Dấu ấn nổi bật của Chính phủ mới là gì?

14/01/2017 09:12 AM | Xã hội

8 từ khoá quan trọng của 2016 là Chính phủ kiến tạo, quốc gia khởi nghiệp...

Tham dự sự kiện này có nhiều chuyên gia kinh tế: Trương Đình Tuyển, Nguyễn Quang Thái, Trần Đình Thiên, Nguyễn Đình Cung, Võ Trí Thành... cùng đại diện một số cơ quan quản lý nhà nước, lãnh đạo doanh nghiệp lớn.

“Đây là điểm rất khác”

Phát biểu khai mạc, GS. Đào Nguyên Cát, Tổng biên tập Thời báo Kinh tế Việt Nam bày tỏ niềm tin vào triển vọng kinh tế 2017, với cơ sở của niềm tin là sinh khí mới từ Chính phủ kiến tạo.

Ở vị trí đồng chủ trì, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc nêu 8 từ khoá quan trọng của 2016: Chính phủ kiến tạo, quốc gia khởi nghiệp.

“Cộng đồng doanh nghiệp đã “bỏ phiếu” cho Chính phủ bằng việc hăng hái thành lập doanh nghiệp mới, lần đầu tiên số doanh nghiệp mới vượt 100 ngàn, đó là tín hiệu cho mùa khởi nghiệp mới của nền kinh tế Việt Nam”, ông Lộc nói.

Vậy dấu ấn nổi bật nhất của Chính phủ nhiệm kỳ mới là gì?

Tiếp cận ở nhiều góc độ khác nhau, song các ý kiến tại hội thảo đều có những nhìn nhận bước đầu khá tích cực về vai trò của Chính phủ do ông Nguyễn Xuân Phúc làm Thủ tướng.

Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên nhận xét, nhiều thông điệp được Thủ tướng đưa ra đặc biệt ấn tượng, tạo niềm tin khá mạnh mẽ cho cộng đồng doanh nghiệp và xã hội.

Nhìn cả quá trình từ khi Chính phủ được kiện toàn, ông Thiên khái quát, điều ấn tượng nhất là Chính phủ đã có cái nhìn tổng thể trong giải quyết từng việc cụ thể, và nhìn thấu chuyện dài hạn trong xử lý việc ngắn hạn.

“Đây là điểm rất khác, lâu nay tôi có cảm tưởng điều hành luôn chạy theo ngắn hạn, đến nay kết quả của ấn tượng trên cũng chưa rõ ràng, nhưng dự cảm là khá rõ ràng”, ông Thiên nói.

Sau đó, Viện trưởng Thiên nêu hai ví dụ minh chứng nhận định nêu trên.

Đó là thái độ của Chính phủ với doanh nghiệp qua Nghị quyết 35. Tầm nhìn chiến lược trải dài từ việc giải quyết vụ quán cà phê Xin Chào, cho đến chương trình phát triển, xác định vai trò của khu vực doanh nghiệp tư nhân...

Ví dụ thứ hai được ông Thiên nêu là cuối năm 2016, trước kỳ họp Quốc hội, dù dự báo mục tiêu tăng trưởng gần như chắc chắn không đạt, nhưng Thủ tướng vẫn cho rằng không cần điều chỉnh. Trong khi theo thông lệ các kỳ trước là chỉ tiêu nào khó cứ đề nghị điều chỉnh cho phù hợp với thực tế, và vẫn sẽ hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc không có vấn đề gì.

“Tôi đánh giá cao thông điệp Thủ tướng đưa ra là không việc gì phải điều chỉnh, vì nếu điều chỉnh thì hoàn thành nhiệm vụ về mặt ngắn hạn, nhưng không có cơ hội kiểm điểm những vấn đề dài hạn có vấn đề gì về cơ cấu hay không. Việc này phản ánh cách nhìn không chạy theo chủ nghĩa thành tích”, ông Thiên nói.

“Tôi muốn nhìn thấy sự thay đổi”

Hoàn toàn ủng hộ việc không điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng của 2016 nêu trên, song nhìn nhận của nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển hơi khác Viện trưởng Thiên. Lý do của việc này, theo ông Tuyển không phải do tầm nhìn dài hạn, mà vì vẫn muốn phấn đấu đạt chỉ tiêu đó.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Nguyễn Đình Cung nói thẳng là không quan tâm đến tăng trưởng sáu phẩy mấy phần trăm, vì thể nào cuối năm cũng đạt mục tiêu, nếu không đạt thì cũng lý giải tại nó thế này thế kia chứ không nhìn thẳng vào cốt lõi là tăng trưởng đã tới hạn rồi.

“Tôi muốn nhìn thấy sự thay đổi chứ không muốn nhìn thấy thành tích qua con số”, ông Cung nhấn mạnh.

Viện trưởng CIEM cho biết thêm rằng, hôm qua ông có nói với Thủ tướng là thông điệp Chính phủ kiến tạo, liêm chính được Thủ tướng nói liên tục, ở nhiều nơi. Nhưng điều quan trọng là từ tuyên bố chính trị này có ông bộ trưởng nào, chủ tịch tỉnh nào thảo luận xem là thực hiện thế nào.

“Quan trọng là từ thông điệp chính trị đến thực tiễn hành động như thế nào, nói Chính phủ kiến tạo nhưng mới là Thủ tướng thôi, chứ chưa phải Chính phủ nói chung, phải phân định xem ai chưa làm trọn điều đó”, ông Cung phát biểu.

Nhưng, ông Cung cũng cảm nhận được dấu hiệu hành động đã thấy rất rõ ở Bộ Công Thương, khi mà có những điều đã được cổ suý bãi bỏ nhiều năm nay đến nay mới có thể bỏ được.

“Phải thay đổi tư duy phát triển, nếu không thay đổi tư duy mà cứ làm kiểu cũ, thì khái niệm Chính phủ kiến tạo không có nhiều ý nghĩa”, GS. Nguyễn Quang Thái, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Việt Nam bày tỏ quan điểm.

Ông Thái nhấn mạnh, Chính phủ kiến tạo không chỉ cải thiện môi trường đầu tư mà cần cải cách thể chế, đổi mới tư duy phát triển, quyết tâm vượt khó, đưa dân tộc vượt qua thách thức. Đó là điều quan trọng nhất.

Dấu ấn nổi bật của Chính phủ mới là gì? - Ảnh 1.

Toàn cảnh buổi tọa đàm tại Thời báo Kinh tế Việt Nam chiều 12/1 - Ảnh: Việt Tuấn.

Theo Nguyên Vũ

Cùng chuyên mục
XEM