Đau đầu với hơn 2 triệu tấn rác thải nhựa, Việt Nam học hỏi được gì từ chương trình "lấy mỡ nó rán nó" của Singapore: Mỗi năm giảm 46.000 tấn rác thải, tiết kiệm 130 triệu USD?

29/11/2019 07:03 AM | Kinh doanh

"Cách đây 12 năm, Singapore đã có một thỏa thuận về hoạt động đóng gói với tên gọi Singapore Packaging Agreement để các bên chung tay vào giảm thiểu rác thải từ bao bì đóng gói", đại diện Hiệp hội Lương thực Thực phẩm Châu Á hiến kế cho các doanh nghiệp F&B Việt Nam.

Nhựa - một phần tất yếu của cuộc sống

"Ngay khi bước vào siêu thị, chúng ta thấy nhựa ở xung quanh ta. Nhựa hiện diện như một phần tất yếu của cuộc sống", TS. Phạm Hoàng Hải - chuyên gia độc lập, đến từ Phòng Thương Mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - chia sẻ. Phát biểu mở màn cho phiên thảo luận "Ngành công nghiệp Thực phẩm và Đồ uống và hành động vì môi trường bền vững", ông Hải xin dành toàn bộ thời lượng 5ph trình bày của mình để nói về nhựa và rác thải nhựa.

Phiên thảo luận nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Thực phẩm & Đồ uống Việt Nam 2019 do Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham Việt Nam) phối hợp cùng VCCI, Viện Nghiên Cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), Hiệp hội sữa Việt Nam (VDA) và Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) tổ chức.

Việt Nam tạo ra 6% lượng nhựa trên đại dương và bị xếp hạng 4 trên toàn cầu về lượng mảnh vỡ nhựa trên biển

Với 24 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển bền vững, TS. Hải cho biết, tính từ năm 1947 - khi con người phát kiến ra hai sản phẩm nhựa là PET và PVC từ dầu mỏ, sản lượng nhựa đến nay là 8,3 tỷ tấn. Và con người đã thải ra 6,3 tỷ tấn rác thải nhựa tính trên bình diện toàn thế giới, trong đó, một nửa lượng sản phẩm nhựa làm ra với mục đích sử dụng 1 lần.

"Khi dân số Việt Nam tiếp tục tăng cùng với sự gia tăng về thu nhập, tiêu dùng thì rác thải cũng ngày càng nhiều. Vì thế các vấn đề về tính bền vững và các tiêu chuẩn quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải vô cùng quan trọng", bà Mary Tarnowka, Giám đốc Điều hành Amcham Việt Nam phát biểu.

Rác thải từ bao bì nhựa của thực phẩm và đồ uống đang là thách thức đối với môi trường. Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đo lường chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, có nghiên cứu cho thấy ở thời điểm năm 2017, lượng rác thải nhựa của Việt Nam trong năm lên tới 2,25 triệu tấn.

Ban tổ chức dẫn một nghiên cứu cho biết, ước tính Việt Nam tạo ra 6% lượng nhựa trên đại dương và bị xếp hạng 4 trên toàn cầu về lượng mảnh vỡ nhựa trên biển. Dựa trên các yếu tố về phát triển xã hội hiện tại, tổng khối lượng chất thải rắn đô thị có thể tăng hơn 40% vào năm 2030.

Chương trình rất tâm đắc của Chính phủ Singapore: "Lấy mỡ nó rán nó", mỗi năm giảm thiểu 46.000 tấn rác thải, tiết kiệm 130 triệu USD

Đau đầu với hơn 2 triệu tấn rác thải nhựa, Việt Nam học hỏi được gì từ chương trình lấy mỡ nó rán nó của Singapore: Mỗi năm giảm 46.000 tấn rác thải, tiết kiệm 130 triệu USD? - Ảnh 2.

Các diễn giả tại phiên thảo luận. Ảnh: Linh Chi.

Trong nhiều thập kỷ, bao bì thực phẩm và đồ uống là một phần quan trọng trong cuộc sống hiện đại, và việc quản lý hiệu quả bao bì chất thải nhựa sau tiêu dùng để không tạo gánh nặng lên môi trường chính là một vấn đề phức tạp đòi hỏi một cách tiếp cận toàn diện và cam kết từ tất cả các bên liên quan trong khu vực công và tư ở các khía cạnh từ xây dựng khung chính sách, áp dụng mô hình kinh doanh bền vững, đổi mới công nghệ tiên tiến, thúc đẩy hợp tác công tư.

Ông Adwin Seah - Hiệp hội Lương thực Thực phẩm Châu Á (FIA) - cho biết Singapore, quốc gia của ông, cách đây 30 - 40 năm cũng trải nghiệm những điều tương tự như ở Việt Nam.

"Cách đây 12 năm, Singapore đã có một thỏa thuận về hoạt động đóng gói với tên gọi Singapore Packaging Agreement để các bên chung tay vào giảm thiểu rác thải từ bao bì đóng gói", ông Adwin cho biết.

Để công tác sản xuất được bền vững hơn, Singapore xây dựng các chuẩn mực về bao bì, chẳng hạn quy định cụ thể các tiêu chuẩn trong bao bì đồ uống. Song song với đó, phía Singapore cũng tạo ra những logo mang nhãn "sinh thái" để dán vào những bao bì sản phẩm, để người dân nhìn vào và nhận ra tầm quan trọng trong việc bảo vệ môi trường khi sử dụng và bao bì, qua đó nâng cao nhận thức của họ.

"Chúng tôi bắt đầu bằng 2 mục tiêu: Giảm thiểu mỗi năm 10.000 tấn rác thải, Quy tụ ngày càng nhiều hơn các doanh nghiệp tham gia vào chương trình này".

"Năm nay chúng tôi đã đạt một nửa mục tiêu. 230 công ty đã tham gia chương trình, và giảm mỗi năm khoảng 46.000 tấn rác thải, qua đó tiết kiệm được 130 triệu USD. Số tiền đó chúng tôi có thể sử dụng để trao thưởng những doanh nghiệp thực hiện tốt, chi cho các hoạt động nâng cao nhận thức người dân… kiểu "lấy mỡ nó rán nó". Chính phủ rất tâm đắc với chương trình thế này", đại diện FIA cho biết.

Chương trình này được thực hiện với sự bắt tay của 3 bên: Chính phủ, các tổ chức phi chính phủ và doanh nghiệp trong ngành.

"Việt Nam cũng như các quốc gia đi sau có thể rút kinh nghiệm từ những vấp váp của các quốc gia đi trước để làm tốt hơn việc bảo vệ môi trường, tăng cường sức khỏe cộng đồng", ông Adwin nói thêm.

Đau đầu với hơn 2 triệu tấn rác thải nhựa, Việt Nam học hỏi được gì từ chương trình lấy mỡ nó rán nó của Singapore: Mỗi năm giảm 46.000 tấn rác thải, tiết kiệm 130 triệu USD? - Ảnh 3.

Chia sẻ về các sáng kiến/cải tiến từ các doanh nghiệp Việt Nam, đại diện cho Liên minh PRO, CEO La Vie Việt Nam Fausto Tazzi cho biết vấn đề xử lý rác thải không phải cứ qua đêm là giải quyết được, mà phải cần nhiều năm, cần sự chung tay của xã hội, thậm chí của từng gia đình, làm sao để thay đổi hành vi, thái độ của từng người dân, như vậy chúng ta mới có thể có xã hội sạch hơn với năng lực tái chế cao hơn.

Liên minh PRO là liên minh tái chế bao bì được thành lập tại Việt Nam từ tháng 6/2019, với sự bắt tay của 9 ông lớn trong ngành hàng tiêu dùng và bao bì gồm Coca-Cola Việt Nam, FrieslandCampina, La Vie, Nestlé Việt Nam, NutiFood, Suntory PepsiCo Việt Nam, Tetra Pak Việt Nam, TH Group và URC Việt Nam.

CEO La Vie cho biết, theo lộ trình liên minh PRO đặt ra, sau khi trải qua giai đoạn Nâng cao nhận thức, liên minh sẽ tiến tới giai đoạn Phân loại rác, tức khi một hộ gia đình sử dụng và phân loại rác thải như thế, họ cần biết phải ném rác này đi đâu, túi rác này cần được gửi đến chỗ nào, đâu là vật liệu hợp lý để tái chế.

Giai đoạn 3 là Tái chế.

"Chúng tôi đã nói chuyện nhiều với các nhà tái chế tiềm năng. Họ đều nói "Chúng tôi là các doanh nghiệp, có nhà máy, và nếu Việt Nam có thể đảm bảo thường xuyên cung cấp cho chúng tôi lượng rác thải ổn định, như bao bì chẳng hạn, chúng ta có thể ký hợp đồng và sau đó xử lý một cách hiệu quả"".

"Họ đã có quan hệ với Trung Quốc, Indonesia và các quốc gia khác, và sẽ sớm thôi họ sẽ đến Việt Nam. Và chúng ta cũng kỳ vọng nhìn ra hiệu quả của dự án này. Tất nhiên mọi việc đều cần thời gian, nhưng chúng tôi luôn có sự tin tưởng rằng: Một khi chúng ta đã xây dựng chương trình đối tác hiệu quả, những chương trình như PRO thì chúng ta có thể xử lý một cách hiệu quả vấn đề này", CEO La Vie cho biết.

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM