Danh hiệu học sinh khen từng mặt: Đổi mới một nửa

06/06/2016 09:05 AM | Sống

Khi triển khai Thông tư 30 thời gian tập huấn ngắn, lại yêu cầu giáo viên triển khai vội vàng, nên chưa nắm hết tinh thần thực hiện.

Sau khi đăng tải 2 bài viết: "Danh hiệu mới cho học sinh: Khen từng mặt" "Danh hiệu học sinh khen từng mặt: TS Ngôn ngữ tưởng... đùa", bàn về nội dung giấy khen của trường tiểu học Tân Phương, huyện Ứng Hòa, Hà Nội có nội dung: "Đạt danh hiệu học sinh khen từng mặt", báo Đất Việt đã nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi của độc giả.

Hệ quả của triển khai chưa tốt Thông tư 30

Bày tỏ quan điểm, bạn đọc có tên Mr Tài bình luận: "Thông tư 30 của Bộ GD&ĐT làm khổ giáo viên vì phải viết quá nhiều nhận xét khác nhau vào từng quyển tập của từng học sinh.

Khi đó, khiến cho phụ huynh không nhận thức rõ năng lực của con, con học kém môn học nào, hay yếu ở đâu cũng không nắm được, vì thế không kèm cặp được, dẫn đến hư học sinh. Bởi vì, học thế nào thì vẫn được giáo viên nhận xét có tiến bộ, nên có không học vẫn được nhận xét tiến bộ".

Đồng tình với ý kiến trên, độc giả Nguyễn Hà Chi cho rằng, vấn đề là giáo viên mới hiểu được 1 nửa Thông tư 30. Làm theo cách mới nhưng nửa vời do chưa nắm hết tư tưởng của quy định.

Phân tích rõ ràng hơn, độc giả có tên Phạm Phương chia sẻ: "Theo thông tư 30 thì học sinh học tốt các môn được đánh giá: Hoàn thành tốt (hoặc xuất sắc tùy trường) (nói chung điểm thi 9-10 và quá trình học tập trong năm cô giáo nhận xét là tốt).

Nhưng học tốt một môn như môn Toán thì cô giáo sẽ viết hoàn thành tốt môn Toán và học sinh hoàn thành các môn ở mức Khá, còn các học sinh trung bình, yếu thì không có giấy khen. Không ai lại khen thưởng là hoàn thành một mặt cả".

Nội dung giấy khen từng mặt của trường tiểu học Tân Phương.

Nhiều độc giả cũng cho rằng, đây là hậu quả của Thông tư 30, không có sự phân hóa giỏi với kém, học lực trung bình cũng được thưởng, do tiền của phụ huynh đóng. Còn nhà trường đỡ tốn tiền khen thưởng học sinh xuất sắc.

Thậm chí, học sinh nói chung va học sinh cấp 1 nói riêng, các e không hiểu hết ý nghĩa sâu xa của từ "toàn diện" và "từng mặt" của người duyệt và phát hành thông tư 30.

Là một giáo viên đang áp dụng Thông tư 30, cô Nguyễn Thu Hằng bình luận: "Tôi cũng là một giáo viên đang trực tiếp giảng dạy và đánh giá học sinh Tiểu học theo thông tư 30/2014.

Nhưng bản thân cá nhân tôi cũng không thể chấp nhận nội dung ghi một cách chung chung như nội dung của tấm giấy khen trên đây. Khi khen học sinh đặc biệt là các em còn ở lứa tuổi nhỏ chúng ta cần phải ghi nội dung rõ ràng, cụ thể điều đó nó mới có tác dụng khích lệ trẻ phát huy điểm mạnh của trẻ và có tác dụng giáo dục.

Khi xem nội dung của tấm giấy khen này tôi thiết nghĩ người kí tên và đóng dấu vào tấm giấy khen này cũng cần phải đọc kĩ nội dung rồi hãy đặt bút kí và đóng dấu. Để tránh những gì đáng buồn xảy ra".

Nội dung không sai, chỉ chưa đầy đủ

Cũng đưa ra ý kiến về vấn đề trên, độc giả có tên Lê Duy, người tập hợp giấy khen của các cháu trong một công ty để phát thưởng, thì chỉ có duy nhất các huyện thuộc tỉnh Hà Tây cũ là nhiều kiểu khen khó hơn.

Ví dụ như: "Đạt thành tích xuất sắc trong rèn luyện môn toán, Đạt học sinh toàn diện, vì thế nên bản thân tôi cũng trêu đạt học sinh trung bình toàn diện hay giỏi toàn diện. Trong khi đạt danh hiệu xuất sắc 1 môn cấp trường thì không được phần thưởng mà phải là khá hoặc giỏi toàn diện.

Trong khi các trường khác đều khen rất cụ thể như: Đạt danh hiệu học sinh xuất sắc".

Ở đây đang tồn tại thực trạng, giấy khen cấp tiểu học mỗi trường mỗi kiểu, không rõ ràng, không thể biết được năng lực học tập của các em đang ở mức độ nào.

Độc giả Nam Châu bức xúc: "Thế mới thấy rõ, Thông tư triển khai 1 kiểu, dưới các trường thực hiện 1 kiểu, rút gọn đi một cách sáng tạo khó hiểu. Qua chuyện này mới thấy, đổi mới thì nói cho quan trọng, nhưng khâu tập huấn ở địa phương thì như phi ngựa xem hoa.

Giáo viên chưa nắm bắt được chủ trương, đã bắt vội vàng thực hành, rồi giáo viên vừa mò, vừa thực hiện. Hầu hết, ai là giáo viên ngày xưa đi học chủ yếu là học lực trung bình, khá, giỏi, giờ bắt thay đổi, sau khi tập huấn 1 buổi, 1 ngày".

Nhìn nhận thoáng hơn, độc giả Phạm Văn Tĩnh cho rằng, nội dung giấy khen ghi không sai, nhưng chưa đầy đủ; trong khen thưởng có khen toàn diện và khen từng mặt, lẽ ra trong giấy khen phải nói rõ là khen mặt nào, ví dụ khen vở sạch chữ đẹp chẳng hạn.

Con em chúng ta đi học, khen cũng là để động viên tạo ra động lực cho các cháu phấn đấu, vậy thì cần khen, nhưng phải ghi cho rõ khen về cái gì.

Theo Sơn Ca

Cùng chuyên mục
XEM