Dấu hiệu khó khăn của kinh tế Trung Quốc lộ ra từ những dòng sông cạn

30/08/2022 11:11 AM | Xã hội

Mức nước sông Dương Tử xuống thấp ảnh hưởng đến việc phát điện tại nhiều nhà máy thủy điện quan trọng, gây ra tình trạng hỗn loạn do thiếu điện tại nhiều khu vực trên khắp Trung Quốc.

Wan Jinjun, một cán bộ về hưu 62 tuổi đang sinh sống tại thành phố Vũ Hán, gần như ngày nào cũng đi bơi trên dòng Dương Tử trong suốt hàng chục năm qua. Ông chưa bao giờ thấy tình trạng hạn hán nghiêm trọng như hiện tại.

Một mùa hè khắc nghiệt kéo giảm mực nước của sông Dương Tử, dòng sông dài nhất châu Á. Con sông này trải dài 6.300 km trên lãnh thổ Trung Quốc, cung cấp nước cho hoạt động nuôi trồng và nhiều đập thủy điện lớn, trong đó có đập Tam Hiệp, nhà máy thủy điện lớn nhất thế giới. Chỉ một năm trước, mực nước sông dâng cao gần bằng bờ sông nơi ông Wan bơi mỗi buổi chiều. Nhưng hiện tại, mực nước rút xuống ngưỡng thấp nhất từng được ghi nhận từ năm 1865, để lộ ra những bãi cát lớn, những tảng đá trơ trọi giữa lòng sông.

“Mực nước vẫn tiếp tục hạ” Wan nói. Ông phải bước hơn 100 bước mới có thể đầm mình vào dòng nước nhằm giải tỏa cái nóng lên tới hơn 40 độ C.

Dấu hiệu khó khăn của kinh tế Trung Quốc lộ ra từ những dòng sông cạn - Ảnh 1.

Mực nước sông Dương Tử qua thành phố Vũ Hán giảm thấp, để lộ ra bờ cát dài ven sông. Ảnh: Bloomberg.

Mức nước sông Dương Tử xuống thấp ảnh hưởng đến việc phát điện tại nhiều nhà máy thủy điện quan trọng, gây ra tình trạng hỗn loạn do thiếu điện trên nhiều khu vực trên khắp Trung Quốc. Các thành phố lớn gồm Thượng Hải đã áp dụng nhiều quy định tiết kiệm điện như hạn chế sử dụng đèn chiếu sáng, thang cuốn và cắt giảm điều hòa nhiệt độ. Tesla đã cảnh báo về sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng tới nhà máy tại Thượng Hải. Một số công ty khác như Toyota Motor và Contemporary Amperex Technology, công ty sản xuất pin xe điện hàng đầu thế giới, cũng đã đóng cửa nhà máy.

Khi hiện tượng biến đổi khí hậu có khả năng gây ra nhiều hơn các đợt nắng nóng và hạn hán, tình trạng thiếu điện gần đây đặt ra một vấn đề dài hạn đối với Trung Quốc do sự phụ thuộc lớn vào thủy điện. Đây là nguồn năng lượng sạch lớn nhất của quốc gia này, chiếm khoảng 18% sản lượng điện trong năm 2020, theo Bloomberg New Energy Finance (Bloomberg NEF).

Mặc dù cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay kém nghiêm trọng hơn nhiều so với năm 2021, nhưng nó làm gia tăng thách thức cho các nhà chức trách, vốn đang gặp khó trong công tác phục hồi kinh tế trong bối cảnh chịu ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19 và đà suy yếu của thị trường nhà đất. Quãng thời gian vài tháng tới được dự báo không hề dễ dàng. Đây cũng là vấn đề đau đầu đối với các quan chức hàng đầu của Trung Quốc, bao gồm cả Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường, những người trước đó cam kết không để tình trạng thiếu điện lặp lại.

Dấu hiệu khó khăn của kinh tế Trung Quốc lộ ra từ những dòng sông cạn - Ảnh 2.

Thủy điện là nguồn cung cấp điện năng quan trọng tại Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg.

Tỉnh Tứ Xuyên, phía Tây Nam của Trung Quốc, là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do phụ thuộc nhiều vào thủy điện. Trong khi sản lượng điện từ các đập thủy điện tại đây giảm một nửa, đợt nắng nóng gay gắt lại khiến nhu cầu sử dụng điện tăng lên khoảng 25%. Điều đó làm gia tăng áp lực cho mạng lưới truyền tải, phục vụ số khách hàng tương đương dân số nước Đức và đảm bảo hoạt động ổn định cho các trung tâm công nghiệp, nơi đặt nhà máy của một số nhà cung cấp cho Tesla.

Trung Quốc sở hữu số lượng pin năng lượng mặt trời và tuabin gió lớn nhất thế giới. Họ cũng đang tích cực đầu tư vào năng lượng tái tạo với nỗ lực giảm phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu. Các công ty Trung Quốc đã đầu tư 98 tỷ USD vào năng lượng sạch trong nửa đầu năm 2022, cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

Tình trạng thiếu điện ở tỉnh Tứ Xuyên cho thấy thủy điện, thường được xem là nguồn năng lượng tái tạo ổn định nhất, vẫn không đảm bảo sự tin cậy bằng điện than, theo Hanyang Wei, Chuyên gia phân tích của BloombergNEF. Điều đó làm dấy lên hoài nghi về việc Trung quốc có thể thoát khỏi sự phụ thuộc vào nguyên liệu hóa thạch một cách suôn sẻ hay không, vì năng lượng gió và mặt trời thậm chí còn thiếu ổn định hơn, Wei nhận định.

Sau cuộc khủng hoảng năng lượng năm 2021, khiến nhiều nhà máy trên khắp cả nước phải hạn chế sử dụng điện, Trung Quốc bắt đầu lên kế hoạch sản xuất điện than nhiều hơn. Dưới áp lực nặng nề của chính phủ, các mỏ than đã tăng sản lượng lên 11% trong năm nay.

Li Shou, Chuyên gia phân tích của Tổ chức Hòa bình xanh Đông Á, cho biết, tình hình ở Tứ Xuyên gợi nhớ đến tình trạng thiếu điện tại tỉnh Hồ Nam hồi cuối năm 2020, khi thời tiết lạnh giá nghiêm trọng đã làm giảm năng lượng gió và gia tăng nhu cầu điện để sưởi ấm. Chính phủ đã khắc phục bằng một loạt các phê duyệt nhà máy điện than ở tỉnh này, tổ chức Hòa Bình Xanh cho biết trong một báo cáo công bố tháng 7/2022.

“Tôi hy vọng bài học mà chính phủ rút ra từ trường hợp của tỉnh Hồ Nam không phải là việc xây dựng nhiều nhà máy điện than hơn, nhưng tôi e ngại rằng họ đang làm điều ngược lại’, Li chia sẻ.

Kho dự trữ than dồi dào đã giúp cuộc khủng hoảng điện không lan sang các khu vực khác của Trung Quốc, nhưng không giúp ích được nhiều cho Tứ Xuyên, nơi mà thủy điện chiếm hơn 3/4 công suất.

Toyota và CATL đã đóng cửa các nhà máy tại Tứ Xuyên trong nhiều ngày. Nhà sản xuất polysilicon hàng đầu Tongwei Co. cho biết nhà máy của họ cũng bị ảnh hưởng, kéo giảm nguồn cung các nguyên liệu sản xuất các tấm pin mặt trời.

Dấu hiệu khó khăn của kinh tế Trung Quốc lộ ra từ những dòng sông cạn - Ảnh 3.

Người dân phải đi bộ trên những chiếc thang cuốn tự động tại một trung tâm thương mại ở Vũ Hán. Ảnh: Bloomberg.

Một số tác động cũng được nhận thấy ở các vùng khác ngoài tỉnh Tứ Xuyên. Bến Thượng Hải đã dừng hoạt động chiếu sáng ngoài trời, và Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc, cũng đã tạm dừng các buổi trình diễn ánh sáng trên sông Dương Tử.

Tình trạng hiện tại dự kiến sẽ bớt khó khăn hơn năm ngoái vì các quy định tiết kiệm điện nghiêm ngặt nhất chủ yếu được giới hạn tại tỉnh Tứ Xuyên, nơi chiếm 5% GDP của cả nước. Tuy nhiên, điều này vẫn có thể gây rủi ro cho nền kinh tế trị giá 18.000 tỷ USD của Trung Quốc. Các nhà kinh tế học đã hạ triển vọng tăng trưởng của quốc gia này xuống dưới 4% trong năm nay, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 5,5% của chính phủ.

Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất đối phó với nắng nóng khắc nghiệt trong mùa hè này. Nhiệt độ cao ở châu Âu đã góp phần gây ra tình trạng khô hạn trên sông Rhine, với mực nước tại dòng chảy chính giảm còn khoảng 30cm, ảnh hưởng đến khả năng di chuyển của tàu bè. Hạn hán tại Ấn Độ cũng khiến diện tích trồng lúa thu hẹp tới 13% trong năm nay, đe dọa nguồn cung lương thực toàn cầu.

Tại Vũ Hán, thành phố nơi virus Corona xuất hiện lần đầu vào cuối năm 2019, nhiệt độ thường xuyên đạt mức 40 độ C trong mùa hè này. Thời gian gần đây, Luo Yi, một công nhân 26 tuổi vận hành bến phà dọc sông Dương Tử, cố gắng ở trong bóng dâm càng lâu càng tốt. Đầu năm nay, công ty của anh đã chuyển bến phà nổi vào gần bờ hơn để có thêm không gian cho việc di chuyển của tàu bè trên sống, vốn bị thu hẹp tương đối bởi hạn hán.

“Đây là mùa hè nóng nhất trong trí nhớ của tôi”, anh chia sẻ.

Tại Heartland 66, một trong những trung tâm mua sắm sang trọng hàng đầu ở Vũ Hán, nơi nhiều thương hiệu nổi tiếng  như Gucci, Prada và Tiffany & Co. đặt cửa hàng, quy định giảm tiêu thụ điện đồng nghĩa với việc người mua sắm phải đi bộ trên những chiếc thang cuốn ngừng hoạt động. Điều hòa nhiệt độ hoạt động cầm chừng khiến khu vực ẩm thực trên các tầng cao nhất trở nên ngột ngạt.

Gần khu vực bãi tắm Hán Khẩu trên sông Dương Tử ở Vũ Hán, cái nóng không thể ngăn ông Wan và nhiều người khác ra ngoài đi bơi. Jiang Guangming, 65 tuổi, người làm công việc chèo thuyền trên dòng sông này từ khi là một thiếu niên, đầm mình trong nước để tránh ánh nắng chiếu như thiêu như đốt

“Những năm trước, mực nước cao ngang mặt đường ở hai bên bờ sông,” ông nói một cách buồn bã. “Năm nay, cát dưới lòng sông đã lộ ra.”

Theo Nguyên Mai

Cùng chuyên mục
XEM