến Singapore, Indonesia và bây giờ là Việt Nam. Sau TP HCM, WeWork sẽ đến Bangkok (Thái Lan), Manila (Philippines)…

Còn theo CEO của DreamPlex Nguyễn Trung Tín, hiện tỷ lệ diện tích (mét vuông sàn) của mô hình này đang chiếm dưới 1% toàn thị trường bất động sản nhưng dư địa thì hoàn toàn có thể tăng lên 10-15% tổng mét vuông sàn. Các quốc gia như Ấn Độ, tỷ lệ mét vuông sàn của mô hình này rất cao. Nhu cầu môi trường làm việc chia sẻ là có thật.

Bên cạnh đó, các công ty nhỏ không có ngân sách quá lớn để đầu tư cơ sở vật chất thì có thể chọn mô hình này vì họ có thể tăng giảm nhân sự. Nếu thuê văn phòng kiểu truyền thống, khi số lượng nhân viên tăng lên, thì có thể họ không còn chỗ. Cơ hội phát triển thị trường còn rất nhiều.

Quản lý nhân sự theo công nghệ, nguồn cung văn phòng không đủ là nguyên nhân thúc đẩy coworking space

“Nếu rà soát lại toàn bộ tòa nhà văn phòng khu vực trung tâm Hà Nội như quận Hoàn Kiếm, đặc biệt với phân khúc hạng A, các bạn sẽ thấy gần như không có tòa nhà nào còn nguyên sàn để cho thuê đối với khách thuê có nhu cầu diện tích lớn và cần bố trí trên một mặt sàn”, bà Đỗ Thu Hằng – Phó Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu của Savills Hà Nội, mới đây cho biết.

Theo thống kê của Savills, tổng nguồn cung văn phòng đạt khoảng 1.590.000 m², giảm 1,7% theo quý và giảm 2,8% theo năm sau khi ba dự án ngừng cho thuê và một dự án đóng cửa để cải tạo.

Giá thuê trung bình tăng 1,3% theo năm, trong khi đó công suất thuê đạt trung bình 93%, tăng 6,5 điểm % theo năm. Savills cũng cho biết thêm, có một xu hướng mà rất nhiều chủ đầu tư xem xét là phát triển mô hình văn phòng - khách sạn hay phát triển không gian làm việc chung.

Số lượng doanh nghiệp tăng trong khi nguồn cung văn phòng tương lại khá hạn chế. Đó là cơ hội để coworking space phát triển.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 9 tháng đầu năm 2017, cả nước có thêm gần 94.000 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là gần 903.000 tỷ đồng, tăng 15,4% về số doanh nghiệp và tăng 43,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016.

Trong khi số lượng doanh nghiệp tăng mạnh, nguồn cung văn phòng trong tương lai lại khá hạn chế. Đó chính là cơ hội cho coworking space phát triển mạnh tại thủ đô Hà Nội. TP HCM cũng có tình trạng tương tự.

Một câu chuyện khác, rất nhiều công ty hiện nay không còn quản lý theo cách cũ, là theo giờ hành chính, điểm danh bằng vân tay mà để nhân viên tự ra ngoài làm việc. Chỉ cần hiệu quả đảm bảo là được chấp thuận. Những nhân viên “tự do” này cũng là khách hàng của coworking.

Thế Trần

Cùng chuyên mục
XEM