Dầu thô chỉ bán được 36 USD/thùng: Trung ương căng thẳng, địa phương tươi cười

26/03/2016 09:04 AM | Kinh tế vĩ mô

Giá dầu thô bán ra thị trường đã giảm tới 24 USD/thùng so với dự toán trình Quốc hội và chỉ bán được ở mức trung bình là 32 USD/thùng đã tác động mạnh tới ngân sách.

Thông tin trên được đưa ra tại họp báo về công tác triển khai thực hiện nhiệm vụ thu Ngân sách Nhà nước quý I/2016 và hướng dẫn quyết toán thuế thuế TNDN, TNCN của Tổng cục Thuế.

Ông Nguyễn Đại Chí – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, trong bối cảnh giá dầu giảm , dự toán thu ngân sách, thu nội địa mà ngành thuế quản lý là 809.500 tỷ đồng. Trong đó, thu từ dầu thô là 54.500 tỷ đồng, trên cơ sở giá dầu thô là 60 USD/thùng, thu nội địa là 755.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn đang diễn ra hết sức nặng nề, nên chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế và nguồn thu ngân sách. Trong bối cảnh đó, Tổng cục Thuế cho biết đã giao chỉ tiêu thu nội địa 2016 cho các địa phương 820.120 tỷ đồng, tăng 11% thực hiện 2015 là khoảng 65.000 tỷ đồng.

Theo ông Vũ Hùng Long – Vụ trưởng Vụ dự toán Thuế, cho biết trong hai tháng đầu năm, tổng thu ngân sách do cơ quan thuế quản lý đạt 145.750 tỷ đồng, đạt 17,4% dự toán và tăng 6,1% so cùng kỳ.

Trong đó, thu dầu thô đạt 5.770 tỷ đồng, bằng 10,6% dự toán và chỉ bằng 43,1% so với cùng kỳ năm 2015. Theo ông Long, do cơ sở giá dầu thanh toán bình quân 2 tháng đầu năm đạt khoảng 36 USD/thùng, giảm tới 24 USD/thùng so với giá tính dự toán đã khiến cho thu dầu thô giảm.

Mức giảm này theo tính toán của Bộ Tài chính, mỗi 1 USD giá dầu giảm đã khiến cho ngân sách bị giảm thu khoảng 1500 tỷ đồng. Vì vậy, nếu giá dầu giảm xuống còn 30 USD/thùng thì ngân sách sẽ bị hụt thu 45.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ông Chí cũng thông tin thêm: “Số DN ngừng, nghỉ kinh doanh nay quay trở lại hoạt động tăng 69,5% so với cùng kỳ năm trước, đã tác động tích cực đến tình hình kê khai, nộp thuế của các doanh nghiệp, cá nhân, góp phần tăng thu NSNN trong 2 tháng đầu năm 2016”.

Bên cạnh đó, bù lại thu nội địa đạt xấp xỉ 140.000 tỉ đồng, bằng 17,8% dự toán tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2015. Hầu hết, các khoản thu quan trọng tiến độ thu đạt khá và cao hơn cùng kỳ năm trước (thu từ khu vực doanh nghiệp FDI tăng 13,8%; thuế thu nhập cá nhân tăng 12,6%...).

Ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Bộ Tài chính) cũng cho biết sản lượng dầu thô khai thác được một phần bán đi, một phần được đưa về Dung Quất. Ngành dầu khí có liên quan đến rất nhiều ngành khác, nên nếu đóng mỏ có thể sẽ còn "chết hơn". Do đó, nhà đầu tư sẽ phải tính toán thời điểm khai thác cho phù hợp.

"Nhiều khi giá bán dưới giá thành thì cũng phải giữ, do phải tính toán chi phí khôi phục mỏ sau này. Tính toán lỗ trong vận hành để đỡ đi lỗ trong tương lai" - ông còn so sánh: "Khi giá dầu xuống thì rất buồn, cũng giống như bà con Tây Nguyên khi giá cà phê xuống thì buồn lắm".

Việc giá dầu thô giảm tác động đến ngân sách cũng khiến các nhà điều hành phải "đau đầu" với bài toán cân đối thu chi. Trong năm qua, giá dầu thô giảm nhưng ngân sách vẫn đạt là do thu nội địa tăng, một phần là nhờ được hưởng lợi từ giá dầu, chi phí rẻ hơn, tích luỹ nội bộ nền kinh tế tăng.

Thế nhưng, so sánh việc quản lý ngân sách giống như chi tiêu trong gia đình, ông Phụng ví von rằng ngân sách trung ương như tiền trong túi của cha mẹ, ngân sách địa phương như tiền trong túi con cái. Nên theo lẽ thường, tiền của túi bố có thể sang túi con, chứ khó mà chạy ngược từ túi con sang túi bố.

“Vì vậy, khi giá dầu thô xuống trung ương căng thẳng về nguồn thu, còn địa phương thì tươi cười”- ông Phụng nói.

Theo đánh giá của lãnh đạo Tổng cục Thuế, do tình hình kinh tế những tháng cuối năm 2015 có mức tăng trưởng khá đã tạo tiền đề thúc đẩy tăng thu ngân sách nhà nước quý I. Tuy nhiên, giá dầu thế giới tiếp tục giảm sâu và tình hình thời tiết diễn biến xấu, rét hại rét đậm ở các tỉnh phía Bắc, hạn hán ở miền Trung, Tây Nguyên và xâm ngập mặn đã ảnh hưởng đến kết quả thu ngân sách ở một số địa phương.

Theo An Ngọc

Cùng chuyên mục
XEM