Đau dạ dày vì bổ sung quá nhiều vitamin C đuổi Covid-19

23/02/2022 19:14 PM | Sống

Nhiều người sau khi trở thành F1 hay F0 thì đã cố gắng uống thật nhiều nước cam, vitamin C với hi vọng tăng sức đề kháng chống lại dịch bệnh.

Vitamin C có thể ngăn ngừa Covid-19?

TS BS Nguyễn Trọng Hưng – Phó Trưởng khoa Dinh dưỡng và Tiết chế lâm sàng - Bệnh viện Nội tiết trung ương - cho biết hiện nay nhiều F0 đang uống quá nhiều nước cam, các loại vitamin liều cao thái quá có thể gây ảnh hưởng tới sức khoẻ.

TS Hưng cho biết, có nhiều người vì sợ Covid-19 nên ngày uống tận 5, 6 cốc nước cam lại thêm một viên vitamin liều cao. Có nhiều người vì lạm dụng vitamin C đã dẫn tới kích ứng dạ dày, gây đau dạ dày, buồn nôn, rối loạn tiêu hoá.

Lạm dụng bổ sung vitamin C liều cao có thể gây ra nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ như gây rối loạn tiêu hoá, viêm dạ dày hoặc sỏi thận.

Bình thường, vitamin C dư thừa được bài tiết ra khỏi cơ thể dưới dạng oxalat, một chất thải của cơ thể. Oxalate thường thoát ra khỏi cơ thể qua nước tiểu.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, oxalat có thể liên kết với các khoáng chất và tạo thành các tinh thể có thể dẫn đến hình thành sỏi thận. Tiêu thụ quá nhiều vitamin C có khả năng làm tăng lượng oxalat trong nước tiểu của bạn, do đó làm tăng nguy cơ phát triển sỏi thận.

Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng nếu người lớn uống bổ sung vitamin C 1.000 mg hai lần mỗi ngày và uống liên tục trong vòng 6 ngày, lượng oxalate họ bài tiết ra ngoài sẽ tăng thêm 20%. Ăn nhiều vitamin C không chỉ khiến lượng oxalat niệu nhiều hơn mà còn có thể gây ra sỏi thận, đặc biệt là khi bạn tiêu thụ lượng vitamin C lớn hơn 2.000 mg/ngày.

Đau dạ dày vì bổ sung quá nhiều vitamin C đuổi Covid-19 - Ảnh 1.

F0 chỉ nên uống 1 ly nước cam mỗi ngày.

BS. Bùi Thị Yến Nhi, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM - Cơ sở 3 cho biết, vitamin C là một chất chống oxy hóa mạnh giúp chống lại quá trình viêm và tác động đến hệ miễn dịch, có thể giúp tăng cường khả năng miễn dịch. Tuy nhiên, việc sử dụng vitamin C để bổ sung chất dinh dưỡng cho bệnh nhân Covid-19 đến nay vẫn còn nhiều mâu thuẫn.

Một đánh giá Cochrane năm 2013 về các nghiên cứu đã kết luận rằng việc bổ sung vitamin C không làm giảm tỷ lệ mắc bệnh cảm lạnh thông thường, dù nó có thể giúp bạn giảm thời gian và mức độ nghiêm trọng của cảm lạnh.

Một đánh giá khác dựa trên các dữ liệu từ tháng 1/2020 đến tháng 2/2021 cho biết, sau khi tóm tắt các bằng chứng về việc sử dụng vitamin C trong phòng ngừa và điều trị người bệnh nhiễm Covid-19, nhóm tác giả đã kết luận rằng: KHÔNG có nghiên cứu nào liên quan đến việc ngăn ngừa Covid-19 bằng cách bổ sung Vitamin C.

Một số quan sát sơ bộ trên lâm sàng cho thấy tình trạng vitammin C thấp ở những người bệnh Covid-19 nặng (nhiễm trùng đường hô hấp nặng, nhiễm trùng huyết) và tình trạng bệnh được cải thiện hơn khi bổ sung thêm vitamin C trong chế độ chăm sóc và điều trị. Tuy nhiên, vai trò của vitamin C trong điều trị người bệnh nhiễm Covid-19 vẫn cần được nghiên cứu thêm.

Việc bổ sung quá liều vitamin C (>2000mg/ngày) sẽ gây ra các triểu chứng thể hiện tình trạng nhiễm độc vitamin C như đau dạ dày, buồn nôn, tiêu chảy, toan hóa nước tiểu (kéo dài làm tăng lượng oxalate trong thận, dẫn đến sỏi thận)...

BS Hưng cho rằng thực chất vitamin C đã có ở trong các thực phẩm, nếu bạn trở thành F0 thì chỉ cần bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin C như rau xanh, súp lơ. Mỗi ngày chỉ uống 1 ly nước cam tương đương với 1 quả cam vì uống nhiều nước cam sẽ làm tăng lượng đường, như vậy cũng không tốt.

Nếu không có nước cam mọi người có thể uống thêm C sủi. Vitamin C liều cao chỉ dành cho những bệnh nhân bị thiếu hụt vitamin C và cần được tư vấn của bác sĩ mới sử dụng.

BS Hưng nhấn mạnh khi một người khỏe mạnh, không mắc bệnh lý gì thì không cần bổ sung vitamin C dạng thuốc. Bởi thông qua chế độ ăn uống cân bằng và đầy đủ các nhóm dinh dưỡng hằng ngày, cơ thể đã có thể dễ dàng nhận đủ vitamin C từ thực phẩm tươi, đặc biệt là trái cây và rau quả.

Trong đợt dịch Covid-19, bạn không cần phải mua quá nhiều thực phẩm bổ sung vitamin, chỉ cần 1 lọ vitamin tổng hợp cũng đã đủ dùng, tránh lạm dụng gây tốn kém mà chưa chắc đã tốt cho sức khoẻ của mình.

Theo Ngọc Anh

Cùng chuyên mục
XEM