Dạy con mà luôn miệng "Con nó bé, sao mà làm được" thế này, dù cha mẹ thành đạt đến mấy thì con cái cũng chẳng giỏi nổi

17/01/2019 20:43 PM | Sống

Đừng vì những sai lầm không đáng có khi dạy con từ nhỏ mà ảnh hưởng tương lai của trẻ sau này.

Ngày càng nhiều trẻ em xung quanh chúng ta thiếu khả năng tự chăm sóc và phụ thuộc quá nhiều vào cha mẹ. Nếu đánh mất sự bảo vệ của cha mẹ, chúng trở nên bơ vơ và sợ hãi, không tự làm nổi việc gì. Hệ quả ấy không chỉ đến từ tính cách bẩm sinh của đứa trẻ, nó còn liên quan đến quá trình giáo dục của cha mẹ từ nhỏ. Dưới đây là những sai lầm điển hình của phụ huynh khi dạy con, gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến sự tăng trưởng của bé.

1. Cha mẹ một mình ôm lấy mọi việc mà không dạy con tự làm

Cha mẹ yêu thương con cái, không muốn để con phải làm những việc khó khăn và mệt mỏi. Đây là chuyện hiển nhiên, nhà nào cũng có tâm lý chung như vậy. Do đó, khi trẻ có vấn đề gì trong cuộc sống hay trong học tập, rất nhiều cha mẹ sẽ lập tức đứng ra và giúp trẻ giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, cách giúp đỡ này chỉ khiến đứa trẻ trở thành một người bất tài hơn trong tương lai. Đứa bé sẽ thiếu cơ hội rèn luyện từ khi còn nhỏ, thiếu những kỹ năng sống cơ bản là tự lập và gánh vác công việc của mình, thiếu khả năng xử lý mọi việc và không biết cách đối mặt với khó khăn. Chính những điều đó sẽ tạo ra ảnh hương xấu tới tương lai của trẻ.

Các bậc cha mẹ nên tạo điều kiện để con cái vận động não bộ của mình, đặc biệt nên khuyến khích trẻ tự làm việc và giải quyết những vấn đề nằm trong khả năng của mình. Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình. Đừng vì trẻ nhỏ mà lo trẻ không biết làm, chỉ cần phụ huynh biết cách dạy con mà thôi.

 Dạy con mà luôn miệng Con nó bé, sao mà làm được thế này, dù cha mẹ thành đạt đến mấy thì con cái cũng chẳng giỏi nổi  - Ảnh 1.

Dạy trẻ cách nhận biết đúng sai và đối mặt với khó khăn, thất bại từ khi còn nhỏ.

2. Con đòi gì cho nấy, muốn gì cũng chiều.

Ngày nay, vì ngày thường bận bịu với công việc mà xao nhãng việc chăm sóc con cái, nhiều bậc cha mẹ nảy sinh tâm lý bù đắp, bồi thường cho trẻ khi dành được thời gian rảnh ở bên chúng. Cũng có không ít phụ huynh mềm lòng khi nghe trẻ xin xỏ, hoặc bị trẻ vòi vĩnh quá nhiều nên quyết định chiều theo ý con. Chính vì vậy mỗi khi đứa trẻ yêu cầu điều gì, cha mẹ sẽ đáp ứng mong muốn của con.

Tuy nhiên, sau vài lần được đáp ứng như vậy, trẻ sẽ hình thành thói quen đòi hỏi và yêu cầu ngày càng nhiều. Đến khi cha mẹ không thể đáp ứng đòi hỏi của con, trẻ có thể sinh ra tâm lý dễ giận dỗi và bực tức. Ngoài ra, cách chiều chuộng tai hại này cũng có thể khiến trẻ phát triển tâm lý thích so sánh, sinh ra thói hư vinh, không có lợi cho sự phát triển tâm sinh lý khỏe mạnh sau này của con.

3. Bảo vệ con cái quá mức

Cha mẹ nào cũng có thói quen bảo vệ con cái quá mức từ khi còn nhỏ. Đa số trẻ em chưa bao giờ phải chịu đựng vất vả và thất bại trong giai đoạn khôn lớn của mình. Một khi chúng phải rời khỏi vòng tay bảo vệ của cha mẹ, chúng sẽ trở nên hoang mang và khó thích nghi.

Khi được bảo vệ quá mức, cha mẹ đã gián tiếp tước đoạt cơ hội phát triển những kỹ năng cơ bản nhất của trẻ ví dụ như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng quan sát, kỹ năng kết bạn và làm quen... Tính cách của trẻ sẽ trở nên yếu đuối, không giỏi hòa đồng với người khác, thậm chí là tự kỷ hoặc sợ giao tiếp với người lạ.

Thay vì một mực bảo vệ con cái, cha mẹ nên khuyến khích và tạo động lực nhiều hơn để con tự khám phá thế giới xung quanh mình, dạy con sự dũng cảm và độc lập, giáo dục nhận thức cũng như những kỹ năng giữ an toàn cho bản thân. Cha mẹ chỉ nên âm thầm dõi theo, bảo vệ con để chúng có thể lớn lên một cách dũng cảm trong môi trường an toàn.

 Dạy con mà luôn miệng Con nó bé, sao mà làm được thế này, dù cha mẹ thành đạt đến mấy thì con cái cũng chẳng giỏi nổi  - Ảnh 2.

Quá bảo vệ hay quá buông thả đều gây ra ảnh hưởng tâm lý không tốt khi dạy con.

4. Tâm lý kiểm soát con quá nhiều

Thực ra, cha mẹ kiểm soát hành vi và nếp sống của con cái là việc cần có và nên làm. Nhưng ở từng độ tuổi khác nhau, ví dụ khi con còn bé và khi con bước vào tuổi thanh thiếu niên, chúng ta nên thay đổi chiều hướng giáo dục cũng như kiểm soát cho thích hợp với lứa tuổi khác nhau.

Khi trẻ nghiêm túc muốn làm điều gì, cha mẹ không nên can thiệp quá mức và làm phiền khả năng phát huy sự sáng tạo của con. Nếu không, trẻ sẽ mất tập trung, ảnh hưởng lâu dài đến trí nhớ và sức khỏe tinh thần. Cha mẹ cần tạo cơ hội cung cấp cho con cái nhiều không gian và thời gian riêng để trẻ phát triển tư duy não bộ, điều này có ý nghĩa vô cùng tích cực đối với việc học tập và phát triển sau này.

Chúng ta để con cái tự ý chọn lựa không có nghĩa để trẻ tự do buông thả mà không có sự quan tâm và hướng dẫn gần gũi từ phía cha mẹ. Thay vì ngăn cấm, phụ huynh nên đặt ra những giới hạn cần thiết để các em không đi quá trớn.

Theo Phương Thúy

Cùng chuyên mục
XEM