Đầu bếp thất nghiệp được ‘săn lùng’ ráo riết để phục vụ giới siêu giàu trong mùa dịch, thu nhập tăng 30%, được thưởng nhiều hơn khi làm ở nhà hàng

05/05/2020 08:04 AM | Kinh doanh

Ngoài ra, họ còn được hưởng một số đặc quyền khác như giờ giấc làm việc không quá căng thẳng.

Thời gian gần đây, các đầu bếp của một số nhà hàng hàng đầu tại thành phố New York đang bắt đầu chuyển hướng sang làm việc cho giới siêu giàu sau khi mất việc vì đại dịch Covid-19.

Những đầu bếp thất nghiệp này còn được "săn lùng" ráo riết bởi công ty nhân sự hay thậm chí là nhà môi giới bất động sản để trở thành người chế biến bữa ăn riêng cho các gia đình giàu có trong bối cảnh đại dịch khiến hàng loạt nhà hàng phải tạm đóng cửa và mọi người được yêu cầu ở trong nhà để đảm bảo an toàn.

Đối với các đầu bếp chuyên nghiệp, đây gần như là cách duy nhất để họ kiếm tiền từ chuyên môn của mình mà vẫn đảm bảo thu nhập ở mức khá.

Ian Tenzer, một cựu bếp phó 29 tuổi tại nhà hàng ba sao Michelin - Eleven Madison Park (đạt danh hiệu nhà hàng tốt nhất thế giới năm 2017) chia sẻ: "Tôi bị sa thải 6 tuần trước. Dù họ muốn giữ chúng tôi lại như thế nào thì điều đó vẫn bất khả thi. Tôi không thể chịu được việc ngồi yên một chỗ. Tôi nhớ công việc trong bếp. Tuy nhiên, cơ hội đã đến và tôi đã trở thành đầu bếp riêng cho một gia đình khá giả. Đây là lựa chọn tốt về cả mặt nghề nghiệp và kinh tế".

Đầu bếp thất nghiệp được ‘săn lùng’ ráo riết để phục vụ giới siêu giàu trong mùa dịch, thu nhập tăng 30%, được thưởng nhiều hơn khi làm ở nhà hàng - Ảnh 1.

Cựu bếp phó Ian Tenzer.

Trên thực tế, đầu bếp riêng có mức thu nhập tăng từ 20% đến 30% so với thông thường. Ngoài ra, họ còn được hưởng một số đặc quyền khác như giờ giấc làm việc không quá căng thẳng. Bếp phó tại các nhà hàng cao cấp có thể kiếm được từ 120.000 USD đến 200.000 USD/năm khi làm việc toàn thời gian cho một gia đình, cao hơn tương đối so với mức 100.000 USD nếu làm việc tại một nhà hàng.

David Youdovin, CEO của một công ty chuyên tuyển dụng nhân viên cho giới nhà giàu cho biết đầu bếp cá nhân cũng được thưởng thường xuyên hơn, đặc biệt là khi họ đồng ý ở luôn tại nhà của gia chủ để phục vụ trong đại dịch. Theo ông, hầu hết đầu bếp nhà hàng đều được trả lương thấp so với công sức bỏ ra và ít khi được thưởng. Còn ở thời điểm hiện tại, khách hàng giàu có đang có nhu cầu và rất hào phóng.

Mặc dù vậy, nhược điểm của việc trở thành đầu bếp riêng là bạn sẽ không biết trước những người mình sẽ phục vụ như thế nào. Một số gia đình khá dễ mến nhưng cũng có gia đình ngược lại. Họ có thể tỏ ra thô lỗ hay thậm chí là ngược đãi đầu bếp qua lời nói.

Trong khi đó, làm việc tại nhà hàng tạo cơ hội cho các đầu bếp học hỏi từ người giỏi hơn, trải nghiệm những kinh nghiệm thực tế quý giá và mở rộng mối quan hệ - điều họ không có được khi làm việc cho một gia đình giàu có.

Ian Tenzer nói: "Bạn là một thành viên của nhóm tại nhà hàng. Bạn vừa học được từ người này và vừa hướng dẫn người khác. Mọi người trở thành gia đình thứ hai của bạn. Đó là điều khiến bạn cảm thấy khó khăn khi phải rời đi".

Đại dịch Covid-19 cũng khiến quá trình phỏng vấn trở nên khó khăn hơn. Thay vì đầu bếp nấu ăn rồi để người thuê nếm thử, giờ đây nhiều cuộc phỏng vấn phải diễn ra qua Zoom hoặc FaceTime, khiến hai bên khó xác định liệu họ có tìm được đúng đối tượng mình cần hay không.

Tất nhiên, cho đến khi đại dịch lắng xuống, hợp đồng làm việc cho giới nhà giàu của nhiều đầu bếp chỉ mang tính chất ngắn hạn. Khi mọi thứ trở lại bình thường, khả năng cao là họ sẽ phải tìm một công việc mới hoặc tìm cách quay lại chỗ làm cũ để duy trì thu nhập.

Duni

Cùng chuyên mục
XEM