Đây là lĩnh vực shark Phú lạc quan khuyên đầu tư trong khi shark Vương một mực 'can ngăn' giới start up nhảy vào

01/02/2018 14:45 PM | Kinh doanh

Thống kê của Hiệp hội công nghiệp phụ trợ, mới chỉ có 0,03% số doanh nghiệp Việt Nam làm trong ngành này.

Năm 2005, Canon đầu tư nhà máy in laser tại Việt Nam. Tiếp theo năm 2006, Intel mở đầu cho làn sóng đầu tư vào ngành điện tử, tin học với quy mô được tính bằng tỉ USD. Đến năm 2008 khi Samsung đầu tư nhà máy tại Bắc Ninh, ngành điện tử Việt Nam bắt đầu bước sang trang mới. Hiện nay cứ 4 điện thoại của hãng này bán ra toàn cầu thì có một cái gắn mác chế tạo tại Việt Nam. Những ông lớn FDI đến kéo theo nhu cầu lớn của ngành công nghiệp phụ trợ.

Shark Phú: Tư duy công nghiệp phụ trợ nhìn rộng ra, dài hơi, thì chắc chắn sẽ thành công

Thế nhưng theo thống kê của Hiệp hội công nghiệp phụ trợ, mới chỉ có 0,03% số doanh nghiệp Việt Nam làm trong ngành công nghiệp phụ trợ. Thậm chí ngay cả những doanh nghiệp trong nước như Trường Hải, Sunhouse lại rất thiếu đầu vào để sản xuất.

Một mặt khác bà Đỗ Thị Tú Oanh, Tổng thư ký Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội cho biết hiện đầu ra không đáp ứng được các chuẩn mực về chất lượng, giá thành của các doanh nghiệp công nghiệp chính yêu cầu. Chính vì vậy nhiều doanh nghiệp rất vất vả khi phải xây dựng hệ thống vệ tinh cho mình, quản lý hệ thống này. Một ví dụ cho điều này chính là tập đoàn Sunhouse của CEO Nguyễn Xuân Phú.

"Bản thân tôi đầu tư ít nhất 3 nhà máy phụ trợ và cho đến giờ phút này đều có lãi rất tốt. Cái mà tôi nghĩ chưa thành công là do quan điểm đầu tư và phương pháp tư duy", ông Phú chia sẻ trong một cuộc trò chuyện cùng giới khởi nghiệp cách đây không lâu.

Theo ông Phú, thông thường tư duy kinh doanh của phần lớn mọi người đều muốn mua 1 bán 2 luôn. Ông Phú cũng giải thích lý do phải đầu tư các nhà máy vệ tinh sản xuất phụ trợ bởi tư duy các nhà sản xuất phụ trợ muốn bán phải lãi 30%, giống như các sản xuất kinh doanh khác. Trong khi những doanh nghiệp khác phải làm chủ thương hiệu, phải có hệ thống phân phối còn ngành công nghiệp phụ trợ luôn có người làm cùng ,cũng như không phải lo đầu ra.

Shark Phú cho rằng tư duy ban đầu thậm chí phải chịu lỗ nhưng sau này nó bắt đầu ổn định, khấu hao xong thì sẽ có lãi rất nhanh, lấy ví dụ như các công ty vệ tinh cho doanh nghiệp nước ngoài xung quanh giai đoạn đầu không có lãi thậm chí lỗ nhưng sau này khi có lãi rồi họ chỉ nhận ở mức 3-5%.

"Công nghiệp phụ trợ là gì? Cộng rất nhiều sản phẩm phụ trợ vào để ra 1 sản phẩm chính thế nhưng mỗi cái yêu cầu lãi 5% thì đã khiến giá sản phẩm rất cao rồi. Chính vì vậy doanh nghiệp nước care từng xu từ bu lông, ốc vit, mỗi thứ cộng lại 3% thì sản phẩm chính lên rất cao. Thế nhưng tư duy của nhà đầu tư Việt Nam muốn đầu tư cái có lãi ngay, muốn 3 năm tôi phải khấu hao xong, 3 năm tôi phải hoàn được vốn thì không bao giờ làm được công nghiệp phụ trợ", ông Phú nhấn mạnh.

Mặt khác doanh nhân này cũng cho rằng nếu thay đổi cách tư duy ví dụ đầu tư đất, nhà xưởng, đất sau này lên giá, máy móc thiết bị. Hay như chính Sunhouse mua máy móc thiết bị cũ thôi cách đây 10 năm khi đầu tư nhà máy, nhưng giờ khi bán nhà máy đi lãi được gấp 3 lần. Theo đó một người chủ đầu tư công nghiệp phụ trợ phải tư duy, chứ không phải cộng một bài toán thông thường.

"Tôi làm ra 1 đồng, giá thành tôi cộng vào 1,1 đồng hoặc 1,2 đồng để tôi có lãi thì không bao giờ làm được công nghiệp phụ trợ. Tư duy công nghiệp phụ trợ phải nhìn rộng ra, dài hơi, thì chắc chắn sẽ thành công", ông Phú chia sẻ. Thêm vào đó ông Phú tin tưởng vào khả năng thành công của công nghiệp phụ trợ khi chúng ta có những lợi thế như nhân công giá rẻ, lợi thế về chi phí vận chuyển so với doanh nghiệp nước ngoài làm tương tự tại Việt Nam.

Đây là lĩnh vực shark Phú lạc quan khuyên đầu tư trong khi shark Vương một mực can ngăn giới start up nhảy vào - Ảnh 1.

Shark Vương lấy ngay chuyện của mình để ngăn cản

Trái ngược với shark Phú, Shark Vương lại không máy lạc quan về công nghiệp phụ trợ. Theo doanh nhân Trần Anh Vương, công nghiệp hỗ trợ là là người đi đằng sau, nấp bóng tất cả những ông lớn. "Các bạn có thể biết đến Toto trong lĩnh vực gốm sứ vệ sinh, Sony, Samsung, Canon nhưng không hề biết đằng sau là những doanh nghiệp phụ trợ. Đấy là một trong những thiệt thòi của người làm công nghiệp phụ trợ", ông Vương bắt đầu chia sẻ bằng nỗi thiệt thòi đầu tiên.

Ông Vương dẫn chứng ngay chính việc đầu tư công nghiệp hỗ trợ của mình. Shark Vương lấy dẫn chứng Việt Nam hội nhập từ năm 1997, đổi mới từ 1986 nhưng đến giờ doanh nghiệp Việt Nam chỉ cung cấp được 20% phụ kiện linh kiện cho những công ty tại Việt Nam. "Ví dụ Samsung xuất khẩu 22 tỷ đô thì nhập khẩu 21,5 tỷ đô, như vậy công nghiệp phụ trợ của Việt Nam cung cấp không đáng kể, chưa kể những doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ mà Samsung đem sang đây", ông Vương nói.

"Tôi đã nhảy vào công nghiệp phụ trợ từ năm 2008 và lúc đó mọi người còn không biết công nghiệp phụ trợ là gì. Khi 2008 bắt đầu, thì tôi đã nghĩ như anh Phú hôm nay công nghiệp phụ trợ còn nhiều dư địa, mới cung cấp được 20% nên tôi lao vào và đã đầu tư tất cả những gì mình có, những thành công trước mình có vào công nghiệp phụ trợ", ông Vương nhớ lại.

Thậm chí lắm lúc mọi người gọi đùa ông Vương là "Mr công nghiệp phụ trợ". Tuy nhiên đổi lại ngành này không đem lại nhiều thành công cho shark Vương. Thậm chí ông còn nói vui rằng "Những bầm dập, thất bại của tôi giờ là những tài sản giúp tôi hôm nay có mặt ở đây để phản đối lại quan điểm của anh Phú. Tài sản duy nhất của tôi đến giờ phút này là những thất bại còn tài sản của anh Phú là những thành công".

Tất nhiên CEO Sam Holdings cũng không hoàn toàn khuyên người trẻ không đầu tư vào công nghiệp phụ trợ mà đây là một trong những cách đầu tư nhiều rủi ro nhất trong thị trường hiện nay. Doanh nhân này cũng thẳng thắn hy vọng câu chuyện của chính mình có lẽ mang đến nhiều điều thú vị, cân nhắc cho các startup muốn đầu tư vào công nghiệp phụ trợ.

Thu Thúy

Cùng chuyên mục
XEM