"Đau đầu" vì nhiều tiền: Chân dung những doanh nghiệp đang nắm giữ lượng tiền mặt lên tới cả chục nghìn tỷ

08/02/2019 09:56 AM | Kinh doanh

Với những doanh nghiệp lớn đang niêm yết, việc có trong tay lượng tiền mặt trị giá hàng trăm tỷ, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng là điều hết sức bình thường. Những doanh nghiệp có quy mô tầm quốc gia như PV GAS, ACV, Vinamilk, Vingroup … thì lượng tiền mặt còn lên tới cả chục nghìn tỷ đồng.

Nhằm phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp đều ít nhiều nắm giữ một lượng tiền mặt nhất định. Việc nắm giữ bao nhiêu tiền mặt còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như đặc thù ngành nghề kinh doanh, nhu cầu đầu tư…. Tất nhiên cũng có không ít trường hợp có quá nhiều tiền mặt mà không biết sử dụng sao cho hiệu quả nhất.

Dữ liệu của chúng tôi cho thấy, tính đến 31/12/2018, có trên 50 doanh nghiệp trên sàn nắm giữ lượng tiền mặt trị giá trên 1.000 tỷ đồng. Số liệu tiền mặt ở đây bao gồm cả tiền mặt tại quỹ, tiền gửi không kỳ hạn và tiền gửi có kỳ hạn dưới 1 năm (được phân loại là đầu tư tài chính ngắn hạn). Thống kê này không tính đến các định chế tài chính như ngân hàng, bảo hiểm và công ty chứng khoán.

9 doanh nghiệp nắm giữ nhiều tiền mặt nhất đang có trong tay lượng tiền mặt trên dưới 10.000 tỷ, gồm có PV GAS, Petrolimex, Tổng Công ty Cảng hàng không (ACV), Hòa Phát, Vinamilk, Sabeco, Vingroup, Novaland và Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp - VEAM. Đây đều là những doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế từ hàng không, năng lượng, hàng tiêu dùng, bất động sản đến sắt thép hay ô tô.

 Đau đầu vì nhiều tiền: Chân dung những doanh nghiệp đang nắm giữ lượng tiền mặt lên tới cả chục nghìn tỷ  - Ảnh 1.

Vị trí quán quân tiền mặt từ lâu vẫn thuộc về Tổng Công ty khí Việt Nam – PV GAS, đạt hơn 28.300 tỷ đồng - tăng 2.300 tỷ so với năm trước. Lâu nay PV GAS vẫn luôn là 1 trong 3 doanh nghiệp có lợi nhuận lớn nhất trên sàn chứng khoán.

Do tính chất trọng yếu của ngành dầu khí, nhiều công ty thành viên khác của Tập đoàn Dầu khí PVN cũng đều nắm giữ lượng tiền mặt rất lớn như PTSC (PVS): 8.000 tỷ; PV Oil 7.400 tỷ; BSR 5.800 tỷ... Doanh nghiệp lớn nhất ngành xăng dầu Petrolimex cũng có trong tay gần 15.000 tỷ đồng tiền mặt.

Cùng với PV GAS thì Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) và Vinamilk (VNM) là những doanh nghiệp có lượng tiền mặt tăng trưởng khá ổn định theo thời gian – trong khi những doanh nghiệp khác trong top thường có những biến động tăng/giảm khá đột ngột.

Do đặc thù hoạt động kinh doanh, nhìn chung đa phần những doanh nghiệp có nhiều tiền mặt cũng đang đi vay khá nhiều. Dù có trên 20.000 tỷ đồng tiền mặt nhưng PV Gas cũng đang vay 5.000 tỷ còn ACV vay hơn 15.000 tỷ đồng.

Trong Top15, chỉ có Sabeco cùng VEAM và PTSC là có nợ vay dưới 1.000 tỷ đồng. Lượng tiền mặt khổng lồ của VEAM chủ yếu đến từ việc nhận cổ tức từ các liên doanh Honda, Toyota và Ford Việt Nam.

 Đau đầu vì nhiều tiền: Chân dung những doanh nghiệp đang nắm giữ lượng tiền mặt lên tới cả chục nghìn tỷ  - Ảnh 2.

Từng có nhiều năm liền đứng trong tốp đầu nhưng lượng tiền mặt của Masan Group tại thời điểm cuối năm 2018 sụt giảm mạnh xuống còn chưa đến 5.000 tỷ đồng dù trong năm Masan đã thu về 11.000 tỷ đồng từ bán cổ phiếu cho SK Group.

Nguyên nhân chủ yếu là do Masan đã đẩy mạnh trả nợ. So với cuối năm 2017, vay và nợ dài hạn của Masan giảm mạnh từ 25.600 tỷ xuống 12.800 tỷ trong khi vay và nợ ngắn hạn vẫn giữ nguyên ở mức 9.200 tỷ đồng.

Một doanh nghiệp lớn hiếm hoi tiếp tục duy trì nói-không-với-vay-nợ trong suốt hàng chục năm qua là CTCP Xây dựng Coteccons. Dù sụt giảm so với năm 2017, Coteccons vẫn có lượng tiền mặt dồi dào với gần 4.500 tỷ đồng.

Theo Kinh Kha

Cùng chuyên mục
XEM