Đất nước "may mắn nhất thế giới" có nguy cơ rơi vào cuộc khủng hoảng lớn nhất trong 120 năm lịch sử vì Covid-19

15/09/2021 19:40 PM | Xã hội

Sau khi theo đuổi chiến lược "Zero Covid", quá trình nới lỏng các biện pháp chống dịch hà khắc đang tạo ra 1 cơn ác mộng chính trị đối với Thủ tướng Australia Scott Morrison vì các bang tranh cãi nảy lửa.

Năm 1964, tác giả Donald Horne viết cuốn sách có tựa đề "Đất nước may mắn", trong đó có câu "Australia là một đất nước may mắn, vận hành bởi dân thường - những người cùng chia sẻ may mắn đó". Cụm từ "đất nước may mắn" đã đi vào lịch sử, trở thành biệt danh của xứ sở chuột túi.

Ngụ ý của Horne khi đó là châm biếm mọi thành tựu mà Australia có được là dựa trên sự may mắn thay vì sức mạnh thực sự về kinh tế hay chính trị. Sau nhiều năm, cụm từ này lại mang ý nghĩa tích cực, nhằm miêu tả Australia là 1 đất nước có tài nguyên trù phú, khí hậu tốt lành và đúng là có chút may mắn trên khía cạnh lịch sử cũng như chu kỳ phát triển kinh tế.

Nhưng có lẽ đại dịch Covid-19 đã chấm dứt vận may đó và đang tạo ra cuộc khủng hoảng lớn nhất từ trước đến nay đối với hệ thống liên bang của Australia kể từ năm 1901, khi 6 thuộc địa riêng biệt của Anh ở vùng đất được gọi là Great Southern Land đoàn kết với nhau để cùng giành độc lập. Chưa bao giờ nước Úc lại bị chia rẽ đến vậy.

Ranh giới giữa các bang, nơi trước đây chỉ đơn giản là nơi địa điểm chụp ảnh "check-in" giờ lại trở thành nơi được chú ý nhất, được củng cố trong nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Các thành viên trong những gia đình phải xa nhau vì lệnh hạn chế di chuyển chống lại mệnh lệnh của cảnh sát bằng cách ôm nhau qua rào chắn.

Ở phía Đông Nam, nơi có những thành phố đông đúc dân cư như Sydney và Melbourne, các bang đang dần từ bỏ mục tiêu "sạch bóng Covid-19" và muốn mở cửa trường học cũng như các cơ sở kinh doanh ngay trong tháng tới. Biên giới sẽ được mở vào cuối năm. Nhưng đối với các thành phố ở phía Bắc và phía Tây vốn thưa dân hơn, nguyện vọng là tiếp tục đóng cửa với phần còn lại của đất nước và cả thế giới, để người dân địa phương có thể tiếp tục cuộc sống không khẩu trang.

Quay ngoắt vì biến thể Delta

Năm ngoái, câu chuyện rất khác. Tháng 3/2020, Australia đóng cửa biên giới và được cả thế giới ngợi ca sau khi đã có thể nhanh chóng dập dịch bằng những đợt phong tỏa trong thời gian ngắn nhưng quyết liệt. Chiến lược này cho phép phần lớn 26 triệu dân tiếp tục cuộc sống bình thường. Trong khi hàng trăm nghìn người Mỹ và châu Âu thiệt mạng, số ca tử vong của Australia vẫn ở dưới 1.000.

New Zealand, Singapore, Hong Kong và đáng chú ý nhất là Trung Quốc là các quốc gia và vùng lãnh thổ áp dụng chiến thuật tương tự. Phần lớn người dân Australia vui vẻ chấp nhận việc bị cô lập với thế giới bên ngoài, chờ đợi cho đến khi dịch bệnh qua đi, vaccine được phủ sóng và sẽ bắt đầu mở cửa trở lại.

Nhưng sự thật là đại dịch vẫn dai dẳng, mục tiêu "Zero Covid" ngày càng trở nên xa vời và mô hình chống dịch kiểu cũ trở nên không bền vững. Hàng chục nghìn người Australia bị mắc kẹt ở nước ngoài cảm thấy bức bối vì không thể trở về quê hương.

Tồi tệ hơn, biến thể Delta đã gây ra 1 bước ngoặt lớn. Australia để "lọt lưới" vào tháng 6, khi 1 tài xế lái xe limousine ở Sydney nhiễm biến thể siêu lây nhiễm trong khi chở 1 tiếp viên hàng không đi từ sân bay tới khách sạn chuyên dùng để cách ly người trở về từ nước ngoài. Hiện mỗi ngày ở các bang New South Wales và Victoria có gần 2.000 ca nhiễm.

Mặc dù một nửa dân số Australia hiện đang ở trong vùng phong tỏa, lãnh đạo bang New South Wales (nơi có thành phố Sydney) đã hứa sẽ cho phép những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine loại mRNA hoặc AstraZeneca được tự do tới quán rượu, nhà hàng và phòng tập gym ngay khi 70% dân số trưởng thành được tiêm chủng đầy đủ. Hiện tỷ lệ đã là khoảng 48% và họ hi vọng sẽ đạt được cột mốc này trong tháng sau.

Đất nước may mắn nhất thế giới có nguy cơ rơi vào cuộc khủng hoảng lớn nhất trong 120 năm lịch sử vì Covid-19  - Ảnh 1.

Cảnh sát kiểm tra ở chốt chặn người dân Sydney - nơi có nhiều ca nhiễm - đi tới các khu vực không có ca nhiễm. Ảnh: WILLIAM WEST/AFP/GETTY IMAGES.

Sự ngạo nghễ của Tây Úc

Trong khi đó, ở cách Sydney 2.000 dặm, Mark McGowan, Thủ hiến Tây Úc Mark McGowan quả quyết ông không cần đến "kế hoạch tháo chạy" bởi vì bang của ông vẫn sạch bóng Delta và không hề áp dụng các lệnh hạn chế. "Chính sách của chúng tôi là tìm và diệt virus, người dân ở Tây Úc sẽ sống trong xã hội cởi mở và tự do nhất thế giới", ông McGowan phát biểu hôm 9/9.

Ông là lãnh đạo của một nhóm các bang muốn đóng cửa lâu nhất có thể hoặc cho đến khi tỷ lệ tiêm vaccine đạt được mức rất cao. Đó có thể là 2 tháng sau khi 90% người trưởng thành được tiêm vaccine đầy đủ. Hiện tỷ lệ đang vào khoảng 39%.

Những mâu thuẫn trong lòng Australia phản ánh thế khó mà nhiều quốc gia từng khống chế dịch bệnh thành công bằng biện pháp phong tỏa và đóng cửa đang gặp phải. Vì phần còn lại của thế giới không thể ngăn chặn dịch và đang coi Covid-19 là 1 bệnh đặc hữu như cúm mùa, chiến thắng của họ ngày càng không có nhiều ý nghĩa.

Quyết tâm theo đuổi Zero Covid của các nước cũng khác nhau, dựa vào mức độ chịu đựng của nền kinh tế. Trung Quốc vẫn tiếp tục cứng rắn trong khi Singapore đã chuyển sang chiến lược sống chung với Covid. Còn Australia đang mắc kẹt ở đâu đó giữa 2 thái cực này, và hệ thống chính trị đang bị kéo căng trước những ý kiến trái chiều.

McGowan có biệt danh là "Mr. 89%" vì giành được tỷ lệ ủng hộ lên đến 89% khi lãnh đạo đảng cấp tiến dành chiến thắng vang dội tại cuộc bầu cử cấp bang hồi tháng 3. Ông đang nổi lên là nhân vật đối đầu với Thủ tướng Scott Morrison, người đang gây sức ép buộc các bang mở cửa trở lại vào cuối năm nay. Thậm chí ông Morrison cũng đang gặp khó khăn trong việc thuyết phục những cử tri của các bang miền Đông. Tỷ lệ ủng hộ ông đã sụt giảm nhanh chóng.

Tỷ lệ tiêm chủng ở Tây Úc cũng thấp nhất cả nước, đồng nghĩa họ sẽ tiếp tục đóng cửa cho đến tận năm sau. Chiến dịch tiêm chủng diễn ra chậm chạp và thiếu sự nhất quán đã làm giảm uy tín của Thủ tướng Morrison. Sau khi nói với các cử tri hồi tháng 3 rằng tiêm vaccine không phải là 1 cuộc đua, giờ đây ông lại hối thúc tất cả các lãnh đạo bang phải đưa ra được "kế hoạch toàn quốc" để có thể nới lỏng các hạn chế.

"Chúng ta cần phải ra ngoài và sống chung với virus. Bất cứ ai nghĩ rằng chúng ta có thể mãi mãi bảo vệ bản thân cho dù virus lây lan mạnh đến đâu thì đó đều là những suy nghĩ ngu ngốc. Chúng ta không thể mãi trốn trong hang", ông Morrison phát biểu trên tivi hồi tháng 8.

Tây Úc từ lâu đã có xu hướng muốn ly khai. Một cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức năm 1933 cho thấy phần lớn người dân muốn tách khỏi liên bang. Trong những năm gần đây, các lãnh đạo bang có tư tưởng cho rằng chính phủ liên bang lợi dụng nguồn tài nguyên quặng sắt, khí đốt và vàng của họ để trợ giúp các bang nghèo hơn.

"Lâu nay Tây Úc vẫn tự nhận mình khác biệt, thậm chí là vượt trội so với phần còn lại của nước Úc, thậm chí là cả thế giới", Martin Drum – giáo sư chính trị tại ĐH Notre Dame nói. "Thường xuyên xuất hiện xung đột giữa lãnh đạo Tây Úc và chính phủ liên bang, đặc biệt là trên các vấn đề kinh tế, và đại dịch khiến hố sâu ngăn cách càng trầm trọng hơn".

Có một nhóm ở Tây Úc sẵn sàng ủng hộ và cổ vũ sự cứng rắn của ông McGowan: cộng đồng doanh nghiệp. Họ đã cảnh báo về những thiệt hại kinh tế to lớn nếu như biên giới tiếp tục bị đóng cửa đến tận năm sau. Hãng hàng không quốc gia Qantas Airways cảnh báo Perth có thể mất đi vị thế là trạm trung chuyển cho các chuyến bay tới London.

Và có nhiều dấu hiệu cho thấy "bế quan tỏa cảng" khiến chi phí kinh doanh tăng vọt. Mặc dù nhu cầu đối với các hàng hóa cơ bản xuất khẩu từ Tây Úc vẫn rất lớn, quý II GDP của bang này chỉ tăng trưởng 1,2%, thấp hơn so với mức trung bình 1,7% của cả nước. Nguyên nhân có thể là do tình trạng thiếu hụt lao động vì các lệnh phong tỏa.

Tham khảo Bloomberg

Theo Thu Hương

Cùng chuyên mục
XEM