Đây là cách mà người thông minh xử lý những đồng nghiệp chẳng ra gì

07/04/2017 16:08 PM | Sống

Hàng ngày, chúng ta gặp phải rất nhiều người có tính tình lẫn thái độ chẳng ra gì, thế nhưng một người thông minh sẽ biết tách biệt bản thân khỏi luồng suy nghĩ tiêu cực ấy mà vẫn không bị ảnh hưởng tới mọi thứ xung quanh.

Trong cuộc sống hằng ngày cũng như nơi công sở, hầu hết chúng ta từng gặp những người khó chịu mà cả thái độ lẫn hành động của họ có thể khiến tâm trạng của chúng ta trở nên u ám và căng thẳng cả ngày.

Có thể bạn chưa thực sự để ý, song những tác động tiêu cực đó có thể làm tổn thương và ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các nơ ron thần kinh trong não bộ. Không ít những căng thẳng vượt ra ngoài tầm kiểm soát và làm ảnh hưởng đến hiệu quả làm việc cũng như sự thành công trên con đường sự nghiệp của bạn.

Điều đáng buồn là bạn không thể “hô biến” tất cả những người khó chịu vẫn hằng ngày “thách thức thần kinh” của bạn. Tuy nhiên, nếu bạn đủ dũng cảm và quyết tâm thì những đúc kết từ nghiên cứu của tổ chức TalentSmart dưới đây có thể là ý tưởng tuyệt vời giúp bạn đối phó với những “kẻ phá đám”. Theo TalentSmart, những người thông minh thường đối phó với những người khó chịu bằng những chiến lược sau.

Họ đặt ra các giới hạn

Những người tiêu cực và hay than phiền luôn có xu hướng chỉ tập trung vào vấn đề và khó khăn thay vì đi tìm giải pháp. Họ muốn người khác cũng “tham dự vào bữa tiệc đau khổ” của mình để bản thân cảm thấy dễ chịu hơn. Tuy nhiên, chính những câu chuyện thương cảm của họ lại khiến người nghe vô tình bị hút vào cảm xúc tiêu cực lúc nào không hay.

Người thông minh sẽ không đẩy mình vào bãi lầy bằng cách đặt ra những giới hạn khi cần thiết. Ví dụ: nếu một người nào đó phì phèo điếu thuốc, liệu bạn có thể ngồi đó cả ngày để hít khói nhả ra từ họ không? Bạn tất nhiên sẽ nên ngồi tránh xa họ ra rồi! Vậy cách tốt nhất để đặt ra giới hạn chính là đặt câu hỏi rằng họ định sẽ giải quyết vấn đề của mình như thế nào? Họ sẽ hoặc thôi không than vãn nữa hoặc lái cuộc trò chuyện sang một hướng khác.

Họ đứng ngoài trò chơi “giận dữ” của những kẻ khó chịu

Người khó chịu có thể khiến bạn nổi cáu vì những hành vi vô lí của họ. Trong trường hợp ấy, bạn đừng phản ứng lại và tự biến mình thành một trong những nhân vật trong trò chơi của họ mà hãy cố gắng bình tĩnh và giữ vững cảm xúc của mình.

Họ nhận thức được cảm xúc của bản thân

Để duy trì một khoảng cách an toàn khỏi những luồng cảm xúc tiêu cực của người khác thì trước hết bạn phải nhận thức được cảm xúc của mình. Đơn giản là bởi chúng ta không thể ngăn người khác bấm nút cảm xúc của mình nếu không nhận thức được rằng khi nào điều đó xảy ra. Đôi lúc chúng ta bị đặt vào trong những tình huống mà bản thân khó lòng kiểm soát được những cảm xúc. Không sao cả! Hãy cho mình chút thời gian để làm quen và dần dần tự khắc chế chúng.

Nếu một đồng nghiệp thích khoe khoang và chọc tức bạn thì hãy cho anh ta một liều thuốc “mỉm cười và gật đầu” hoặc chuẩn bị một kế hoạch đối phó nếu không chắc mình có thể “uốn nắn” anh ta ngay lúc anh ta gây chiến.

Họ thiết lập những danh giới

Những người khó chịu thường muốn sống chung hoặc làm việc cùng ai đó bởi họ không biết tự mình kiểm soát những rắc rối. Một khi bạn tìm ra cách để vượt lên trên họ, bạn sẽ thấy rằng những hành vi của họ dễ đoán và dễ hiểu hơn rất nhiều, để từ đó quyết định khi nào nên hợp tác với họ.

Ví dụ, cộng tác cùng một người khó chịu trong một dự án không có nghĩa là bạn sẽ phải tương tác với họ giống hệt như với những thành viên khác trong đội. Hãy thiết lập danh giới một cách chủ động và có ý thức bởi nếu bạn cứ để cho mọi chuyện diễn ra tự nhiên, bạn sẽ phải đối mặt với những cuộc đối thoại căng thăng và khó tránh khỏi những xung đột với họ.

Họ không chịu thua nếu phải xung đột

Những người thông minh hiểu rằng cuộc sống không thể tránh khỏi những xung đột và họ sẽ không là người bại trận nếu phải “ chiến đấu” với những kẻ khó chịu. Trong một cuộc xung đột, cảm xúc nếu không được kiểm soát hợp lí sẽ biến thành mũi dao nhọn khiến bạn bị tổn thương nặng nề. Điều quan trọng là bạn phải biết đọc thấu và đáp ứng lại những xúc cảm của mình để quyết định nên “chiến trận nào” và vào thời điểm nào một cách không ngoan.

Họ không tập trung vào vấn đề mà đi tìm cách giải quyết

Bạn tập trung vào đâu thì đó sẽ là nơi quyết định trạng thái cảm xúc của bạn. Khi bạn triền miên ngâm ngợi về một vấn đề mà mình đang phải đối mặt, bạn sẽ vô tình tạo ra và kéo dài thêm những cảm xúc tiêu cực và căng thẳng. Còn khi tập trung vào hành động để cải thiện bản thân và tình huống, bạn sẽ tạo ra cảm giác tích cực và mức độ căng thẳng cũng sẽ theo đó mà giảm đi.

Khi phải đối mặt với những người khó chịu, nếu bạn cứ nghĩ không thôi đến sự khó chịu và xấu xa mà họ gây ra cho mình thì bạn đang để họ có cơ hội chi phối đến cảm xúc của bạn. Bởi vậy, thay vì cứ tức tưởi mà nghĩ rằng họ thật rắc rối thì bạn hãy tập trung tìm ra giải pháp để đối phó với họ.

Họ không quên

Những người có trí thông minh cảm xúc cao thường rất dễ tha thứ, nhưng điều đó không có nghĩa là họ quên. Tha thứ là bỏ qua những gì đã xảy ra để tiếp tục tiến bước. Nó không đồng nghĩa với việc bạn cho người khó chịu thêm cơ hội để mắc sai lầm thêm lần nữa. Người thông minh không muốn bị sa lầy bởi những lỗi lầm của người khác nên họ sẽ nhanh chóng bỏ qua nếu thấy cần thiết và bên cạnh đó, bảo vệ bản thân khỏi những tổn hại trong tương lai một cách đầy quyết đoán.

Tránh những cuộc độc thoại tiêu cực với chính mình

Đôi khi bạn “ hấp thụ” sự tiêu cực của người khác. Không có gì sai nếu bạn cảm thấy buồn bã khi bị đối xử tệ nhưng “độc thoại với chính mình” (self-talk) có thể hoặc khiến sự tiêu cực hoặc càng thêm trầm trọng hoặc giúp bạn vượt qua cảm xúc khó chịu.

Người thông minh hiểu rằng, những cuộc độc thoại tiêu cực là không thực tế, không cần thiết và nó có thể khiến tình trạng của họ ngày càng xấu đi. Do đó, cách tốt nhất là tránh và nếu những tiếng nói tiêu cực từ bên trong bắt đầu nhen nhóm thì hãy cố gắng phá tan chúng bằng mọi giá.

Họ ngủ đủ

Giấc ngủ có thể giúp tăng trí thông minh cảm xúc và khả năng quản lí căng thẳng của bạn. Thời gian ngủ là khoảng thời gian não được nạp lại năng lượng, vì vậy sau khi tỉnh giấc, bạn thường cảm thấy khoan khoái và tỉnh táo hơn.

Ngược lại, tình trạng thiếu ngủ sẽ làm tăng thêm mức hormone gây căng thẳng ngay cả khi bạn cảm thấy hiện tại mình không stress chút nào. Một giấc ngủ ngon và ngủ đủ giống như một liều thuốc giúp bạn suy nghĩ tích cực hơn, sáng tạo hơn và chủ động hơn trong cách tiếp cận và đối phó với những người khó chịu.

Họ tìm sự giúp đỡ khi cần thiết

Độc lập là một đức tính tốt song không phải lúc nào bạn cũng có thể tự giải quyết được tất cả những vấn đề của mình. Việc đối phó với những người khó chịu xung quanh cũng vậy, bạn có thể đang tiếp cận hay tương tác với họ một cách thiếu hợp lí mà bản thân không hề nhận ra.

Nếu cảm thấy bế tắc, bạn đừng ngần ngại hỏi và tìm sự trợ giúp từ những người xung quanh. Bởi nếu không giúp được bạn thì ít ra bạn cũng có thể giãi bày chút tâm sự và biết đâu họ lại cho bạn một ý tưởng nào đó cho tình huống của bạn.

Khánh An

Cùng chuyên mục
XEM