Đánh thức ký ức 400 năm về một Hội An “khác”

29/01/2018 08:00 AM | Sống

Đúng như tên gọi, “Ký ức Hội An” là chương trình nghệ thuật biểu diễn thực cảnh, đánh thức những ký ức về phố Hội xa xưa, từ buổi sơ khai, đến thời hưng thịnh và một Hội An duyên dáng suốt dòng chảy của 400 năm lịch sử.

Cùng với tiếng khung cửi đều đều dệt những thước tơ dã sử, những mối tình mang đẫm màu thời đại lần lượt hiện ra, tạo nên một bức tranh lụa đa màu về một mảnh đất đầy thăng trầm với bao biến cố.

Thông qua lối kể chuyện đầy lôi cuốn về những cuộc tình lưu danh trong sử sách, đời sống của người dân Hội An qua các thời kỳ được tái hiện một cách sinh động và chân thực.

Nơi con sông Thu Bồn đổ về biển cả là chứng nhân của những câu chuyện tình tha thiết. Chính tại nơi này, Công viên Văn hoá Chủ đề Ấn tượng Hội An được xây dựng để tái hiện lại đời sống của người dân phố Hội suốt dặm dài của tiến trình lịch sử thông qua ngôn ngữ của kiến trúc, và chương trình biểu diễn nghệ thuật thực cảnh, với quy mô hoành tráng mang tên “Ký ức Hội An”.

Những mối tình còn mãi với thời gian

Thuở khai thời, lưu truyền trong nhân gian một mối tình bang giao đẹp đẽ, khi Công chúa Huyền Trân xinh đẹp đã dành cả tuổi thanh xuân của mình để bảo vệ bình yên, hoà hữu cho dân tộc.

Kể từ đây, tên của Huyền Trân Công chúa được khắc ghi trong sự biết ơn, trong thi ca và thậm chí đi vào cả đời sống tâm linh của người dân đất Việt.

Một câu chuyện tình đẫm nước mắt khác, lý giải về sự ra đời của tục thả đèn hoa đăng, là chuyện tình của một đôi trai gái. Chàng trai lên thuyền ra biển mà đi mãi không về. Cô gái thuỷ chung cứ đau đáu hướng về biển Đông chờ người yêu đến hoá đá.

Từ đó, những người con gái phố Hội cứ mỗi đêm trăng sáng lại thả đèn hoa đăng trên sông, mong ước dòng sông sẽ gửi tấm chân tình, sự thuỷ chung, son sắc của cô gái ấy đến chàng trai tận ngoài khơi xa.

Năm 1593, Nhật Bản có chủ trương thiết lập mối quan hệ hữu nghị với các nước láng giềng nên ban hành chính sách gọi là "Ngự Chu Ấn Trạng", cho phép các tàu thuyền sang buôn bán ở các nước khác.

Trên một con thuyền Châu Ấn, chàng thương nhân dòng dõi quý tộc Nhật Bản có tên Akari Sotaro đã đến giao thương, buôn bán và đem lòng yêu Công chúa Ngọc Hoa, con gái của Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan.

Năm 1619, đám cưới của Công chúa và thương nhân đã được cử hành trong sự hân hoan của người dân trăm họ. Từ cửa biển này, Công chúa về nhà chồng đã mang văn hóa Việt Nam phổ biến trên đất nước mặt trời mọc, khắc họa nên một mối tình bang giao ngọt ngào mà đầy tính lịch sử trong mối quan hệ hữu nghị hai nước Việt – Nhật.

Kể từ mối tình này, một cảng thị quốc tế nhộn nhịp sẽ hiện ra với những đặc trưng kiến trúc của người Nhật, người Hoa, người Pháp, Hà Lan, Bồ Đào Nha khi các thương nhân từ khắp nơi trên thế giới dừng chân tại thương cảng này và xây dựng các thương điếm để thu mua sản vật.

“Một ngày Hội An, trăm năm hoài cổ”

Những câu chuyện tình, những giai thoại đầy thổn thức với những quãng khi trầm khi bổng, khi du dương nhẹ nhàng, khi réo rắt thôi thúc. Những ký ức về Hội An sẽ được đánh thức cùng với niềm tự hào về một vùng đất đã trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử.

Để làm được điều đó, chỉ có nghệ thuật biểu diễn thực cảnh quy mô lớn mới có thể diễn đạt được tầm vóc và những thanh âm của thời đại.

Chủ đầu tư GHA đã không ngại mời nhà sản xuất các chương trình biểu diễn thực cảnh hàng đầu thế giới, đồng thời là cha đẻ của ngành nghệ thuật biểu diễn thực cảnh dàn dựng chương trình trên một quy mô sân khấu 25.000m2 bao gồm cả núi non, sông nước, khán đài 3.300 chỗ ngồi, đường biểu diễn sân khấu kéo dài đến 1.000m, quy tụ hơn 500 diễn viên chuyên nghiệp và sử dụng hàng trăm tấn thiết bị kỹ thuật phục vụ công nghệ biểu diễn tối tân.

Tái hiện thương cảng sầm uất trong “Ký ức Hội An” (Nguồn ảnh: GHA)

Việc truyền tải được những thông điệp về văn hoá, lịch sử bằng công nghệ hiện đại là một bài toán khó. Để giải được bài toán đó, một ban cố vấn là những người có uy tín hàng đầu Việt Nam trong các lĩnh vực lịch sử, văn hoá, nghệ thuật, đạo diễn, âm nhạc, mỹ thuật, phục trang, đạo cụ đã phối hợp chặt chẽ với đội ngũ chuyên gia sản xuất quốc tế để có thể tạo nên một chương trình nghệ thuật độc đáo, mới lạ nhưng đầy chân thực.

Tuy nhiên, phần kỹ xảo không phải là điều quan trọng nhất, mà chính lịch sử, văn hóa của thương cảng trong quá khứ cùng vẻ đẹp say lòng của vùng đất này mới là điều mà đơn vị tổ chức muốn du khách chú ý đến, để có thể nhìn thấy, lắng nghe và thực sự chạm đến sâu thẳm hồn văn hoá Hội An.

Xuất phát từ tình yêu thiết tha đối với lịch sử, văn hoá Việt Nam, khát khao khơi dậy niềm tự hào dân tộc, ý tưởng về công viên văn hoá chủ đề Ấn tượng Hội An và chương trình biểu diễn nghệ thuật thực cảnh “Ký ức Hội An” đã được hình thành. Đây được kỳ vọng sẽ là món quà đầy ý nghĩa, được mang đến bởi những trái tim tâm huyết với sứ mệnh quảng bá văn hóa - lịch sử và vẻ đẹp phố Hội đến du khách trong và ngoài nước.

A.D

Cùng chuyên mục
XEM